Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Dược (sửa đổi) trước Quốc hội sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, hiện còn một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ việc nhập khẩu dược liệu để tránh tình trạng nhập khẩu dược liệu kém chất lượng, trong khi người dân lại bán dược liệu tự nhiên chất lượng cao ra nước ngoài.
Bà Mai cho biết, thực tế hiện nay cho thấy, ngoài việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều đường khác và sử dụng cho các mục đích khác nhau (sản xuất thuốc y học cổ truyền (YHCT), thực phẩm chức năng, thực phẩm).
Do vậy, nếu quy định dược liệu đã có số đăng ký lưu hành hoặc dược liệu để sản xuất thuốc đã có số đăng ký lưu hành không phải cấp phép nhập khẩu như nguyên liệu sản xuất thuốc hóa dược thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ khó quản lý chất lượng và nguồn gốc của dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam để làm thuốc YHCT.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bằng YHCT, về lâu dài làm giảm uy tín và thương hiệu của YHCT Việt Nam.
Theo bà Mai, để đảm bảo chất lượng của dược liệu và sự phát triển của YHCT Việt Nam, do tính chất của mặt hàng này, cần có cơ chế đặc thù trong quản lý nhập khẩu dược liệu làm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
"Hiện nay, Bộ Y tế đã thực hiện việc cấp phép nhập khẩu một số dược liệu làm thuốc YHCT để kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 64 theo hướng giao Chính phủ quy định việc quản lý nhập khẩu dược liệu", bà Mai cho biết.
Một vấn đề khác được báo cáo giải trình đưa ra đó là trước 2 loại ý kiến về thời hạn của chứng chỉ hành nghề (CCHN) dược, đó là cấp có thời hạn 5 năm và cấp một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp CCHN cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ.
Về vấn đề trên, bà Mai cho biết, việc cấp CCHN 5 năm/lần là phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, giúp quản lý chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn, nhiều nước trên thế giới cũng quy định thời hạn đối với CCHN dược.
Tuy nhiên, với điều kiện thủ tục hành chính còn đang trong quá trình cải cách,việc quy định cấp CCHN một lần gắn với biện pháp hậu kiểm (quy định thu hồi CCHN dược đối với “người hành nghề không cập nhật kiến thức chuyên môn về dược liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp” tại khoản 11 Điều 31) và xử lý nghiêm các trường hợp không đáp ứng điều kiện hành nghề sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.
Theo bà Mai, do còn hai loại ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định một trong hai phương án cấp CCHN, đó là: Phương án 1: cấp CCHN dược 1 lần; Phương án 2: cấp CCHN có thời hạn 5 năm.
Trên cơ sở này, dự thảo Luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số ĐBQH.
Sẽ cấp chứng chỉ hành nghề y dược 1 lần duy nhất
Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Minh Phương (tỉnh Cần Thơ), đánh giá cao dự thảo Luật Dược sửa đổi được trình ra Quốc hội lần này.
Với 2 phương án cấp CCHN do giải trình tiếp thu ý kiến của UBTVQH đưa ra, bà Phương đồng ý với việc cấp chứng chỉ hành nghề một lần. Tuy nhiên, bà cho rằng cần phân biệt rõ giữa chứng chỉ hành nghề và đăng ký kinh doanh.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Tiên (tỉnh Tiền Giang) cho biết, thủ tục hành chính cứ như hiện nay thì rất khó khăn. Theo ông, người dân và xã hội đang rất bức xúc vì thủ tục hành chính.
“Tôi cũng rất bức xúc với thủ tục hành chính cho nên trong dự án luật này, chúng ta nên giao cho Chính phủ cấp chứng chỉ hành nghề cho những ai có nhu cầu hội nhập quốc tế 5 năm một lần nhưng chỉ cấp cho những ai muốn tham gia, đối với những người có nhu cầu ra các nước ASEAN làm việc.
Còn những người làm việc trong nước sẽ không ảnh hưởng do đó nên cấp một lần”, ông Tiên nêu ý kiến
Tuy nhiên, ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng cho rằng, để làm việc này nên có thời gian, lộ trình chuẩn bị từ 5-10 năm và phải cấp theo mạng thì mới hạn chế tiêu cực và có chất lượng.
Đề cập đến vấn đề sử dụng dược liệu, ông Tiên cho rằng, hiện nay đa số dược liệu đều được nhập ở nước ngoài, trong khi đó trình độ của chúng ta không biết kiểm soát được đến đâu.
“Dược liệu nhập chủ yếu là các loại dược liệu đã chiết suất hoạt chất thành các chất dược liệu tốt bán ở nước bạn, sau đó chiết suất lần 2, lần 3 để xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4, 1/3 giá dược liệu trong nước.
Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã đấy thì làm sao khỏi được. Nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành y học cổ truyền của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu”, ông Tiên nói
“Vấn đề thứ 3 công bố giá thuốc trúng thầu, hiện Bộ Y tế công bố, tuy nhiên có tình trạng giữa hai địa phương gần nhau cùng loại thuốc, chất lượng nhưng mỗi địa phương một giá”, ông Tiên nêu.
Trong khi đó quan tâm đến vấn nạn thuốc giả, góp ý cho dự thảo Luật Dược sửa đổi, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, thuốc giả không chỉ gây ra tác hại là mất tiền, không chữa được bệnh mà còn gây kháng thuốc.
“Nếu uống phải thuốc giả việc chữa bệnh rất khó khăn cho nên ở nước ngoài người ta quản lý rất chặt chẽ, do đó phải bỏ ngay quy định về vấn đề thuốc giả do lỗi vô ý trong dự thảo luật.
Nhà thuốc phải sản xuất thuốc đúng chất lượng, không có lý do gì để phân biệt cố ý hay vô ý”, ông Cương nói.