Bộ Tư pháp cho biết trong quá trình tổ chức lấy ý kiến phục vụ soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng quy định về độ tuổi này đã không còn phù hợp, cần điều chỉnh theo hướng giảm.
Chú rể 14 tuổi cùng cô dâu 17 tuổi trong ngày cưới ở Long An
TS Ngô Thị Hường, Trường ĐH Luật Hà Nội, lập luận việc
xác định tuổi được kết hôn phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người
kết hôn và phong tục tập quán địa phương nơi họ sinh sống.
Trên thực tế, nhiều trường hợp dù không đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn chung sống với nhau và sinh con bình thường. Dựa trên lập luận này, tham gia góp ý cho dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), TS Hường mạnh dạn đề xuất hạ độ tuổi kết hôn đối với nữ xuống 17 tuổi, thậm chí 16 tuổi.
Quan điểm hạ độ tuổi kết hôn của các nhà làm luật đang bị phản ứng quyết liệt từ các chuyên gia y tế. PGS-TS Vương Tiến Hòa, chuyên Khoa Sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khẳng định nữ 18 tuổi chưa thể đủ chín chắn, chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản để có thể làm một người mẹ tốt.
TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư
pháp cho người nghèo Việt Nam, đề xuất nên giữ nguyên độ tuổi kết hôn
như hiện nay. Tuy nhiên, theo TS Lý, luật nên có quy định “mềm” đối với
người dân tộc thiểu số vốn có truyền thống dựng vợ gả chồng sớm hơn quy
định trong luật hiện hành.
Theo NLĐ