>> Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM
Nỗi đau chồng chất
Tới nhà, chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh Chấn ngay trước cổng ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, nhưng ông chỉ kịp chào hỏi vài ba câu rồi vội vã cùng người thân ra nghĩa trang có việc gia đình.
Nằm trong nhà, bà Nguyễn Thị Chiến – vợ ông Chấn, dường như đã kiệt sức sau chuỗi ngày với biết bao cảm xúc dồn nén. Ai hỏi thăm bà cũng chỉ mở mắt nhìn, nói được vài câu không trọn vẹn rồi bà Chiến lại nhắm mắt..
Chữa được khỏi bệnh, đó là mong muốn da diết của người phụ nữ mà suốt 10 năm qua đã rất vững tâm vượt qua biết bao điều tiếng xã hội để chăm sóc mẹ già, nuôi hai con trưởng thành. Và hơn hết là mang những lá đơn gửi tới các cơ quan chức năng kêu oan cho chồng trong điều kiện không có xe máy, đường không biết, phương tiện đi lại là xe buýt.
“Không nghĩ được”, “Không nhớ”… đó là những câu nói được bà Chiến thường xuyên nhắc lại khi mọi người hỏi thăm về câu chuyện đằng đẵng 10 năm bà đi kêu oan cho chồng.
“Có ai khổ như tôi, cuộc sống nhiều sóng gió, nếm trải đủ vất vả trong suốt 10 năm qua. Mang đồ đi cho chồng đang ở tù thì bị tai nạn, con bị bắt xe hàng tuần không lấy được. Năm 2006, báo chí đăng một bài nói chồng tôi bị oan, tôi thấy phấn khởi, tiếp tục đi kêu oan cho chồng. Sáu năm sau, tôi ngã bệnh. Chị em đùm bọc nuôi tôi, tôi lại tiếp tục mang đơn gửi tới các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ mọi việc. Đi xe buýt thì có anh Hoạt, bá Hải ngồi bên cạnh; đi xe máy thì có người khác đèo tới các cơ quan công quyền. Tôi chỉ nhớ là nội dung ở hết trong đơn”, bà Chiến nói trong nước mắt, những câu nói lúc được, lúc mất vì bà đang quá mệt.
Bà Chiến bước xuống khỏi giường lại phải có người dìu, việc vệ sinh cá nhân cũng phải có người bên cạnh.
Vào khoảng năm 2008, con gái bà Chiến là chị Nguyễn Thị Quyền chở mẹ đi “tiếp đồ” cho bố ở trại giam. Trên đường về, hai người bị tai nạn. Bản thân bà Chiến bị rách đùi. Mọi người phải đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên sơ cứu, sau đó thuê xe đưa lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang điều trị.
“Mẹ chồng già gần 70 tuổi phải chăm con dâu từ miếng ăn tới việc đi vệ sinh vì mọi người đi làm hết, hàng xóm nhiều người không chơi với gia đình có kẻ “giết người”. Bà Chiến cũng phải mất mấy tháng không làm ăn được gì vì tai nạn đó”, một người nhà của bà Chiến tâm sự.
Sau đó, bà Chiến bị thoát vị đĩa đệm nên phải nằm điều trị tại bệnh viện 108 (Hà Nội). Chỉ cho chúng tôi vết sẹo còn in sâu trên đùi phải của mình sau tai nạn đó, bà Chiến cũng chỉ kịp đưa ánh mắt mệt mỏi dõi theo rồi bà lại nhắm nghiền mắt, thiếp đi.
Tháng 10/2013, một thông tin phản bác lại việc “oan sai” của ông Chấn được đăng tải khiến tinh thần bà Chiến suy sụp hoàn toàn. Bà phải đi viện tâm thần kiểm tra. Lúc này, các bác sĩ yêu cầu bà Chiến nằm viện.
“Gia đình xin về nhưng các bác sĩ không đồng ý. Nghe tin bố được về, gia đình lên bệnh viện xin cho về mẹ về một ngày đề đón bố. Nhưng lịch về của bố bị chậm lại một hôm nên gia đình lại xin bệnh viện cho mẹ ở nhà thêm 3 ngày nữa. Mẹ bị tai biến là do suy nghĩ nhiều. Rồi cả những áp lực về vật chất đổ dồn. Quá trình đi kêu oan cho bố, nhiều khi mẹ cảm thấy tuyệt vọng, có lúc muốn bỏ cuộc. Nhìn thấy bố từ tù ra, mẹ ngất lên ngất xuống không còn biết gì”, anh Nguyễn Chí Quyết, con trai ông Chấn và bà Chiến tâm sự.
Cũng theo những chia sẻ của anh Quyết thì gia đình anh cảm giác chắc chắn ông Chấn sẽ được trở về là vào tháng 6/2013, chỉ là ông Chấn sẽ trở về sớm hay muộn. Từ 2003 – 2012, gia đình ông Chấn chỉ biết viết đơn kêu oan lên gửi cơ quan thẩm quyền với sự giúp đỡ của chị Thân Thị Hải (sinh năm 1958).
Anh em đồng hao cắm nhà, vay gần 100 triệu
Ông Thân Ngọc Hoạt ở cùng xã với ông Nguyễn Thanh Chấn, đồng thời cũng là anh em đồng hao với ông Chấn cũng đã đem “cắm” sổ đỏ mảnh đất của mình lấy 95 triệu đồng, làm lộ phí giúp bà Chiến đi kêu oan cho chồng. Nhiều người làng tin ông Chấn vô tội, họ vét cạn tiền trong nhà, góp cho ông Hoạt để chung tay đi đòi công lý cho ông Chấn.
“Trong thâm tâm chị tôi vẫn hiểu mọi việc. Nhưng suốt từ hôm từ bệnh viện tâm thần về, mắt chị ấy nhắm, miệng vẫn nói, ai hỏi câu gì nhớ được gì thì trả lời, không thì lại nằm yên đó. Chị ấy khóc nhiều lắm. Cách đây 3 ngày, tôi đã thấy chị ấy nói không tròn tiếng rồi. Mệt quá đấy mà. Tôi cũng khuyên chị ấy hạn chế nói chuyện để giữ sức”, ông Nguyễn Đình Lược, em trai bà Chiến cho biết.
Và cũng như mong muốn của rất nhiều thành viên khác trong gia đình, anh Quyết chỉ mong sức khỏe đến với bố mẹ mình để hạnh phúc sẽ mỉm cười với gia đình anh.