Điều đáng nói, ngoài giọng mua hàng ngọt lim của cô gái miền Tây thì cách trưng bày gian hàng cũng là “chiêu” thu hút khách hàng.
Từ TP. Hồ Chí Minh, du khách theo quốc lộ 1A lần lượt đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, …. rồi đến Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trên tuyến quốc lộ này, nếu du khách để ý tại các điểm giao nhau của các tỉnh hoặc trước khi vào thành phố thường xuất hiện các gian hàng hai bên quốc lộ, chuyên bán các loại đặc sản của tỉnh nhà và các loại đặc sản của miền Tây.
Chẳng hạn như trước khi qua cầu Mỹ Thuận đến tỉnh Vĩnh Long, trên địa bàn xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) hai bên đường san sát các gian hàng bán các loại đặc sản sông nước, như: Xoài, cam, ổi, … các mặt hàng bánh kẹo xứ Dừa, bánh bía Sóc Trăng, nem Lai Vung Đồng Tháp, … Loại nào cũng thơm ngon, giá cả phải chăng, nhưng điều làm các “thượng đế” lưu luyến là cách bày trí hàng hóa độc đáo, đẹp mắt của các gian hàng.
Nhìn chung các gian hàng ở các tỉnh như nhau nhưng ở mỗi tỉnh số gian hàng bày bán các đặc sản tỉnh nhà sẽ được đầu tư qui mô và số lượng có thể tăng lên gấp 2,3 lần. Chẳng hạn, đến tỉnh Bến Tre, du khách sẽ “hoa mắt” với các loại bánh kẹo được làm bằng nguyên liệu trái dừa.
Đến Sóc Trăng, du khách chẳng biết lựa loại bánh bía nào để làm quà cho người thân vì ở đây có trên 10 loại với hàng ngàn gian hàng bày bán, … về Đồng Tháp tha hồ lựa nem, khô, …
Nhưng tại các gian hàng có một điểm chung đó là sự có mặt của các loại trái cây “gặt” xứ vườn, như: ổi, mận, bưởi, cam, xoài, … loại nào cũng tươi ngon, đa số được các nhà vườn vừa mới hái sau vườn mang lên bày bán.