“Dị nhân” bỏ nhà phố ra ở lều tranh không tivi và nồi cơm điện

Tịnh Lam |

Ông Nguyễn Đức Thắng 61 tuổi nhà ở Phố Ngọc Hà, Hà Nội bỗng dưng chán phố phường nên dọn ra bãi giữa Sông Hồng ẩn cư và làm nông dân…

Thấy mình trẻ ra 10 tuổi sau …1 tháng

Mặc dù là trai Hà Nội gốc, từng là một hoạ sỹ, có thêm nghề phụ là làm bánh nhưng ông Nguyễn Đức Thắng vẫn thấy mình hợp với nghề trồng cây, chăn nuôi gia cầm, chim cảnh.

Không chịu nổi chứng đau đầu do di chứng bị thương hồi chiến tranh cộng thêm việc Hà Nội nơi ông gắn bó ngày một đông đúc, ồn ào.

Từ 10 năm trước ông Thắng đã lên tận Hoà Bình mua 2 ha đất để trồng cây, chăn nuôi và thuê người trông coi.

Ông Thắng kể: Mua được đất đai rộng rãi, chăn nuôi, trồng trọt cũng phát triển nhưng không thích cái kiểu mỗi lần về Hà Nội thăm vợ con quay trở lại thì cả đàn gà vài trăm con nuôi lớn hơn 1,5 kg bỗng dưng “ bé lại” khoảng 5 lạng một cách… kỳ lạ.

Biết là người làm thuê đã đánh tráo nhưng ngại cãi nhau, thấy việc quản lý khó khăn nên đành bán để quay về Hà Nội tìm cơ hội khác.

Ông Thắng nuôi hàng trăm con ngan

Vốn là người nghiện tắm sông Hồng từ nhiều năm, biết có người cho thuê đất canh tác nên năm cuối năm 2014, ông Thắng đã quyết định thuê 2 hetta đất nơi bãi giữa Sông Hồng để làm một người nông dân thực thụ. Tiền thuê cũng chỉ mươi triệu 1 năm.

Quyết tâm từ bỏ mọi tiện nghi, ông ra bãi sông dựng lều mái lá, không điện, không tivi, tủ lạnh, không nồi cơm điện, sớm hôm làm bạn với ngan, ngỗng và cả những đám chim trời.

Vài hôm vợ ông Thắng từ Ngọc Hà lại đưa đồ ăn ra tiếp tế cho chồng. Bà cũng ngạc nhiên vì cuộc sống nơi bãi giữa thiếu thốn nhưng đem lại nhiều niềm vui cho ông.

Ông Thắng tâm sự: “Những ngày ở ngoài phố, tôi như người chán đời, râu dài tận rốn chả buồn cắt, 60 tuổi mà trông như 80.

Nhưng ra đây thấy cuộc sống thay đổi hẳn. Sống một mình như vẫn cảm thấy vui. Ở phố bạn bè, rượu bia nhiều cảm thấy mình không kham nổi.”

“Hồi mới ra, vẫn để râu dài, bọn trẻ đi qua toàn chào cụ. Ra được hơn 1 tháng, bỗng dưng thấy cần phải cạo râu, cắt tóc cho đỡ vướng víu để còn làm vườn, cắt xong thấy mình trẻ ra được chục tuổi lại vui.

Đám trẻ đi qua dừng lại chào anh và hỏi thăm ông cụ râu dài mấy hôm đi đâu mà không thấy. Vợ nhìn thấy chồng trẻ lại cũng phấn khởi ôm hôn mấy tiếng đồng hồ…” – Ông Thắng tếu táo kể.

Niềm vui là được tiếp xúc với chính mình

Chúng tôi hỏi ông Thắng, 1 mình có gì vui mà lại trẻ ra thế? Ông Thắng cười: “Một mình vui lắm, được sống đúng là mình, không phải cố vui vì người khác, không phải rượu chè, tụ tập chén tạc, chén thù.

Những lúc một mình, có thời gian để nhớ lại thời còn trẻ rồi cười một mình mà không sợ ai bảo mình “điên”.

Không phải nói tiếng dô dô nơi quán xá, không phải nghe tiếng còi xe giờ tan tầm, chỉ có sự im lặng nên nghĩ được nhiều thứ hay ho, nhớ được nhiều kỷ niệm mà nơi ồn ào chẳng thể cho mình cơ hội mà nghĩ tới…”

Chiếc lều tranh nơi ông Thắng ẩn cư

Chúng tôi hỏi ông mỗi sáng ông thức dậy lúc mấy giờ? Ông Thắng cười: “Lúc nào lũ ngan kêu và bọn chim khuyên hót thì thức giấc.

Dậy cho chúng ăn xong thì mình cũng tự làm chút gì ăn sáng, pha ấm trà uống rồi ra vườn cuốc đất, nhổ cỏ, tưới cây.

Nóng thì ra sông bơi một lúc rồi về nằm nghỉ. Cuộc sống đơn giản thế mà khoẻ người. Từ ngày ra bãi giữa ở ẩn đến nay bệnh đau đầu cũng đã giảm hẳn.”

Mặc dù tuổi tác đã nhuộm ông  thành vẻ phong sương nhưng ở ông vẫn còn lưu dấu hào hoa của chàng trai Hà Nội gốc.

Tuy hơi gầy gò, làn da rám nắng nhưng đôi mắt biết cười nói lên rằng ông đang rất hài lòng với cuộc sống ẩn cư của mình.

Ông Thắng chia sẻ: “Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật năm 1973, vẽ vời cũng tạm ổn nhưng lại lên đường đi bộ đội. Khi trở về, sức khoẻ  kém vì gánh chịu di chứng của vết thương chiến tranh.

Trở về nhà không làm hoạ sĩ mà nhà có nghề làm bánh nên chuyên tâm làm bánh kiếm tiền. Có tiền rồi nhưng vẫn cảm thấy đó vẫn thấy có điều gì đó chưa ổn, chưa phải là cuộc sống mình mong muốn.”

“Từ Ngọc Hà ra bãi giữa sông Hồng chừng 30 phút đi xe máy. Không điện thắp sáng, không tivi, không tủ lạnh, thế mà lại vui vẻ yêu đời. Đấy, các cháu thấy có lạ lùng không?”- Ông Thắng cười giòn tan.

Chúng tôi hỏi ông, con cái thấy sao khi bố bỏ nhà ra bờ sông ở? Ông cười: “Chúng nó lớn cả rồi, những người trưởng thành rồi thì cần biết tôn trọng đời sống riêng tư của nhau.

Tôi cũng thế thôi, luôn tôn trọng chúng miễn sự lựa chọn cách sống không phạm pháp. Chúng nó thi thoảng cũng ra đây, thấy bố vui khoẻ  thì  cũng ủng hộ và không phàn nàn gì.”

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thắng bày tỏ: “Sao thấy bây giờ người ta bảo đời sống đi lên mà chú thấy vất vả quá. Trẻ con học suốt ngày, vào đại học nhưng ra trường thất nghiệp dài dài. Có cái nhà để ở, có tiền cho con học cũng tướt mồ hôi mới có.

Thức ăn thức uống thì không an toàn nên bệnh tật đầy người, cơ bắp nhiều thanh niên trông cứ như thịt cá ba sa rã đông.

Sự hưởng thụ của tuổi trẻ bây giờ cũng thiên về ồn ào, cứ phải rước đầy thứ chất độc vào người mới thấy vui. Chú ở đây chẳng có gì, nhưng chú lại thấy có tất cả. Đó là có thời gian để sống với chính mình.

Rau dưa tự trồng lấy, ngan ngỗng nuôi vài trăm con, chim chóc thì bẫy dễ như “ăn kẹo”, nuôi chúng để chúng bầu bạn và hót ríu ran cả ngày. Một mình mà vui lắm cháu à.”

Niềm vui của ông Thắng chẳng thể hiện ở nhà cao, cửa rộng, ở xế hộp đắt tiền mà niềm vui của ông nằm trong ánh mắt, nụ cười và sự tiếp xúc giao hoà bất tận với thiên nhiên xung quanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại