>> Mời xem bài: Lương y Phùng Tuấn Giang: "Tôi đã chữa hơn 5.000 người ung thư"
>> Lương y chữa cho 5.000 người ung thư: Phó Cục trưởng lên tiếng
>> Một bệnh nhân bị ung thư phục hồi khó tin?
>> Lương y chữa hơn 5.000 ca ung thư: Chủ tịch Hội Đông y lên tiếng
Chưa ai dám công bố chữa khỏi bệnh ung thư
Chia sẻ sau khi được đón nhận bằng Tiến sỹ danh dự của ĐH Kỷ lục thế giới và Đĩa vàng khoa học Sáng tạo Thế giới do Viện Hàn lâm khoa học Sáng tạo Thế giới trao tặng, lương y Phùng Tuấn Giang (Chủ nhiệm Nhà thuốc Đông y Thọ Xuân Đường) cho biết:
"Trong hàng trăm nghìn người đến đây (Nhà thuốc Đông y Thọ Xuân Đường - PV) cầu cứu mạng sống thì có khoảng 5.000 – 6.000 bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư và sau một thời gian được chữa đã khỏi hoặc đỡ".
Thế nhưng, khi chúng tôi phỏng vấn một số bác sỹ trong lĩnh vực chữa ung thư thì cái tên lương y Phùng Tuấn Giang lại có phần xa lạ với họ.
Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Bạch Quốc Khánh – Phó Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nơi điều trị bệnh ung thư máu, cho hay, tới thời điểm hiện tại, chưa có ai dám công bố chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư.
Ông chia sẻ, lương y Phùng Tuấn Giang chỉ được ông biết tới khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới vị này.
“Thông tin có người chữa khỏi ung thư với chúng tôi rất lạ và phải xem lại các bệnh đó như thế nào” – PGS Khánh nói.
PGS. TS Bạch Quốc Khánh – Phó Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. (Ảnh: Internet)
Ở góc độ khác, TS. Bùi Diệu – Giám đốc Bệnh viện K Trung ương chia sẻ câu chuyện, Bệnh viện K cũng thường xuyên phải “tiếp” những ca liên quan tới câu hỏi về các lương y có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư.
“Chúng tôi đang điều trị chính thống, muốn kết luận một bệnh tình hay khả năng chữa trị của ai đó phải có hồ sơ bệnh án.
Ví dụ như bên thực phẩm chức năng, họ cũng “cài” thêm những chữ tương tự như chữa khỏi bệnh này bệnh kia vào.
Phải xem lại toàn bộ hồ sơ của bệnh nhân xem họ bị bệnh gì, có kết quả giải phẫu bệnh lý hay không thì mình mới bàn được.
Bởi lẽ, nhiều khi chỉ có ác xe vú mà người ta cho kháng sinh hay bị viêm mà bảo là ung thư thì cũng rất khổ cho người bệnh”, ông Diệu nói.
"Đề nghị trao giải thưởng Nobel cho lương y Giang"
Cùng trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Trần Văn Công, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương cơ sở 3 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) nhấn mạnh: "Nếu ông ấy chữa đỡ và khỏi cho 5.000 ca ung thư thì đề nghị trao giải thưởng Nobel cho ông ấy”.
Cũng theo bác sỹ Công, với các bệnh nhân ung thư, tỉ lệ sống thêm 75 – 80% thậm chí có người là 97% như thế đã được coi là chữa khỏi bệnh rồi.
Chính vì thế, bác sỹ Công đặt ra câu hỏi: “Thử hỏi trong số 5.000 bệnh nhân đó có mấy nghìn người đã điều trị trong Bệnh viện K theo phác đồ chuẩn rồi?
Vì bệnh nhân đã trị theo phác đồ là đã điều trị rất cơ bản về ung thư. Đó là cơ sở để bệnh nhân sống rồi!”.
Bác sỹ Công cũng kể lại câu chuyện, bà Lang xiển đã từng tìm đến ông để xin danh sách những bệnh nhân đã điều trị ổn định và ra viện.
“Nhưng ngày đó, tôi không đồng ý vì muốn như thế phải lên gặp lãnh đạo bệnh viện” – bác sỹ Công nói.
Cùng chia sẻ về câu chuyện “có khoảng 5.000 – 6.000 bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư và sau một thời gian được chữa đã khỏi hoặc đỡ” tại cơ sở của lương y Phùng Tuấn Giang, bác sỹ Phạm Đình Tuấn cũng tỏ ra khá xa lạ với tên của vị lương y này.
Bác sỹ Tuấn hiện công tác tại khoa Nội Trung tâm Y tế lao động (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Bác sỹ Tuấn chỉ biết tới lương y Phùng Tuấn Giang khi đọc thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Tôi đọc qua về vị lương y này chưa thấy được phương pháp đáng lưu tâm, nhưng ông ấy nói cần thay đổi dinh dưỡng thì tôi thấy là đúng.
Thực tế, người dân mình cũng mong có nhiều người giỏi thực sự nếu xét về mặt chữa ung thư nhưng khó lắm!
Liệu lương y Giang đã chữa thành công những ca ung thư như: ung thư phế quản, ung thư phổi loại tế bào nhỏ, ung thư tụy vùng đầu và thân, mật, gan thể lan tỏa, thực quản 1/3 trên, dạ dày, đại tràng tế bào hình nhẫn, vú 1 thể viêm, giáp thể tủy, da thể hắc tố... hay chưa.
Đây là những ca ung thư cực kì khó chữa và thời gian sống ngắn. Nếu chữa trị mà thời gian sống trên 2 năm không bệnh đã là quá giỏi rồi.
Còn trên thực tế có nhiều bệnh ung thư như ung thư giáp thể nhú, da thể tế bào đáy, tinh hoàn, trực tràng, đại tràng, ung thư vú thể nội tuyến… lại dễ chữa.
Trong y khoa có nói “thời gian sống không bệnh” nghĩa là người ta gần như kéo dài sự sống là có ý nghĩa lắm rồi!
Thành công là để người ta kính phục” – bác sỹ Tuấn nói.
>> Giới trẻ đổ xô đến nơi điện thoại xịn chỉ như... chiếc đèn pin
>> Phạm nhân chuyển giới không dám tắm vì "sợ bị nhìn vòng 1"