Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào 4h sáng nay 14/8, vị trí tâm bão Utor (bão số 7) ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 220 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km/h), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 4h ngày 15/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,7 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/h), giật cấp 12, cấp 13.
Dự báo đường đi và vị trí cơn bão.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4h ngày 16/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,3 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 61 km/h), giật cấp 8, cấp 9.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Hình ảnh vệ tinh bão Utor.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay (14/8) còn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) từ trưa và chiều hôm nay gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6; riêng phía Đông Bắc cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Thực hiện công tác phòng chống bão, từ ngày 11/8, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển về diễn biến bão. Đến 16h ngày 13/8, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng đã kiểm đếm, thông báo cho 3.606 phương tiện và 11.439 lao động đang hoạt động trên biển biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh và di chuyển về nơi trú ẩn an toàn.
Tại huyện Cát Hải (Hải Phòng), các vị trí đê kè sạt lở sau bão số 2, số 5, số 6 đã được địa phương và các đơn vị tích cực khắc phục sửa chữa bằng hình thức xếp đá hộc, rọ đá, đổ bê tông. Trong khi đó, quận Đồ Sơn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ và Phát triển du lịch tổ chức tuyên truyền cho khách du lịch kể từ 12h ngày 14/8 không được tắm biển, không được ở gần các khu vực kè biển trong thời gian phòng chống bão số 7. Đoạn kè du lịch tại đoàn 295 đã xếp rọ đá thành luống có thể hạn chế được sóng tràn qua với gió cấp 7, cấp 8, mức triều cường trung bình.
Ngày 13/8, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành công điện về việc chủ động các biện pháp đối phó với cơn bão số 7. Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi khẩn trương về những nơi trú, tránh bão an toàn gần nhất hoặc trở về đất liền.
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát triển khai các phương án đã xây dựng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi, khu mỏ, khu đô thị, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước. Các địa phương (đặc biệt các huyện miền Đông) kiểm tra, đôn đốc nhân dân chằng, chống nhà cửa đảm bảo an toàn; triển khai phương án đề phòng mưa lớn gây ngập lụt trang thiết bị học tập, tài liệu, thiết bị khám chữa bệnh tại trường học, công sở, bệnh viện.