Ngày càng có nhiều bạn trẻ dự định tổ chức đám cưới ở chùa vì yếu tố độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh của người Việt. Hôn lễ được tổ chức ở chùa đã đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình “đem đạo vào đời”.
Nét đẹp trong văn hóa cưới hỏi của người Việt
Lễ cưới ở chùa được gọi là Lễ Hằng Thuận, là nghi thức lễ cưới được tổ chức trang nghiêm tại chùa hoặc thiền viện. Theo tên gọi, "Hằng" là thường xuyên, luôn luôn, còn "Thuận" là hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Ý nghĩa của lễ Hằng Thuận là để vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.
Yêu nhau đã hơn 4 năm, anh Trương Viết Dũng (ở Phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh) và chị Hồ Thị Hồng Hạnh (ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân) đã tổ chức đám cưới độc đáo mang nét đẹp văn hóa tâm linh tại chùa Phúc Linh trước sự chứng kiến của đức Phật, gia đình hai họ, bạn bè và hàng chục tăng ni, phật tử.
Được hỏi vì sao lại chọn nơi cửa Phật để tổ chức đám cưới thì anh Dũng giãi bày: “Vợ chồng tôi quyết định tổ chức đám cưới nơi cửa Phật với mong muốn có một gia đình êm ấm, hạnh phúc và có thêm một gia đình, đó là gia đình tâm linh.
Sau này, mỗi khi cuộc sống vợ chồng gặp khó khăn, chúng tôi có thể đến với gia đình tâm linh của mình để được nghe những lời chỉ bảo và giải tỏa những bộn bề lo toan để lại có cuộc sống thanh thản và hạnh phúc”.
“Trước khi muốn tổ chức lễ cưới tại chùa, chúng tôi thường xuyên lên chùa để cùng nhau nghe sư thầy giảng về đạo vợ chồng và thỉnh nguyện ý kiến của sư thầy trụ trì. Sau khi nhận được sự đồng ý của nhà chùa, chúng tôi mới bắt đầu bước vào công việc chuẩn bị cho buổi lễ.
Hôn lễ tổ chức ở chùa được kéo dài khoảng hơn 1 giờ và có những nghi thức như các thủ tục bái lạy thiên địa, cha mẹ, phu thê giao bái, trao nhẫn cưới”, anh Dũng cho biết thêm.
Trang nghiêm và ý nghĩa
Lễ cưới được tiến hành ngay chính điện của chùa với không khí rất trang nghiêm và thành kính. Chủ hôn là Trụ trì của chùa và các chư vị hòa thượng khác đứng ở phía sau khán đài, còn gia đình cô dâu, chú rể cùng bạn bè đứng ở hai bên.
Chú rể lịch lãm trong bộ veston màu đen, còn cô dâu thì duyên dáng trong tà áo dài truyền thống màu đỏ cùng nhau quỳ xuống lạy Phật, cùng nhau nghe Kinh Thiện Sinh, Kinh Chúc phúc.
Mở màn buổi lễ, chủ trì mời gia đình hai họ cùng tân lang và tân nương tiến đến quỳ xuống làm lễ trước bàn thờ. Đôi uyên ương nhận lời ban phước cũng như lời răn dạy của vị chủ trì buổi lễ.
Tiếp đó là nghi lễ "phu thê giao bái", cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới thề nguyện trọn đời sống tốt bên nhau và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn, giảng dạy về đời sống hôn nhân theo tinh thần phật giáo.
Cuối cùng, đại diện hai bên gia đình hứa trước tượng Phật và các vị chư tăng về việc chỉ bảo cho cô dâu chú rể nên người, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Sau khi buổi lễ tại chính điện kết thúc, gia đình hai bên mời sư thầy, chư tăng cùng họ hàng và bạn bè dự tiệc chay. Một bữa tiệc chay, không có bia, rượu vừa giúp gia đình theo đạo Phật tránh khỏi việc sát sinh trong ngày đại hỉ, đồng thời cũng rất có lợi cho sức khỏe của mọi người.
Sau buổi lễ, cô dâu Hồ Thị Hồng Hạnh với nụ cười rạng ngời hạnh phúc tâm sự: “Hôm nay là ngày cưới của chúng em, em thực sự rất hạnh phúc và hạnh phúc hơn khi đám cưới được tổ chức tại nhà Chùa, trước sự chứng kiến của Phật và đông đủ mọi người”.
Người khởi xướng nghi lễ Hằng Thuận là ông đồ Nam Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Thuật, quê Hải Dương). Ông đưa ra quan điểm "Đạo Phật nên được dấn thân và hoà hợp vào quần chúng". Năm 1937 Hoà thượng Thích Thiện Hoa đã dùng hai chữ “Hằng Thuận” để chỉ việc kết hôn nơi cửa Phật.