Một cái ngáp đáng yêu của bé Hồ Sỹ Hoàng Đức (trên), và ánh mắt liếc nhìn anh của bé Hồ Sỹ Hoàng Hải - Ảnh: Nguyễn Khánh.
Trong căn hộ nhỏ ở khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội, như mọi gia đình trẻ khác, ảnh cưới của anh chị Hồ Sỹ Ngọc và Hoàng Thị Kim Dung vẫn treo ở đầu giường. Trong ảnh, cặp vợ chồng trẻ cười hạnh phúc khi chuẩn bị cho cuộc sống lứa đôi mới mẻ và đón những thiên thần nhỏ chào đời. Mấy tháng nay nhà đông người lớn, cả ông bà nội, bà ngoại, hôm nay có cả bác các cháu từ Nghệ An ra thăm hai cháu trai song sinh mới chào đời được 20 ngày. Chỉ có điều khác lạ là cha các cháu, anh Sỹ Ngọc, đã qua đời bốn năm nay, và các cháu được sinh ra từ tinh trùng lấy sau khi cha đã qua đời.
“Quyết định” không đơn giản
Ngay sau khi chồng qua đời, chị Dung đã nhờ bạn bè tìm hiểu có bệnh viện nào ở Hà Nội lưu trữ tinh trùng, và một ngày nào đó chị sẽ sinh thêm một đứa con để thực hiện điều người chồng từng thổ lộ. Nhờ duyên run rủi, bạn bè chị Dung đã tìm đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, và khoảng sáu giờ sau khi anh Ngọc qua đời, bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, giám đốc bệnh viện, đã trực tiếp đến nhà đại thể của Bệnh viện Thanh Trì để lấy và thực hiện lưu trữ tinh trùng với sự chứng kiến của cơ quan công an.
Và cách đây đúng 20 ngày, một cặp song sinh hai bé trai, trong đó bé anh - Hồ Sỹ Hoàng Đức, khi ra đời nặng 2,9kg, da trắng, tóc đen rậm rất giống mẹ và bé em - Hồ Sỹ Hoàng Hải nặng 2,4kg, gương mặt dài và nước da ngăm giống cha đã chào đời, như một đoạn kết đẹp cho một câu chuyện tình xúc động của cha mẹ.
Cảm giác như anh đang ở bên mình
Con trai đã qua đời bốn năm, nhưng ông Hồ Bính ở Vinh, Nghệ An vẫn còn nhớ như in ngày cậu con trai giỏi giang, là niềm tự hào của cả gia đình đậu vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1999. Là lớp trưởng lớp chuyên toán của ĐH Vinh, rồi thi đậu ĐH Bách khoa Hà Nội với số điểm 27, trở thành sinh viên của lớp cử nhân tài năng, Hồ Sỹ Ngọc luôn là niềm tự hào của cha mẹ, họ hàng. Năm 3 ĐH, Ngọc gặp một cô sinh viên cùng tuổi, cùng khóa, cùng quê, cùng học ĐH Bách khoa và cùng học giỏi: Hoàng Thị Kim Dung, sinh viên Bách khoa khối chất lượng cao. Họ đến với nhau như một chương đẹp trong cuộc đời rất nhiều ước mơ và hi vọng.
Ngồi bên hai con trai nhỏ mới sinh, chị Dung hồi tưởng lại bảy năm yêu rồi cưới nhau của anh chị, thì thật ra chỉ có... sáu tháng là thật sự ở chung. Sau khi tốt nghiệp ĐH, Dung đi Pháp du học rồi ở lại làm luận án tiến sĩ. Những năm năm trời đằng đẵng nhưng bạn trai ở nhà luôn động viên Dung học tốt, học chăm, thành đạt, khi nào Dung công thành danh toại bạn trai mới lo đến bản thân mình. Vậy là Dung học luôn phần bạn trai, học xong thạc sĩ lại làm luôn lên tiến sĩ. Năm 2009 chị về nước cùng anh lo đám cưới rồi trở lại Pháp bảo vệ luận án. Và khi vợ trở về nước, con gái đầu lòng chưa đầy 6 tháng tuổi, vợ chồng mới bén hơi thì anh Ngọc mất sau một tai nạn giao thông, khi đó anh chưa đầy 30 tuổi.
“Em ngẫm lại thấy những cặp đôi khác nếu sống xa nhau hoặc một người đi học nước ngoài thì chỉ một thời gian là tan vỡ, nhưng chúng em thì kể cả khi em đi học, lúc nào anh ấy cũng chăm sóc và động viên, lúc nào em cũng có cảm giác như anh ấy đang ở bên mình, thấy rất gần gũi dù người ở Pháp, người ở Hà Nội. Anh ấy cũng có lời mời đi học tiếp ở Áo, nhưng định đợi em học xong rồi mới tính đến mình. Nào ngờ anh ấy mất sớm quá, tuổi còn quá trẻ và khi anh ấy còn sống, anh có nói với em sau này mình sẽ sinh thêm một cậu con trai. Thế là em quyết định” - Kim Dung chia sẻ.
Hai bé Đức và Hải bình yên trong vòng tay của mẹ Hoàng Thị Kim Dung - Ảnh: Nguyễn Khánh.
“Bố mẹ chịu ơn con”
Nhiều năm làm hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp khoa học, bác sĩ Lê Vương Văn Vệ - giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, không thể nhớ hết những cặp vợ chồng hiếm muộn đã có niềm vui làm cha mẹ từ bệnh viện của ông, nhưng trường hợp vợ chồng anh chị Sỹ Ngọc - Kim Dung thì ông Vệ nhớ như in. Ấy là khoảng đầu năm 2010, ông nhận được đề nghị lấy và lưu trữ tinh trùng của một thanh niên trẻ mới qua đời sau một tai nạn giao thông, và người đề nghị chính là vợ anh ta, cũng còn rất trẻ.
“Khi tôi đến bệnh viện để thực hiện đề nghị thì người chồng đã qua đời khoảng sáu giờ. Về mặt kỹ thuật, đây không phải là một kỹ thuật khó, vì tinh trùng có thể sống một số giờ sau khi người chủ đã qua đời. Nhưng điều làm tôi suy nghĩ ấy là quyết định của người vợ. Cô ấy là tiến sĩ, lại còn trẻ, nhưng có quyết định lưu giữ lại một phần người chồng để sau này sinh thêm con như ý định của anh ấy lúc sinh thời. Một điều lạ nữa là cũng có nhiều người từng có quyết định này, nhưng chỉ một thời gian sau là họ thay đổi quyết định, khi họ suy nghĩ lại. Cuộc sống là như thế, và việc suy nghĩ lại cũng chẳng có gì là không hay. Nhưng trường hợp này thì khác, người chồng mất đã bốn năm, và người vợ đến nay cũng mới 32 tuổi” - bác sĩ Vệ chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, chuyên gia về hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp khoa học, cũng thừa nhận dù đã có nhiều ca lưu trữ tinh trùng sau khi qua đời, nhưng đây là trường hợp sinh con từ tinh trùng lấy từ tử thi đầu tiên mà ông Tiến biết. Theo ông Tiến, so với các phủ tạng khác, tinh trùng có thời gian “sống” lâu hơn, và thời gian lưu trữ hiện cũng chưa xác định được, nhưng lưu trữ 4-5 năm vẫn có thể có chất lượng rất tốt.
Theo ông Hồ Bính - ông nội của các cháu, tất cả quyết định này đều là của con dâu ông. “Tôi mất đi đứa con trai là mất mát rất lớn. Nhưng nhờ con dâu nay lại có thêm hai đứa cháu thì gia đình được an ủi phần nào. Khi con dâu tôi quyết định lưu lại tinh trùng của chồng cháu thì gia đình không ai biết, sau đó một thời gian Dung mới nói với hai bên nội ngoại. Phong tục VN ta còn trẻ như vậy mà ở vậy suốt đời nuôi con thì thương con quá. Trong họ hàng cũng có ý kiến này ý kiến khác, có người cũng phản đối nhưng con dâu tôi rất cương quyết. Chúng tôi có nói với cháu việc con đã làm bố mẹ không phản đối, nhưng cũng không khuyến khích, nhưng nếu con sinh thêm cháu thì bố mẹ chịu ơn con. Từ khi con dâu tôi mang thai ở tháng thứ sáu đến nay, gia đình hai bên nội ngoại đã tập trung ở đây để chăm sóc cho mẹ, cho cháu gái bốn tuổi rưỡi và giờ là hai cháu trai” - ông Bính tâm sự.
Ngồi bên cạnh nghe chuyện của bố, chị gái anh Ngọc luôn miệng xuýt xoa xúc động về em dâu của mình. Theo chị, vì cả gia đình làm nghề giáo, nên người em trai học giỏi nổi tiếng muốn đi một con đường riêng so với mọi người trong gia đình. “Em tôi mong khi vợ học hành xong xuôi thì lúc đó em mới tính đến mình. Tôi tính chi li thì hai em chỉ ở với nhau chưa tròn sáu tháng, nay em dâu sinh con thì nếu có danh hiệu bà mẹ anh hùng thời đổi mới, tôi nghĩ cô ấy xứng với danh hiệu ấy. Cô ấy đã quên đi tuổi trẻ, quên đi bản thân để thực hiện lời hẹn với chồng. Điều ấy làm chúng tôi quá xúc động” - chị nói.
Và những ngày này, trong căn hộ ở rất xa trung tâm Hà Nội của chị Kim Dung rộn ràng những âm thanh hạnh phúc: đó là tiếng hai đứa trẻ ọ ọe khóc, tiếng bà nội bà ngoại các cháu tất bật pha sữa, thay tã, tiếng người mẹ trẻ ru con và tiếng cô chị bốn tuổi rưỡi cười đùa...
Hoàn toàn phù hợp với pháp luật
Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 28-12, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho hay việc hai cháu Đức, Hải sinh sau khi bố cháu đã qua đời bằng hỗ trợ sinh sản từ tinh trùng lấy từ thi thể người cha là việc làm đúng pháp luật, có cơ chế pháp lý. “Theo tôi, các cháu được đăng ký khai sinh với tên người bố đã mất, điều này tuy thực tế chưa xảy ra, nhưng khi xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến hộ tịch hộ khẩu đã được tính toán đến” - ông Quang cho biết.
Trường hợp hi hữu
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (phó giám đốc, trưởng khoa điều trị vô sinh Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) cho biết việc lấy tinh trùng của người đã chết không phải lạ. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp em bé ra đời từ việc thụ tinh nhân tạo, mà tinh trùng thụ thai của người đã chết. Nhưng ở VN thì chưa có tiền lệ. Về thực tế, một người đã chết lâm sàng thì khả năng sống sót tinh trùng cũng không cao; đòi hỏi phải can thiệp sớm để cứu tinh trùng. Đối với người đã chết, chỉ trong một thời gian ngắn việc tưới máu tới tinh hoàn sẽ bị ngưng, dẫn đến tinh trùng thường chết theo. Điều hi hữu của trường hợp người đã chết sáu giờ là không những lấy được tinh trùng sống mà số lượng khá nhiều. Ở TP.HCM ghi nhận một trường hợp lấy tinh trùng của một người đã chết chỉ vài giờ nhưng tinh trùng đã chết hết.
Giống như việc lấy tinh trùng của người vô sinh (do tắc nghẽn đường dẫn tinh), các bác sĩ sẽ lấy tinh trùng trực tiếp từ mô tinh hoàn của người đã chết. Hiện chưa thể khẳng định thời gian tinh trùng có thể sống của một người đã chết là bao nhiêu, tùy theo từng trường hợp.