Tăng cường giám sát của người dân
Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định công dân có thể được dự thính các phiên họp toàn thể công khai của Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn kỳ họp Quốc hội, không ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Lê Như Tiến cho biết, các nước mong người dân vào tham gia trực tiếp phiên họp của Quốc hội để thấy được không khí làm việc của Quốc hội và cũng là dịp để nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội.
“Ta chưa làm được, chỉ dừng lại mời những người của các cơ quan có văn bản pháp luật đến nghe để chỉnh lý. Vừa qua, một vài lần các em học sinh, sinh viên được vào nghị trường.
Tôi từng kiến nghị nên để học sinh ở các trường vào nhiều hơn, để các em thấy được không khí hoạt động của Quốc hội và chắp cánh ước mơ làm nghị sĩ.
Nên để người dân vào để hiểu hơn hoạt động của Quốc hội”, đại biểu Lê Như Tiến nêu.
Đại biểu Lê Như Tiến.
Cho rằng đây là quy định mới, khuyến khích được sự tham gia giám sát của người dân, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm:
“Ta nói Quốc hội giám sát tối cao thì ai giám sát Quốc hội? Đó chính là cử tri, ngoài kênh rất quan trọng là báo chí thì nên có giám sát trực tiếp”.
Theo ông Hùng, quy định như dự thảo không sai nhưng “có vẻ hạn chế”, chưa toát được ý khuyến khích, nên bổ sung thêm 3 từ “tạo điều kiện” cho công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm an ninh cho công dân.
“Quy định như vậy có tính chính trị và thực tế trở thành định hướng để Tổng thư ký tổ chức cho công dân dự thính theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn Tp Hồ Chí Minh) thì lại đề xuất bỏ chữ "có thể" dự thính.
"Cần công khai nội dung kỳ họp rộng rãi, người dân có thể lựa chọn nội dung quan tâm. Phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Đó là quyền của người dân giám sát hoạt động của Quốc hội.
Cần tăng cường truyền hình trực tiếp các phiên họp, thảo luận đặc biệt các bản của tổ thảo luận về Luật để người dân giám sát đại biểu của mình trên kênh truyền hình quốc hội", bà Tâm bày tỏ.
Cần xây dựng phát ngôn cho đại biểu Quốc hội
Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lại nêu ra vấn đề cần phải quản lý phù hiệu của Quốc hội. Bởi, thực tế, không ít trường hợp dùng phù hiệu Quốc hội đi tiếp khách gây phản cảm.
Đồng thời, ông Tuấn cũng bày tỏ, đề nghị, trong nội quy sửa đổi cần phải xây dựng thêm văn hóa phát ngôn cho đại biểu Quốc hội.
"Trong quá trình chất vấn, bên hành lang kỳ họp, có những nội dung bình thường, đại biểu Quốc hội phát biểu trên báo chí gây bức xúc dư luận.
Vừa qua chuyện đề bạt cán bộ trẻ, tôi thấy bình thường nhưng có đại biểu phát ngôn lên báo gây bức xúc dư luận.
Chính vì thế tôi đề nghị phải bổ sung kỷ luật phát ngôn vào nội quy của Quốc hội”, ông Tuấn đề xuất.
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng cho rằng, Điều 5 quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội còn viết sơ sài, chung chung.
"Là đại biểu thật nhưng tôi thấy nhiều khi đại biểu không tự giác. Tôi muốn nói khoản 2, đại biểu Quốc hội tham gia các kỳ tiếp xúc cử tri, các kỳ họp, không thể để vắng nhiều được", Hòa thượng Nghiêm nói.
Đại biểu Lê Như Tiến cũng nêu thêm một vấn đề, trong suốt mấy nhiệm kỳ vừa rồi không có lần nào diễn ra họp báo giữa kỳ hoặc đột xuất thông tin vấn đề nóng hổi cho công chúng, nhân dân.
Điều đó dẫn đến nhiều khi báo chí thông tin chưa thống nhất, chưa tạo sự đồng thuận.
Do đó cần quy định trong trường hợp cần thiết, Tổng Thư ký có thể tổ chức một số cuộc họp báo thông tin về một số nội dung của kỳ họp.