Đổ xăng trên cao tốc dài nhất Việt Nam thế nào?

Cao tốc dài nhất Việt Nam (Nội Bài - Lào Cai) chính thức được thông xe toàn tuyến sáng 21/9.

Đổ xăng thế nào?

Ông Bùi Đình Tuấn - Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc VN (VEC O&M) cho biết, trên tuyến có 5 trạm dừng nghỉ (hai bên đối xứng) có cây xăng, nhà ăn, bãi đỗ xe đang giao cho các nhà đầu tư triển khai và cố gắng trong quý 4 năm nay sẽ đưa vào sử dụng.

Trong thời gian đầu chưa hoàn thiện trạm dừng nghỉ, xe khách đi trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai phải dừng nghỉ ở các nút giao ngoài đường cao tốc.

Trong 5 năm thực hiện dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, VEC đã thay 4 vị trí tư vấn giám sát do không đảm bảo yêu cầu.

 Khởi công năm 2009, hoàn thành sau 5 năm, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là một dự án tầm cỡ. Cùng nhìn lại chặng đường thi công cao tốc với vô vàn khó khăn từ việc thiếu vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng (GPMB) vướng mắc...

Khởi công

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khởi công năm 2009 xuất phát từ khu vực Nội Bài, Thủ đô Hà Nội đi qua các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái. Điểm cuối cùng là Lào Cai.

Cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Dự án thi công nhiều hạng mục với khối lượng rất lớn, gồm 120 cầu lớn nhỏ, 1 hầm xuyên núi dài 530m, có 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23 ha…

Bộ GTVT giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) làm chủ đầu tư công trình.

Tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn 1) là 1.464 triệu USD, bao gồm vốn ưu đãi là 236,21 triệu USD, vay thông thường 1.034,5 triệu USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.

Khó khăn

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC, dự án đã phải vượt qua nhiều thách thức như: Thời tiết không thuận lợi, GPMB chậm, giá cả nguyên vật liệu tăng, nhà thầu chính khó khăn tài chính...

Cụ thể, đây là dự án đi qua địa hình, địa chất phức tạp nhất. Dự án được xây dựng xuyên từ khu vực đồng bằng lên vùng Tây Bắc, với nhiều đồi núi, vượt qua hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô.

Để san bằng những quả núi, các đơn vị thi công đã phải đào đắp một khối lượng đất đá khổng lồ, lên tới hơn 100 triệu m3.

Trong quá trình thi công, có đến hơn 2 nghìn ha phải giải phóng với 25 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Dự án đã xây dựng 99 khu tái định cư; di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng; áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17.000 hộ dân.

Chính vì một khối lượng lớn như vậy nên dự án được khởi công từ năm 2009 nhưng đến cuối năm 2011, nhiều gói thầu mới bàn giao được 60% mặt bằng. Phải cuối năm 2012, công tác mặt bằng mới được tháo gỡ.

Thời gian GPMB kéo dài nên sau đó kinh phí GPMB đã tăng lên gấp đôi. Khi bắt đầu thực hiện dự án việc đấu thầu theo tiêu chí của nhà tài trợ vốn ADB nên giá các gói thầu thấp hơn dự toán từ 15 - 20%.

Vì thế, ngay từ giai đoạn đấu thầu đã thiếu vốn. Vì giá gói thầu quá thấp nên gói A4, A5 phải trao thầu chậm hơn 10 tháng và phải điều chỉnh lại vốn. Giá thầu thấp nên việc chọn nhà thầu không được đảm bảo, nhiều nhà thầu năng lực yếu.

Vượt khó

Cao tốc này là một trong những dự án nhận được sự chỉ đạo điều hành quyết liệt nhất của lãnh đạo Bộ GTVT. Rất nhiều kỹ sư tư vấn, kỹ sư thường trú của tư vấn giám sát, giám đốc điều hành của các nhà thầu, các nhà thầu thi công bị thay thế, điều chuyển công việc.

Các nhà thầu nước ngoài mà đặc biệt là các nhà thầu Hàn Quốc (Posco, Doosan và Keangnam) chưa quen cách điều hành dự án ở Việt Nam nên việc triển khai ban đầu chậm, công tác chuẩn bị dự án không đạt tiến độ.

Để tháo gỡ khó khăn đó, trong quá trình quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư liên tục xử lý những nhà thầu yếu kém.

Trong 5 năm thực hiện dự án, VEC đã thay 4 vị trí tư vấn giám sát do không đảm bảo yêu cầu.

Bên cạnh đó, hầu hết các gói thầu đều bị thay giám đốc điều hành đến 2 - 3 lần. Thậm chí VEC còn làm thủ tục chấm dứt hợp đồng, thu hồi bảo lãnh đối với nhà thầu Keangnam.

Xử lý

Trong quá trình thi công, nhiều phương tiện giao thông chở quá tải với số lượng lớn đã lưu thông và dừng đỗ trên tuyến đường cao tốc đang khai thác thuộc dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Các xe tải này chủ yếu chở nông sản, hàng hóa lên biên giới với lượng vượt tải rất lớn, đi thành đoàn, cố tình xâm nhập phạm vi công trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, an toàn lao động, an toàn giao thông.

Đặc biệt còn xuất hiện tình trạng đầu gấu, bảo kê trấn áp lực lượng bảo vệ của nhà thầu, buộc Công ty vận hành đường cao tốc phải cho phương tiện đi qua.

Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ Công an tổ chức điều tra, xác minh và xử lý nghiêm đối với các hành vi thao túng, bảo kê hoạt động xe quá khổ, quá tải chạy trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Ngoài ra, 8/2012, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cũng đã quyết định xử phạt ông Huang Yong, Giám đốc xây dựng gói thầu A7 đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, thuộc Công ty Xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) 8,2 triệu đồng Việt Nam.

Nguyên nhân bởi công ty xây dựng cầu đường Quảng Tây trong quá trình thi công cao tốc đã tự ý trồng các loại cỏ từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam trên taluy ven đường.

Khánh thành

Sau 5 năm thi công, cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ chính thức thông xe vào ngày hôm nay (21/9) tại khu dịch vụ số 5 (lý trình Km 237+000) xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Trên tuyến đường có 11 nút giao liên thông quy định tốc độ lưu thông tối đa là 40 km/h. Tuyến cao tốc này chỉ dành riêng cho xe ô tô, cấm hoạt động đối với xe máy, các phương tiện thô sơ khác và người đi bộ.

Việc đưa dự án vào khai thác giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với 7 giờ trước đây và mở ra cơ hội phát triển kinh tế- xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc.

Tuyến đường cũng kết nối đến các khu công nghiệp, giải trí, khu du lịch tâm linh, rút ngắn thời gian đến các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang với thời gian giảm hơn một nửa so với lưu thông trên tuyến đường hiện hữu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại