Vốn 100 ngàn pha cả trăm ly
Tôi theo chân người bạn đi tìm mua các loại hóa chất như chất tạo màu, tạo bọt cà phê, hương liệu nước trái cây, bột có tác dụng làm trắng và nhanh mềm thịt…
Anh bạn tên T. muốn mở quán nhậu. Khoảng 2 tháng/lần, anh đều từ Lâm Đồng về TP.HCM để mua các phụ gia, hương liệu kể trên.
Tới chợ Bình Tây, T. đi thẳng vào khu bán hàng khô. Người phụ nữ được T. gọi là dì Sáu đon đả cười vì nhận ra khách quen.
Bà ta nhấc điện thoại, một lúc, có người mang tới cho T. 2 kg bột. Thứ bột này được gọi là Soda.
Tôi hỏi về công dụng, bà giải thích: “Mỗi lần hầm thịt bò, chỉ cần bỏ bằng đầu ngón tay vào là thịt mềm ngay. Luộc gà cũng thế, màu da gà vừa trắng đẹp, không bị thâm, thịt lại giòn. Nhớ đừng cho nhiều nhé!”.
Thấy tôi vẫn ngu ngơ, bà Sáu quay sang nhìn anh T. cười, nói: “Cô này không biết gì à? Mở quán nhậu, nhà hàng, mỗi ngày bán mấy chục con gà. Không làm thế sao kịp bán cho khách, còn chưa kể hao gà, hao củi”.
Khi tôi hỏi mua mấy thứ hương liệu "phù phép" nước lọc thành nước trái cây, bà Sáu cười xòa: “Mấy thứ đó phải sang chợ Kim Biên. Tới đó hỏi người ta bán cho, không việc gì phải sợ. Có phải mình cô đi mua thứ đó đâu? Thời buổi này không làm thế sao có lời!”.
Tới chợ Kim Biên, tôi vào một hàng bày la liệt các can hóa chất, hỏi: “Mình có bán mấy thứ nhỏ vào, biến nước lọc thành nước trái cây không?”.
Người đàn ông bán hàng nhìn tôi vẻ dò xét, sau khi suy nghĩ, nhận ra tôi là dân "ngoại đạo" bèn vẫy tay đuổi: “Đi chỗ khác nhé, không có”.
Tới hai gian hàng khác tôi cũng bị cảnh tương tự. T bảo hỏi kiểu đấy người bán hàng sợ, tưởng cơ quan chức năng đóng giả đi kiểm tra, họ đuổi là phải.
Tới một gian hàng khác, T. nhanh nhảu vẫy thằng bé coi hàng ra rỉ tai: “Mày lấy cho anh hương liệu cam, nho, dâu, vải, bạc hà và cà phê nữa. Mỗi thứ một chai nhỏ. Khách quen, mày bán đắt là chết nghe mày, một chai có 17 ngàn, phải không?”.
Thằng bé bán hàng gật gù nhưng tỏ vẻ không đồng tình: “Chai cam mắc nhất mà chú, 23 ngàn lận, chai vải rẻ nhất 17 ngàn, mấy chai kia 20 ngàn à. Chỗ con bán đúng giá, không bớt một đồng”.
Thế rồi nó chạy vào, chiết từ những chiếc can to đùng màu trắng giấu trong tủ ra các lọ nhỏ, xong xuôi bỏ vào túi ni lông đen, đưa cho T.
Bà chủ hàng đang cộng sổ sách ngồi cạnh đó lên tiếng: “Vốn bỏ ra có 100 ngàn, về pha ra mấy trăm ly nước. Mỗi ly nước bán mười mấy hai mươi ngàn. Lời thế còn muốn gì, trả giá gì nữa?”.
T. cười trừ, trả tiền rồi bước đi. Tôi hỏi T. sao phải dùng các hóa chất đó, bỏ mấy thứ đấy vào đồ ăn, thức uống có độc hại không?
Nghe vậy, T. cười tiết lộ: “Dân mình chỉ thích ngon mà phải bổ và rẻ. Nhưng thực tế, không có gì ngon, bổ mà rẻ được cả. Như tụi anh mở quán với mục đích kinh doanh, nếu đáp ứng đủ tiêu chí ngon, bổ và rẻ của khách thì chỉ…lỗ vốn.
Mấy dân nhậu họ kỹ lắm, vào xem thực đơn, so sánh giá của quán nọ với quán kia. Quán mình chỉ nhỉnh hơn vài ngàn coi như mất khách. Mọi thứ cũng từ nhu cầu của thực khách mà ra thôi”.
T. còn tự an ủi: “Mấy chất này mỗi lần mình chỉ nhỏ vào vài giọt, có sao đâu. Người bán hóa chất cũng nói nó an toàn, dùng được cho thực phẩm".
Nhắm mắt đưa chất độc lên bàn ăn
Mang các loại hóa chất, phụ gia mua được về nhờ BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục ATVS thực phẩm TP.HCM…“tư vấn”, được cho biết: toàn bộ số hàng trên là trôi nổi, nằm ngoài phạm vi quản lý của cơ quan chuyên môn.
Trước tiên, khi xem các loại phụ gia, hương liệu liệu màu vàng (cam), đỏ (dâu), trắng (vải), xanh (bạc hà) và một chai màu cà phê sậm được người bán quảng cáo có tác dụng tạo màu, mùi, bọt cà phê…BS Mai nhận định chúng đều vi phạm về nhãn mác.
“Nhìn vào những chai hương liệu trên không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ. Từ đó có thể nói đó là những hóa chất không đáng tin cậy, không an toàn” - BS Mai nói.
Riêng bịch bột Soda nằm trong danh mục phụ gia cho phép, nhưng những thông tin thể hiện trên nhãn chưa đầy đủ.
Còn về tác hại, ảnh hưởng của những hóa chất trôi nổi đối với người dùng, BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm VN nhận định: “Bản thân người bán hoá chất và người mua hoá chất cũng chẳng biết đó là gì, công thức ra sao. Họ chỉ biết chung chung đây là chất tẩy trắng thịt, hương liệu bỏ vào nước có mùi trái cây…ăn không chết !”.
Thực tế, các thức ăn, đồ uống chưa có nhiều chất độc tới mức gây ngộ độc. Tuy nhiên, sau mỗi lần ăn nhậu chúng sẽ tích tụ dần trong cơ thể, tới lúc đủ sẽ tàn phá cơ quan phủ tạng.
Đặc biệt, các kim loại nặng có trong hoá chất sẽ tồn lưu, di chuyển, lắng đọng lại ở những cơ quan đại thể của người ăn phải.
Chúng lưu lại ở bộ phận nào sẽ phá huỷ bộ phận đó. Ví dụ ở gan sẽ phá huỷ tế bào gan, làm men gan tăng, gây xơ gan, khiến bệnh nhân tử vong.
“Điều đáng nói là các loại hóa chất này hàng ngày âm thầm lên bàn ăn, vào thức uống của người dân. Chúng ta biết, nhưng chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Cách “khả thi” nhất hiện nay có lẽ là vận động lương tâm người bán, sử dụng” - bác sĩ Ký nói.