Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng:
Về kinh tế, chúng ta có đủ thậm chí có dư chuyên gia trong và ngoài nước đề ra những chính sách, giải pháp rất hay, đúng nhưng khi thực hiện lại không đạt mục tiêu, chất lượng, hiệu quả như mong muốn.
Tình hình năm 2016 và những năm tiếp theo có nhiều thách thức. Tình hình Biển Đông phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự, cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng quyết liệt, tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt tranh chấp trên biển trong khu vực diễn biến phức tạp, gay gắt, khó lường....
Vị luật sư này cho rằng, chúng ta cần đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, nhất quán, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao.
"Tôi muốn nhấn mạnh tới quốc gia, dân tộc và người dân. Tôi nhận thức rằng, hàng ngàn năm qua, ông cha ta giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chính là nhờ vào bài học xuyên suốt là dựa vào dân, khối đại đoàn kết dân tộc.
Do đó, tôi xin bổ sung vào phần quan điểm phát triển trong báo cáo của Chính phủ là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên lòng yêu nước trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự nghiệp xây dựng đất nước.
Câu nói này có thể giống như một khẩu hiệu quen thuộc và ai cũng tán thành nhưng vừa qua, theo tôi, nhận thức về nội hàm của nó không có sự nhất trí.
Do đó, chủ trương, biện pháp gây tổn thương đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm ly tán lòng người", ông Nghĩa nêu.
Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, để xây dựng đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân thì phải làm cho đất nước là nơi đáng sống, người dân, người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi.
"Hiện nay, không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân muốn ra đi. Một bộ phận cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình, con cháu mình ra định cư nước ngoài không phải vì tiền mà vì cảm thấy không vui, không an toàn về tâm lý", ông Nghĩa nêu.
Vị luật sư này cũng đề nghị: "Cán bộ công chức giảm bớt lãng phí và tuyên thệ không tham nhũng khi nhậm chức. Trước mắt, cố gắng giảm bớt tham nhũng trong quan hệ với dân, doanh nghiệp".
Cùng với đó, cần xác định rõ ta - bạn và thù. Xác định không đúng ta - bạn và thù có thể xảy ra tình hình thay vì thêm bạn bớt thù thì có thể thêm thù bớt bạn. Coi bạn là thù, thù là bạn, thay vì đánh vào địch lại đánh vào ta....
Ông Nghĩa nhắc lại câu thơ của nhà thơ Tố Hữu và xin phép điều chỉnh lại đôi chút cho phù hợp lại với tình hình hiện nay.
"Nỏ thần chớ để sang tay giặc
Mất cả đất liền, cả biển sông".
Nỏ thần chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào, nhờ nó mà đất nước, dân tộc đã tồn tại hơn 4.000 năm qua.
Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đất nước ta sẽ gia nhập các quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này.
Người dân sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà là một dân tộc biết cách làm văn minh, thịnh vượng", ông Nghĩa chia sẻ.
Trước đó, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cũng nhấn mạnh:
“Trong kỳ họp này, tôi đề nghi Thủ tướng Chính phủ mới khi nhậm chức cần có lời tuyên thệ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng lãng phí một cách mạnh mẽ.
Lời tuyên thệ này cũng giống như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có lần tuyên bố rõ ràng mạnh mẽ về biển Đông”.