Đề xuất nên có đề án thi tuyển giám đốc đối với công ty Nhà nước

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - “Để đổi mới mô hình hoạt động của doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước nên chăng Chính phủ có đề án thí điểm thi tuyển để chọn giám đốc các doanh nghiệp, tổng công ty”.

Trong ngày đầu tiên Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 3 năm 2011 - 2013 và nhiệm vụ năm 2014 – 2015, vấn đề liên quan đến đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế cũng như hiệu quả hoạt động của các công ty Nhà nước đã được nêu ra.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Khá (Đại biểu tỉnh Trà Vinh) nói: “Để triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, tôi xin đề nghị Chính phủ với vai trò quản lý Nhà nước vĩ mô phải là người điều phối quy hoạch tổng thể, hoạch định chính sách đầu tư, chính sách thu hút nhân tài một cách hợp lý”.

	Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) được tổ chức lại từ Tập đoàn Vinashin

Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) được tổ chức lại từ Tập đoàn Vinashin

Bà Khá cho rằng: “Một vấn đề không thể thiếu đó là kỷ cương, kỷ luật phải thực sự nghiêm minh, công khai. Đặc biệt người đứng đầu phải gắn quyền lợi và trách nhiệm, đảng và nhà nước ta đã khẳng định con người là nhân tố quyết định mọi thắng lợi”.

Từ đó bà Khá đề xuất: “Để đổi mới mô hình hoạt động của doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước nên chăng Chính phủ có đề án thí điểm thi tuyển để chọn giám đốc các doanh nghiệp, tổng công ty.

Tuỳ theo lĩnh vực mà có đề tài tiêu chí phù hợp và không phân biệt ai có khả năng, có đủ điều kiện có quyền dự tuyển với đề án khả thi do Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng phê duyệt, chấm điểm, cạnh tranh lành mạnh, khi trúng tuyển được chọn phải có hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế rõ ràng, chi phí lợi nhuận được hưởng cũng phải công khai, bảo đảm phù hợp với hiệu quả từ sản xuất kinh doanh.

Trái lại nếu thất thoát, thua lỗ phải bồi thường, chịu trách nhiệm trước pháp luật và họ cũng có quyền tuyển chọn bộ máy người giúp việc phù hợp với trình độ, năng lực, chuyên môn”.

Trước đó, nhận xét về hiệu quả sản xuất cả các doanh nghiệp Nhà nước, ông Lê Văn Tân (Đại biểu tỉnh Hà Nam) cho rằng: “Hiện nay hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, với nhiều thuận lợi về đất đai và vốn”.

ĐBQH Lê Văn Tân đề nghị: “Chính phủ tăng cường chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn, đầu tư ngoài ngành. Bán cổ phần nhà nước cho các thành phần kinh tế khác trước hết là ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Sử dụng nguồn vốn trên bổ sung ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội”.

Trong khi đó, ông Hà Sỹ Đồng (Đại biểu tỉnh Quảng Trị) cho rằng: “Cả nước hiện nay có 101 tập đoàn, tổng công ty và hai ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ 100% vốn. Đến năm 2009 ngay cả khi Vinashine bắt đầu đổ vỡ trong khi chưa có tổng kết thí điểm việc hình thành tập đoàn vẫn có thêm 4 tập đoàn mới được thành lập. Những yếu kém và bất cập của doanh nghiệp nhà nước được thể hiện ở 2 vấn đề.

Thứ nhất là hiệu quả kinh tế sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Và thứ hai là ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tư nhưng không chấp hành nghiêm chỉnh… Cho đến nay vẫn chưa được thực hiện hoặc thực hiện rất chậm kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp năm 2012 đã không hoàn thành”.

Ông Đồng đề nghị cần xác định, phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, không đồng nghĩa với vai trò chủ đạo, then chốt của doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ nên hỗ trợ ở tầm vĩ mô cho các doanh nghiệp lớn để các doanh nghiệp đó đủ sức tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế, không nên trao cơ chế độc quyền hay những ưu ái đặc biệt cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Ông Đồng cũng cho rằng: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, vì vậy không cần thiết đặt mục tiêu tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều phải hoành tráng, không nên quá ưu ái bơm tiền vào những doanh nghiệp nhà nước đã không dưới 1 lần làm ăn thua lỗ, mắc nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán mà nên dùng ưu ái đó cho những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế xã hội cho dù doanh nghiệp đó thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại