Ngày 17/11, ông Nguyễn Đức Phường, Tổng thư ký Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam cho biết vào rạng sáng 18/11, mưa sao băng Sư tử (Leonids) sẽ đạt cực đại với số sao băng dự đoán là 40 vệt/giờ.
Thời điểm quan sát tốt nhất trận mưa sao băng này ở Việt Nam là khoảng thời gian từ 1 đến 4 giờ ngày 18/11 khi chòm sao Sư tử đã lên khá cao ở chân trời phía Đông. Hơn nữa, thời gian này, Mặt trăng cũng đã lặn xuống đường chân trời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thưởng thức "bữa tiệc" sao băng.
Trận mưa sao băng Sư tử có chu kỳ 33 năm. Cực đại của chu kỳ này có thể đem đến trận mưa sao băng với hàng trăm vệt/giờ. Tuy nhiên, cực đại gần đây nhất trong chu kỳ này đã xảy ra vào năm 2001.
Một vệt sao băng của trận mưa sao băng Leonids được nhìn thấy ở California, Mỹ, năm 1998. (Nguồn: news.nationalgeographic)
Ngoài trận mưa sao băng Sư tử, ngày 27/11 tới, những người yêu thích thiên văn học sẽ chiêm ngưỡng hai thành viên trong gia đình Hệ Mặt trời hội ngộ là Sao Kim và Sao Thổ. Hai hành tinh này sẽ chỉ cách nhau 1 độ ở chân trời phía Đông trước bình minh.
Tiếp đó, vào ngày 28/11 sẽ diễn ra nguyệt thực nửa tối. Nguyệt thực sẽ được quan sát trên một vùng rộng khắp châu Âu, châu Phi, châu Á, Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Vì là nguyệt thực nửa tối nên sẽ không mang lại cảnh thú vị như nguyệt thực toàn phần hay nguyệt thực một phần.
Người yêu thiên văn học tại Việt Nam sẽ quan sát được rõ nhất hiện tượng kỳ thú này vào lúc 21 giờ 33 phút. Khi đó Mặt Trăng đi hoàn toàn vào vùng nửa tối của Trái Đất. Người quan sát sẽ thấy Mặt Trăng tối và đỏ hơn so với bình thường.