Đêm trong nhà xác...

Ông Thuần nhớ một ca có thân nhân ở Lạng Sơn, người nhà vào thấy xác con chết vì AIDS “đen như lươn phơi nắng”, tanh hôi nên đã trốn biệt tăm, không dám nhận.

“Sáng nay, vừa có một ca”, anh Đinh Phi Sơn khẽ chào khách, vừa lồm cồm bước ra từ buồng lạnh, “sẵn tiện vệ sinh 4 cái hộc đựng xác luôn”. Thở hì hụi, anh Sơn cho biết đã làm tại nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) được 3 năm, ngay khi bố vợ vừa nghỉ hưu.

“Lúc đầu, tôi cũng sợ lắm. Có ai mà nghĩ mình sẽ làm cái nghề này. Nhưng bà xã cứ thuyết phục mãi”, anh nói và kéo ghế mời tôi ngồi dưới mái hiên nhà tắm xác. Vợ anh cũng là điều dưỡng tại bệnh viện.

Nghề làm phúc

Khi nghe vợ anh Sơn nói “Đêm trực, có gì cứ kêu em!” - tôi hỏi “có gì” là “có gì”? Anh ghé sát tai tôi, liếc nhìn về phía “văn phòng đại diện” của trại hòm cạnh nhà lạnh, nơi có bộ salon xám xịt và cái tivi cũ (loại CRT) đang mở cải lương.

“Lúc đầu tôi không biết, thấy không ai xem, nên tắt tivi. Nhưng người của trại hòm cản, bảo để yên cho nó chạy 24/24”, anh Sơn kể. Theo họ, tivi này là của “mấy ảnh” (người cõi âm- NV). Nếu tắt, nó cũng sẽ tự bật lại hoặc thế nào trại hòm hay nhà xác cũng gặp rắc rối như cúp điện, cúp nước. Thậm chí, tivi có thể tự động đổi kênh, đặc biệt, kênh có cải lương (?).

Chuyển thi thể vào hộc lạnh ban đêm. (Ảnh: Quốc Ngọc)

“Ngoài công việc liên quan đến tử thi, tôi còn kiêm luôn việc xử lý rác y tế” - anh Sơn chép miệng. Theo anh, công việc bây giờ đã đỡ cực hơn thời bố anh. “Ở đây cuối những năm 1990, AIDS chết nhiều, có ngày nhà xác tiếp nhận đến 9 xác chết”.

Bố anh Sơn, ông Thuần cũng từng làm ở nhà xác trước anh. Gặp ông ở nhà quận Tân Phú, ông nói: “Khi đã chọn nghề này, sẽ rất khó ăn khó ngủ nếu làm gì đó trái lương tâm”. Ông có cuốn sổ theo dõi tử thi được ông ghi chép cẩn thận và trình bày rất đẹp. Đầu sổ ông dành một trang giấy ông vẽ nào cành mai, bánh chưng, bánh tét, câu đối, tràng pháo và dòng chữ đỏ “chúc mừng năm mới”.

Để rồi sau trang giấy đầy màu sắc đó, ông mới tiếp tục điền tên họ những người đã qua đời. “Ai chả có số phận giống nhau, người đi trước, kẻ đi sau thôi mà. Mỗi lần tắm xác, tôi đều xin phép người chết trước. Làm như thế để có sự giao cảm với họ”-ông nói.

Hàng chục năm giữ nhà xác, ông Thuần đã chứng khiến không biết bao nhiêu cảnh tang thương, éo le. Ông nhớ một ca có thân nhân ở Lạng Sơn. Người nhà vào thấy xác con chết vì AIDS “đen như lươn phơi nắng”, tanh hôi nên đã trốn biệt tăm, không dám nhận. Hoặc trường hợp ông không thể quên, cô Đào, giáo viên dạy cấp 3 ở Tiền Giang. Cô bị lây virus HIV từ người chồng đi du học. “Chứng kiến từ ngày cô ấy còn đẹp đẽ vào điều trị trong khoa nhiễm E, cho đến khi xuống chỉ còn 38kg, rồi chết... Chạnh lòng quá, nên sau khi tắm xác, tôi đã quyết định trang điểm cho cô như một nghĩa cử an ủi cho số phận hẩm hiu”.

Cũng như ông Thuần, anh Nguyễn Văn Tám - công tác gần 20 năm tại nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - tâm sự: “Làm nghề này tự nhiên tính tình trầm tĩnh, khác hẳn xưa kia”. Các anh đều thừa nhận, môi trường làm việc rất độc hại, vì miếng cơm manh áo mà đành chấp nhận. “Nhưng lúc yêu nghề rồi thì không kể. Nhìn người chết nhắm mắt xuôi tay, cho mình cảm giác bình an lắm”- anh Tám nói.

Anh Tám kể, tại nhà xác Chợ Rẫy, anh đã từng tắm xác cho diễn viên, người mẫu. Gần nhất là trường hợp danh hài H.L tử vong do tai nạn giao thông. Anh cũng từng phụ mổ tử thi người mẫu, con gái một đạo diễn nổi tiếng, bị người tình đâm chết cách đây ít lâu Theo anh, trang điểm cho người chết khó một chút vì da mặt ít ăn phấn. Đối với nữ, cần nhất vẫn là đôi môi, nó phải thật đỏ. Hai má thì cần phấn hồng, dậm mạnh vô.

Ngồi chung với các anh có một anh phó nháy với túi đồ nghề không thua gì một phóng viên. Anh giới thiệu mình tên Minh, chuyên chụp ảnh giải phẫu tử thi trong các ca giám định pháp y. Anh làm công việc này đã khá lâu, mãi từ năm 1981.

Đêm ở nhà xác

Nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM không nằm trong khuôn viên bệnh viện. Nó nằm cách cổng chính chừng trăm thước, xung quanh nhà dân “quay lưng” bao bọc.

Nhân viên nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tắm rửa, mặc quần áo mới cho người quá cố. (Ảnh: Quốc Ngọc)

Theo lời mời của anh Tám, tôi quyết định ngủ lại nhà xác. Gần 0 giờ, dãy nhà nhân viên bên trái không có ai, chỉ có anh Tánh nằm ngủ. Ánh đèn néon từ khu nhà quàn phát ra lờ mờ, phủ lên toàn bộ nhà xác một màu trắng đục ảo. Mùi nhang đèn ngầy ngậy.

Tôi giật thót người khi nghe có tiếng động từ bên trong khu hộc lạnh dựng xác. Tôi đã toan bước vội trở lại buồng trực, thì một bóng đen đã nhe răng cười bước ra. Tôi hú hồn kịp nhận ra được gương mặt chú H với thân hình thấp bé, đen nhẻm, tay cầm bó nhang. “Mít tờ H” là nickname của chú, một người sống lang thang, ngủ trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy và ăn cơm từ thiện.

Đêm nào cũng khoảng giờ Ngọ, chú H qua nhà xác thắp nhang. Góc nào chú H. cũng vái, cũng cắm. Đặc biệt, chú thường dừng lại lâu trước các hộc lạnh, lạy khấn. “Người khuất mày, khuất mặt nhiều lắm”, chú nháy mắt bí hiểm, rồi không quên với lấy bịch cơm móc trên tay nắm cửa phòng lạnh, rồi biến mất.

Ngay lúc đó, anh Tám cũng về đến. “Hôm nay mệt quá, sáng tới giờ là 8 ca. Còn 5 xác trong hộc. Trong đó, có 1 ca bị chém nhiều nhát ở Bình Phước, 1 ca phỏng, 2 ca vô thừa nhận và có 1 bé gái quốc tịch Đài Loan”- anh nói. Pha cà phê mời tôi, anh Tám kể: “Có lần phụ mổ xác đàn bà có thai, em bé đã xoay đầu.

Dân mổ tử thi e dè nhất những ca con nít”. Kíp mổ thường khấn vái em bé: “Con ơi, các bác phải làm theo nhiệm vụ. Rồi các bác sẽ tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp cho con”. Anh Tám cho biết, xác chết cháy mới đáng sợ nhất. “Mùi hôi, nước vàng chảy, đụng tới đâu da thịt duộc ra tới đó”. Ngoài 6 hộc đựng xác, ở đây còn có 1 tủ đông đựng các bộ phận cơ thể... được xem như rác y tế.

Cảnh khóc thương người thân diễn ra hàng giờ, hàng ngày. (Ảnh: Quốc Ngọc)

Đến 2 giờ sáng chúng tôi mới đi ngủ. Anh Tám tắt bớt đèn, rồi nhoài người xuống chiếc ghế bố kê ở buồng trực điện thoại, nhắm nghiền mắt. Ánh đèn từ buồng lạnh lại lọt qua ô gió, in những sọc ca rô trên người nằm cạnh. Một cơn gió lùa qua, mùi nhang lại ngầy ngậy, tôi rùng mình vội gạt đi những tưởng tượng mông lung. Khoảng 4 giờ sáng, trong lúc tôi vẫn còn nửa tỉnh nửa mê bất chợt có tiếng chuông điện thoại réo rắc từ buồng trực.

Tất cả bị đánh thức và ngồi chồm dậy. Mọi người đều đoán đúng, có ca mới tử vong, bệnh viện yêu cầu qua nhận xác. Người vừa mất là bà L.T.T (58 tuổi, ở Bình Dương), tử vong do máu tụ dưới màng bán cầu phải sau tai nạn giao thông.

Thi thể bà đã được phủ kín bằng tấm ga trắng, đặt trên băng ca ngay ở cửa trại bệnh. Anh Tám làm vài thủ tục với điều dưỡng ca trực, rồi cùng anh Tánh đẩy băng ca đi. Tôi và người nhà cũng phụ các anh đưa thi thể về nhà xác.

Theo anh Tám, có đêm tiếp nhận đến 3-4 ca. Hoàn tất các thủ tục và cho thi thể bệnh nhân vừa tử vong vào hộc lạnh xong, thì trời cũng đã tờ mờ sáng. Có người theo anh Tám ký giấy tờ, người ôm nhau khóc, người đi thắp nhang…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại