"Doanh nghiệp VN nên học cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân"

H.Đan |

(Soha.vn) - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam cần tính trước các bước Trung Quốc có thể đi để có biện pháp giảm các tác động tiêu cực...

Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là hành vi “xâm chiếm” có mục đích của Trung Quốc.

Những diễn biến căng thẳng trên biển Đông hiện nay chứng tỏ Trung Quốc sẵn sàng leo thang tiếp, vì vậy, theo TS Lê Đăng Doanh, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động để có biện pháp giảm các tác động tiêu cực.

"Trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc liên tục là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều đạt gần 50 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,32 tỷ USD năm 2013, chủ yếu là nông sản và các nguyên liệu thô.

Trong khi đó, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc 36,96 tỷ USD, chủ yếu là các nguyên vật liệu cho các thành phẩm như các linh kiện điện thoại di động, các phụ kiện cho dệt may và da giày, các trang thiết bị cho các nhà máy điện mà chúng ta vay vốn Quỹ Xuất khẩu đầu tư của Trung Quốc để xây dựng. Theo quy định của quỹ, khi vay vốn chúng ta phải mua thiết bị của họ, phải sử dụng nhà thầu của họ nên họ đưa cả công nhân sang nước ta để làm dự án.

Vì vậy, chúng ta cần có phương án để giảm bớt các tác động tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam", TS Doanh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Cũng theo TS Doanh: "Hiện nay Trung Quốc đứng vị trí thứ 9 trong số các nhà đầu tư ở Việt Nam. Mặc dù họ đầu tư chỉ khoảng 7 tỷ USD nhưng cần xem tác động của các dự án đầu tư của họ như thế nào? Chúng ta có quan hệ thương mại với 243 nước trên thế giới nên phải chủ động, tỉnh táo nhìn rõ tình hình và có hình thức chủ động điều chỉnh để giảm bớt khả năng có thể bị tổn thương".

TS Doanh cũng bày tỏ, trong thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tỉnh táo và hãy học hỏi tấm gương của các chiến sỹ cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân Việt Nam đang hàng ngày thực thi pháp luật và sản xuất kinh tế trên biển.

"Mặc dù mình ít tàu hơn, tàu bé hơn nhưng vẫn khéo léo, kiên cường hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc. Chúng ta hãy học tập tinh thần đó để đẩy mạnh tinh thần chủ động, khẩn trương, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách, giảm bớt đầu tư, lãng phí, tham ô, lễ hội rườm rà tốn kém, hình thức. Hãy làm những việc thiết thực để thích ứng với tình hình sắp tới. Mọi người hãy tiết kiệm, hiệu quả, hướng về biển Đông bảo vệ chủ quyền và nền kinh tế của mình.

Đối với người tiêu dùng nên hưởng ứng phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...". ông Doanh chia sẻ.

Đồng quan điểm đó, trao đổi trong buổi hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 mới được tổ chức, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cũng nhận định, trong vấn đề ứng xử, lúc này kinh tế Việt Nam cần nhấn mạnh vào việc tránh “phụ thuộc” vào kinh tế nước ngoài đặc biệt kinh tế Trung Quốc. Để làm được điều này cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về điều hành kinh tế vĩ mô.

Còn trong báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Đại sứ quán Australia vừa được tổ chức, nhóm tác giả cũng đã đưa ra 5 gợi ý chính sách mà kinh tế Việt Nam nên hướng tới trong thời gian tới.

Thứ nhất, qua giai đoạn kinh tế suy giảm vừa qua cùng với những tranh chấp với Trung Quốc hiện nay, nhu cầu cải cách và giảm phụ thuộc càng quan trọng.

Thứ hai, Việt Nam cần xác định đối tác kinh tế chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, ASEAN và xây dựng cơ sở hợp tác lâu dài tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thứ ba, quan tâm đến nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. Ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư.

Thứ tư, thúc đẩy tăng năng xuất kinh tế theo hướng trung hạn – dài hạn thông qua quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu.

Cuối cùng phân bổ nguồn lực tạo cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế biển, chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại