Theo lời vị Phó chủ tịch huyện Thường Xuân thì Xuân Chinh là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân, có đến hơn 50% hộ nghèo. Trước kia, nghề chính của người dân là nghề “đi rừng” (khai thác gỗ trái phép) nhưng nay tình trạng này đến nay đã được dẹp bỏ.
Nếu như trước kia “vàng tặc” lộng hành tại các mỏ vàng ở Xuân Chinh (Thường Xuân, Thanh Hóa) là người nơi khác đến thì giờ đây, “vàng tặc” lại chính là người địa phương. Đói nghèo, không việc làm,… là một trong những nguyên nhân khiến họ phải đi đào đãi vàng.
Bà Hường cho biết: “Nạn khai thác vàng ở Xuân Chinh không phải bây giờ mới xảy mà đã diễn ra từ nhiều năm trước. Đỉnh điểm của nạn khai thác vàng trái phép tại Xuân Chinh là vào năm 2007, hoạt động này diễn ra rầm rộ. Các cấp ủy, chính quyền huyện đã vào cuộc một cách quyết liệt, bằng cách cho nổ mìn đánh sập tất cả các hầm khai thác vàng trên đỉnh núi Pù Lè.
Sau hơn 3 năm, tình trạng khai thác vàng gần như bị dẹp bỏ nhưng trước Tết Nguyên đán Tân Mão, người dân địa phương tiếp tục khai thác vàng trở lại do một số đối tượng ở tỉnh Thái Nguyên, Ninh Bình vào khu rừng này móc nối với người dân địa phương lên đồi Pù Lè thăm dò khoáng sản, nhưng thực chất để đào vàng.
Tin đồn Pù Lè lại có vàng nhanh chóng đến tai nhiều người dân ở Xuân Chinh và các xã lân cận nên xảy ra tình trạng người dân đổ xô vào rừng đào đãi vàng trái phép. Trong thời gian qua, nhất là những ngày gần đây tình trạng đào đãi vàng trái phép tại xã Xuân Chinh lại tái diễn với nhiều người tham gia.
Điểm khai thác vàng tập trung nhiều người là đồi Pù Lè, thuộc tiểu khu 543, lô 9, khoảnh 3 với diện tích hơn 6 héc-ta. Đây là đất lâm nghiệp đã giao lâu dài cho hộ dân trồng rừng và canh tác nhưng hiện nay đang bị cày xới vì vàng”.
Về những giải pháp nhằm kiểm soát nạn “vàng tặc” trên địa bàn, bà Lê Thị Hường cho biết: “Trước thực trạng này, huyện Thường Xuân thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với công an vào tận nơi khai thác vàng để thu giữ các phương tiện khai thác, dùng mìn đánh sập các hầm, đồng thời tuyên truyền cho bà con hiểu về những tác hại khi khai thác vàng.
Tuy nhiên, do trong mùa giáp hạt, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, không có việc làm ổn định nên tình trạng khai thác vàng lại tái diễn.
Trước mắt, huyện đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin ý kiến chỉ đạo và đề nghị tỉnh báo cáo lên Trung ương để cử chuyên gia về khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ vàng tại Xuân Chinh để từ đó có biện pháp quy hoạch, đưa khai thác vàng tại đây vào quy củ theo sự quản lý của Nhà nước”.
“Nhưng về giải pháp lâu dài vẫn phải bắt đầu từ kinh tế. Hiện nay huyện đang có chủ trương tạo việc làm cho lao động địa phương bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát những người đang ở độ tuổi lao động không có việc làm, động viên, khuyến khích tạo điều kiện để họ đi xuất khẩu lao động”, bà Hường nói.
Về việc UBND xã Xuân Chinh sử dụng thuốc trừ sâu Vophatoc để đổ vào các miệng hầm đào vàng thuộc khu vực đồi Pù Lè, đe dọa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và tính mạng của người dân, bà Lê Thị Hường khẳng định: “Huyện không hề có bất kì một văn bản nào chỉ đạo xã dùng thuốc trừ sâu để đổ vào các hầm đào vàng. Đây là một việc làm rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người dân. Chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị xã dừng ngay việc này”.
Bà Hường cũng cho rằng, cuộc chiến chống “vàng tặc” là một cuộc chiến gay go và lâu dài, “không thể ngày một ngày hai là giải quyết xong”.
“Chống “vàng tặc” thực chất là chống lại cái đói, cái nghèo. Chừng nào người dân có cái ăn, cái mặc, không lo cái đói lúc giáp hạt, có việc để làm và có thu nhập thì họ mới thôi đi đào vàng, chứ nếu không thì rất khó giải quyết vấn đề tận gốc, đâu lại vào đấy thôi”, bà Hường chia sẻ.