Người thực hiện công trình đồ sộ này là một chàng trai sinh ra từ làng, với hoài bão đưa nghề gốm truyền thống quê hương phát triển theo hướng mới.
Nguyễn Văn Nguyên kể, tuổi thơ của anh gắn liền với những trò nặn tò he, xe cộ, những chiếc nồi… bằng những cục đất sét méo mó.
Gia đình anh nhiều đời gắn với đất nơi làng gốm truyền thống Thanh Hà có tuổi gần 500 năm.
Đến từng nhà để thuyết phục
Năm 18 tuổi rời làng vào Sài Gòn học đại học kiến trúc, trong hành trang của Nguyên lúc đó có những nắm đất sét của làng.
Trở thành kiến trúc sư, giám đốc Cty Nhà Việt Corp, an cư lạc nghiệp nơi đô thị lớn, nhưng anh vẫn không nguôi nỗi nhớ đất quê.
Nhiều ý tưởng Ngôi nhà với chất liệu gốm, Ngôi nhà nhịp điệu gốm… được anh giới thiệu và quảng bá. Để rồi cuối năm 2011, anh quyết định về làng với hoài bão cách tân làng gốm.
Thế nhưng ý tưởng xây dựng một công viên gốm là nơi để trưng bày, giới thiệu và hình thành các chợ gốm thương mại do làng Thanh Hà sản xuất của Nguyên vấp phải sự phản đối của một số hộ dân, nhất là những người có thâm niên làm gốm lâu năm.
Họ lo ngại cách làm của Nguyên quá “phiêu”, đi ngược với hướng phát triển chung. Nếu có làm, công viên cũng sẽ thu hút hết lượng khách tiềm năng của dân làng, khi đó gốm sẽ không có đầu ra.
Ngay cả ba của anh, ông Nguyễn Văn Vân cũng không khỏi lo lắng: “Nó đi xa quê nhiều năm, giờ lại đùng đùng về quê bỏ tiền tỷ để xây dựng công trình gốm khổng lồ trong khi tiềm năng của nó chưa biết tới đâu.
Nghe con nói mà tôi như ngồi trên đống lửa, sợ con vỡ nợ, rồi làng trách.
Nhưng nghĩ cho cùng, một người trẻ như nó mà có lòng về giúp quê hương, quả quyết làm cho bằng được như thế cũng là một điều rất quý. Nên tôi ủng hộ”.
Nguyên đến từng nhà những nghệ nhân gốm lâu năm trong làng để thuyết phục, giới thiệu cặn kẽ cho bà con những hạng mục sẽ làm, những cái lợi của công trình sau khi hoàn thành, kèm theo cam kết công viên sau khi xây xong, sẽ là nơi trung gian kết nối sản phẩm của làng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Vinh danh đất làng
Cuối năm 2011, dự án Công viên đất nung Thanh Hà được khởi công trên khoảng đất trống của làng có diện tích 5.800 m2.
Sau gần bốn năm xây dựng, đến nay công viên đất nung đang hoàn thiện những khâu cuối cùng, dự kiến sẽ khánh thành vào dịp 30/4 này.
Công viên được thiết kế độc đáo, gồm hai bố cục chính mô phỏng chiếc lò gốm làng Thanh Hà:
Công viên đất nung Thanh Hà sẽ là công viên gốm lớn nhất và độc đáo nhất Việt Nam. Ảnh: Đào Phan
Tòa nhà úp ba tầng dùng để lưu giữ những tác phẩm gốm truyền thống của làng từ xa xưa, tòa nhà ngửa cũng ba tầng để trưng bày và tổ chức các buổi triển lãm các sản phẩm gốm mới, thành lập các chợ thương mại, trong đó mỗi hộ dân sẽ có một lô riêng để giới thiệu sản phẩm do chính gia đình mình sản xuất ra.
Ông Nguyễn Lành, người dân làng gốm Thanh Hà từng phản đối ý tưởng của Nguyên, nay đứng ngắm nhìn công trình đồ sộ, tấm tắc:
“Không ngờ thằng Nguyên lại có cái đầu lớn như vậy. Trước tôi và một số bà con cứ nghi ngại, cứ nhìn gần mà không biết hướng ra xa, nhưng nay thì hoàn toàn yên tâm rồi.
Mấy hôm nay, khách du lịch đến công viên xem gốm cứ đông nghìn nghịt, bà con chúng tôi mừng lắm”.
Mặc dù chưa chính thức đưa vào sử dụng nhưng hiện nay công viên đã trưng bày hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật từ gốm do các nghệ nhân của làng tự tay nhào nặn.
Hiện tại, đã có gần 20 hộ đăng ký lô đất trong công viên để trưng bày các sản phẩm của mình.
Khu trưng bày sẽ có một tấm bảng to treo trang trọng ở mỗi góc, trên đó chú thích tên nghệ nhân, sản phẩm chuyên dụng, giá thành, công dụng, cách làm…
Đặc biệt, du khách khi đến đây có thể chiêm ngưỡng cách làm gốm, tự tay sáng tạo các sản phẩm từ đất sét.
Từ khi công viên được xây dựng, nhiều họa sĩ từ Hội Mỹ thuật TPHCM, và nhiều nghệ nhân từ các nơi đã về công viên tổ chức sáng tác về gốm, làng Thanh Hà trở nên nhộn nhịp.
Ngắm nhìn đứa con tinh thần sắp hoàn thành, Nguyễn Văn Nguyên không giấu nổi niềm vui: “Đây là ước mơ cả đời của tôi.
Từ nhỏ tôi đã ấp ủ giấc mơ đưa làng nghề cha ông phát triển theo hướng mới chuyên nghiệp hơn. Xa quê lâu năm, sống chết chi tôi cũng gắn với cục đất làng, không rời bỏ được”.
Ông Trần Đình Châu, Phó GĐ Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An, nói: “Công viên Văn hóa đất nung là một công trình gốm lớn và độc đáo nhất cả nước.
Công trình mà Nguyễn Văn Nguyên làm cho bà con thực sự là một cuộc cách mạng gốm, tìm lối phát triển mới cho làng nghề, xóa bỏ nghi ngại trước kia của người dân.
Từ nay, làng gốm Thanh Hà sẽ khoác chiếc áo mới, phát triển theo hướng chủ động, chuyên nghiệp và thương mại hóa”.