ĐBQH Dương Trung Quốc: “Đừng để xảy ra hội chứng cầu vượt ở Thủ đô”

Khả Danh |

(Soha.vn) - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội KHLS Việt Nam cho hay, ông vừa ký văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo, cơ quan liên quan về "giải pháp giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc".

Trách nhiệm quy hoạch khảo cổ là của thành phố

Theo ông Dương Trung Quốc, dự án xây cầu vượt tại khu vực Đàn Xã Tắc đã gây dư luận trái chiều, trước hết là do công tác chỉ đạo của thành phố chưa quan tâm đến ý kiến tư vấn của những cơ quan và tổ chức có liên quan.

“Lẽ ra, những thông tin trực tiếp liên quan đến dự án phải được chủ động công bố với dư luận và tới các cơ quan, tổ chức có liên quan trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng, nếu thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, nhiều nhà khoa học vào cuộc thì sẽ tìm ra được những phương án khả thi, trong đó có việc giải toả ách tắc giao thông tại khu vực nút Ô chợ Dừa”.


	ĐBQH Dương Trung Quốc

ĐBQH Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, văn bản này gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Ông Quốc chia sẻ: “Di tích Đàn Xã Tắc có một giá trị đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Nó vừa xác định những dấu tích của một thành phần kiến trúc truyền thống trong quần thể các kinh đô của các triều đại Việt Nam gắn với tín ngưỡng quốc gia thờ đất và lúa của tổ tiên và các triều đại phong kiến.

Dưới lớp di tích đàn Xã Tắc, còn di tích sớm nhất của con người trên vùng đất trung tâm Hà Nội cách ngày nay khoảng 3.500 năm và di tích cư trú hồi đầu công nguyên. Nó phải là đối tượng được điều chỉnh của Luật Di sản để bảo vệ và phát huy những giá trị của di sản quốc gia”.

Theo ông Dương Trung Quốc, Luật Di sản đã nói rất rõ là UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quy hoạch khảo cổ học, trong đó nếu gặp những vấn đề khó khăn khi phát triển hạ tầng mà có liên quan tới di tích lịch sử thì phải thực hiện theo Luật Di sản.

“Gần đây, tôi thấy ông Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trách các nhà khoa học không nói chỗ nào có, chỗ nào không, nhưng rõ ràng luật quy định thành phố phải có trách nhiệm đứng ra để làm điều này. Và các nhà khoa học cũng mong muốn hợp tác với thành phố để góp phần phát triển bền vững cho Thủ đô. Giải quyết hài hoà giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển là một nguyên tắc mà mọi ngành phải tuân thủ trên cơ sở luật pháp hiện hành.

Việc phát hiện dấu tích của Đàn Xã Tắc trong quá trình cải tạo và xây dựng hệ thống giao thông của thành phố Hà Nội, sau đó là việc thực hiện đúng những nguyên tắc trên dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch cũng như lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã tạo nên một không gian di tích định vị di tích Đàn Xã Tắc là một thành công”, ông Quốc nói.

Hài hòa hai cực xung đột “bảo tồn và phát triển”

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng thẳn thắn góp ý với lãnh đạo TP Hà Nội về sự cần thiết phải có có một quy hoạch tổng thể và giải pháp lâu dài đối với việc phát triển một đô thị có quy mô ngày càng lớn và có bề dày lịch sử vẫn tự hào là ngàn năm tuổi.

“Bấy lâu nay, Hà Nội chưa thực sự thể hiện được tầm nhìn quy hoạch, nên khi làm các con đường thì quá bé, nhà dân xây san sát, thế rồi khi tắc lại phải làm cầu vượt. Thực trạng giao thông của Hà Nội hiện tại là sự tích tụ quá lâu của tầm nhìn còn manh mún và ứng phó tình huống kéo dài trong thời gian qua.

Làm cầu vượt là cần thiết với tình hình giao thông hiện tại, nhưng cũng phải tính toán thật hợp lý cho sự phát triển bền vững của Thủ đô nhiều năm sau này, chứ đừng để trở thành hội chứng cầu vượt”, ông Quốc thẳng thắn nói.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh những xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội nghiêm chỉnh thực thi Luật Di sản trong việc phải sớm tiến hành Quy hoạch Khảo cổ học như luật định.

Đây là trách nhiệm của thành phố, nhất là với một Thủ đô có bề dày lịch sử như Hà Nội. Tình trạng phải ứng phó tình huống như dự án cầu vượt Đàn Xã Tắc, hay gần đây là việc phá thành mở đường tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám cần được khắc phục.

Ông Dương Trung Quốc bày tỏ: “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đề nghị các lãnh đạo có trách nhiệm sớm có một cuộc họp giữa các chuyên gia của các lĩnh vực có liên quan, trong đó có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một số hội nghề nghiệp về khảo cổ học, di sản... cùng với cơ quan lập dự án trao đổi để tìm được sự đồng thuận về nhận thức và các giải pháp tối ưu cho mục tiêu giải quyết ách tắc giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc để sớm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và của nhân dân Hà Nội.

Phương án xây cầu vượt theo phương án hạn chế tối đa sự tác động xuống mặt đất thì dẫu sao vẫn còn có các mố cầu, thì cái chỗ đó phải tiến hành khảo cổ học. Rồi cũng có những ý kiến rằng, liệu những người đi vượt qua cầu thì có tạo ra sự phản cảm là không tôn trọng không gian tâm linh không, chỗ này theo tôi phải làm rất cụ thể.

Vì vậy, hiện tại có hai cực xung đột giữa những nhà bảo tồn và những người có trách nhiệm phát triển, cho nên chỗ này thì lãnh đạo thành phố cần phải đứng ra lãnh trách nhiệm, phải hài hòa các dư luận khác nhau để tìm ra phương án tốt nhất, đó chính là biểu hiện của dân chủ”.

Liên quan tới kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hà Nội ủng hộ việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc trong đó có đoạn “Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1km”, ông Dương Trung Quốc trả lời thẳng thắn: “Không thể nói như Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Nói như vậy thì còn các công trình di tích văn hóa ở các thời kỳ phong kiến khác nữa sẽ thế nào, còn những nghiên cứu, đánh giá về giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc đã được thế giới công nhận thì sao đây? Cần khẳng định lại, Đàn Xã Tắc là nơi thờ thần đất và thần lúa là hai nhân tố rất quan trọng đối với đời sống của cư dân nông nghiệp của tổ tiên chúng ta”.

Ủng hộ phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu không xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc thì sẽ “tắc Xã Đàn”.

Ông Liên nói: “Lịch sử không quay trở lại được, chúng ta phải tôn trọng lịch sử, bảo vệ di tích nào đã có, nhưng phải có hồ sơ, hiện vật thì mới khẳng định.

Còn bây giờ không có cơ sở khoa học pháp lý để khẳng định, chúng ta phải xây dựng hạ tầng giao thông, đồng thời phát hiện đến đâu xử lý đến đấy, còn đợi khai quật xong thì không biết đến khi nào mới xây dựng được đời sống".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại