Dễ dàng bồng trẻ sơ sinh ra khỏi bệnh viện

Vụ một trẻ sơ sinh bị bắt mất tại Bệnh viện Q.7 (TP.HCM) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về khâu kiểm soát an ninh tại các bệnh viện.

Sau vụ này, Sở Y tế TP.HCM có công văn yêu cầu các bệnh viện siết lại khâu kiểm soát an ninh. Cụ thể, các bệnh viện có khoa sản phải thực hiện quy định do sở ban hành cách đây hai năm: người nào đưa trẻ sơ sinh ra bệnh viện phải trình giấy tờ tùy thân, giấy chứng sinh cho bảo vệ. Thế nhưng trên thực tế, một số bệnh viện ở TP.HCM vẫn buông lỏng khâu kiểm soát này.

Bảo vệ ngủ và... tám chuyện

Sáng 15-1, tại cổng Bệnh viện An Bình (P.7, Q.5) người ra vào tấp nập. Một nhóm bốn bảo vệ của bệnh viện ngồi ở bàn gỗ sau cánh cổng. Khoảng 8g, từ trong bãi giữ xe, một cặp nam nữ đi xe máy chở một trẻ sơ sinh hướng ra cổng. Lúc này, một bảo vệ cúi đầu trên bàn... ngủ.

Ba bảo vệ còn lại túm tụm nói chuyện. Ít phút sau từ trong bệnh viện, một phụ nữ bế trẻ sơ sinh ra cổng đón taxi. Một bảo vệ đi lòng vòng trước cổng nhưng cũng không hỏi han, thắc mắc gì đối với người phụ nữ này.

Năm phút sau, người phụ nữ đón được taxi và đi khỏi bệnh viện. “Lúc làm thủ tục ra viện thì bệnh viện có kiểm gia giấy chứng sinh, giấy tờ tùy thân. Còn khi bế trẻ từ khoa sản ra khỏi bệnh viện bảo vệ không kiểm tra gì tôi cả” - người phụ nữ này cho biết.

Cũng trong ngày 15-1, chúng tôi chứng kiến hàng chục trẻ sơ sinh được người lớn đưa ra khỏi bệnh viện này nhưng không hề bị bảo vệ bệnh viện kiểm tra.

Khoảng 11g ngày 15-1, để thẩm định khâu kiểm soát trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh (P.1, Q.Bình Thạnh), chúng tôi mang theo một giỏ nhựa (có thể đựng được một trẻ sơ sinh) vào cổng số 2.

Qua được cổng này, chúng tôi vào khu khám bệnh rồi lên khoa sản tại tầng 1 dãy nhà chính. Tại một phòng sau sinh cửa mở toang, có hai thai phụ ở cạnh con.

Trong đó có một thai phụ ngủ để con trên giường. Khoảng 10 phút sau, chúng tôi quấn một khăn trắng ở giỏ nhựa rồi xách xuống tầng trệt, đi theo lối hành lang dãy nhà này rồi ra cổng số 2 mà không hề bị bảo vệ hay nhân viên nào của bệnh viện “hỏi thăm”.

Cũng trong ngày 15-1, chúng tôi hai lần thực hiện động tác trên nhưng không hề chịu sự kiểm soát của bất cứ ai. Một thai phụ nằm ở phòng sau sinh cho biết: “Vừa rồi bệnh viện có dặn dò tôi nên giữ cháu cẩn thận. Nếu nằm ngủ thì nên khóa cửa phòng, chứ bệnh viện không đảm bảo an toàn tuyệt đối được”.

Tương tự tại Bệnh viện huyện Bình Chánh (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh), khâu kiểm soát người ra vào tại khoa sản cũng khá lỏng lẻo. Trưa 14-1, một số người bán vé số thản nhiên vào các phòng sau sinh. Một số thai phụ nằm ngủ để con bên cạnh mà không có người trông nom.

Anh Trí, có vợ mới sinh con ở bệnh viện này, nói: “Thấy vụ bắt mất trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Q.7 nên tôi phải nghỉ việc để ở bên vợ con. Chứ bệnh viện đông người ra vào biết ai tốt ai xấu”.

Sẽ chấn chỉnh

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Tường - Phó giám đốc Bệnh viện An Bình, ngoài trẻ sơ sinh ở khoa sản, bệnh viện còn tiếp nhận trẻ đến chích ngừa nên hằng ngày số lượng trẻ sơ sinh tại bệnh viện khá đông.

“Chính vì điều này nên bệnh viện gặp khó khăn trong khâu kiểm soát trẻ sơ sinh theo quy định của Sở Y tế TP. Về phía trách nhiệm của bệnh viện, chúng tôi chú trọng đến việc kiểm soát trẻ sơ sinh ở khoa sản. Phụ huynh khi đưa con ra khỏi khoa sản đều phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy chứng sinh. Còn đối với trẻ đến chích ngừa, nhân viên nhắc nhở phụ huynh nên trông nom cẩn thận. Bệnh viện khó có thể kham nổi thêm khâu này” - bác sĩ Tường nói.

Từ phản ảnh của chúng tôi, bác sĩ Tường cho biết ban giám đốc bệnh viện sẽ yêu cầu tổ bảo vệ chấn chỉnh lại khâu kiểm soát người bế trẻ sơ sinh ra ngoài bệnh viện.

Trong khi đó bác sĩ Hồ Trúc Lệ - giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh - cho biết thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, ban giám đốc bệnh viện đã yêu cầu bảo vệ siết chặt người bế trẻ sơ sinh ra ngoài. “Bệnh viện Bình Chánh chỉ có một cổng ra vào nên thuận lợi trong việc kiểm soát an ninh. Tuy nhiên, khoa sản cạnh đường Nguyễn Hữu Trí lại bị khuất bởi căngtin. Hàng rào ở đây thấp, sắp tới chúng tôi sẽ làm hàng rào cao lên và chằng thép gai để đề phòng kẻ xấu xâm nhập” - bác sĩ Lệ nói.

Người có thẻ mới được vào khoa sản

Bác sĩ Nguyễn Văn Trương, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết để vào được khoa sản bệnh viện, người dân phải chứng minh mình là người thân của thai phụ. “24/24 giờ, hai lối vào khoa sản đều được khóa cửa. Bảo vệ sẽ túc trực để kiểm tra nhân thân người có yêu cầu vào khoa, ai trình được giấy tờ hợp lệ mới được qua. Tuy nhiên, quy định của chúng tôi là mỗi thai phụ chỉ được một người thăm nuôi hoặc ở lại vào ban đêm để hạn chế người ra vào nhằm đảm bảo an toàn cho thai phụ và trẻ. Tất cả người thăm nuôi đều phải đăng ký, được cấp thẻ nuôi bệnh” - bác sĩ Trương nói.

Còn bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho rằng theo quy định của Sở Y tế TP, những người bế trẻ sơ sinh ra ngoài Bệnh viện Từ Dũ đều phải xuất trình giấy chứng sinh, giấy tờ tùy thân. “Chúng tôi cũng yêu cầu bảo vệ kiểm tra ngay những đối tượng có biểu hiện bất thường hoặc thường xuyên lui tới bệnh viện. Tại khoa sản, chúng tôi cũng dặn dò phụ huynh nên giữ trẻ cẩn thận. Vào ban đêm, tổ bảo vệ sẽ chia người đi kiểm tra các khoa phòng. Người nhà bệnh nhân được yêu cầu khóa cửa phòng” - bác sĩ Tuyết nói.

Yêu cầu làm rõ việc bác sĩ tiếp tay cho côn đồ

Ngày 20-1, TS.BS Bùi Minh Trạng - chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết đã yêu cầu ban giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình báo cáo vụ “Côn đồ lộng hành bệnh viện”. “Chúng tôi yêu cầu ban giám đốc bệnh viện phải làm rõ bác sĩ, nhân viên nào tiếp tay cho băng nhóm côn đồ có hành vi lừa đảo, trấn lột bệnh nhân ngay trong bệnh viện. Sau khi có báo cáo của bệnh viện, Sở Y tế TP sẽ có hướng xử lý tiếp theo” - ông Trạng nói.

Cùng ngày, bác sĩ Trần Thanh Mỹ - giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình - cho biết thanh tra bệnh viện đã vào cuộc điều tra vụ việc báo nêu. Theo ông Mỹ, từ trước đến nay ông chưa nhận được thông tin gì về chuyện này. “Nếu thật sự bác sĩ, nhân viên bệnh viện lại đi tiếp tay cho những đối tượng này để làm hại bệnh nhân là chuyện không thể chấp nhận được. Ban giám đốc bệnh viện sẽ xử lý nghiêm những người liên quan” - ông Mỹ nói.

Chiều 20-1, thượng tá Nguyễn Hoàng Anh - đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an quận 3 (TP.HCM) - cho biết ngay trong sáng cùng ngày báo phản ánh có một băng nhóm hoạt động ở Bệnh viện Da liễu (Q.3, TP.HCM), ban lãnh đạo Công an quận 3 đã yêu cầu đội hình sự lập hồ sơ và truy xét băng nhóm mà báo phản ánh. Tuy nhiên, khi lực lượng trinh sát của đội đến Bệnh viện Da liễu thì những đối tượng trong băng nhóm trên đã bỏ đi, không hoạt động. Thượng tá Anh cho biết thêm tuần trước Đội cảnh sát hình sự quận 3 cũng vừa kiểm tra, lập biên bản xử phạt một băng nhóm hoạt động tương tự ở Bệnh viện Da liễu.

Cùng ngày, một cán bộ của Đội Cảnh sát hình sự Q.5 cho biết khi báo phản ánh việc có một băng nhóm gây mất an ninh trật tự ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (Q.5), đội hình sự quận đã cử trinh sát xuống địa bàn bệnh viện tìm hiểu vụ việc. Theo cán bộ này, trước đó Đội cảnh sát hình sự quận 5 đã phối hợp với phía Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình phá một số băng nhóm móc túi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại