Phương pháp thi hành án tử hình là vấn đề các đại biểu Quốc hội rất quan tâm trong phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, thi hành án trong ngày hôm nay, 7/11.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Ảnh: TTBC Quốc hội
Phát biểu về vấn đề này, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, 684 tử tù và gia đình họ, kể cả các giám thị trại giam đang “mất ăn mất ngủ”, áp lực tâm lý nặng nề vì chưa có thuốc thi hành án. “Đề nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng thêm hình thức xử bắn tử tù như trước đây, song song với hình thức tiêm thuốc độc”.
Tiến độ thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc quá chậm hiện nay khiến nhiều người dân bức xúc, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu: “Hiện cả nước có 684 người bị kết án tử hình nhưng mới thi hành xong 2 người. 9 người viết đơn xin được thi hành án - tức là xin được chết - nhưng chưa được giải quyết".
Ông Nghĩa cũng cho rằng: "Đây là vấn đề mang tính nhân đạo, do đó tôi đề nghị quốc hội giám sát tối cao. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu khẩn trương thi hành án tử hình nhưng thực tế thực hiện quá chậm. Đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tạm thời thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. Tử hình là hình thức răn đe cao nhất. Không thể kéo dài chuyện này từ năm này sang năm khác gây tâm trạng bất an”.
Đồng quan điểm, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nhận xét: Tình hình tội phạm gia tăng vì kinh tế khó khăn, đạo đức suy thoái. Hiện việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc còn nhiều khó khăn. Đề nghị quốc hội cho khôi phục hình thức xử bắn như trước đây.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: “Đến ngày hôm nay (7/11), đã có thêm 4 bị án được thi hành án tử hình so với 3 người trong báo cáo trước đây của Chính phủ. Như vậy, đã có 7 trường hợp được thi hành án theo hình thức tiêm thuốc độc”.
Tuy nhiên, theo ông Quang, hiện vẫn còn 678 án tử hình. Trong đó, số đủ điều kiện là 167 bị án (đã bị bác đơn xin ân giảm). Bộ Công an cũng đề nghị có nghị quyết cho xử bắn song song với tiêm thuốc độc. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công an cũng đề nghị bỏ chữ “độc”, chỉ ghi là “thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc”.
TH theo Tuổi trẻ/VOV