Dạy trẻ đi trên thảm thủy tinh: "Không ai tự đấm vào mặt mình"

Phương Nhi |

TS. Phan Quốc Việt cho rằng: Nếu cứ lo sợ thì cũng không khác nào cấm trẻ con học bơi, lo không có người lớn ở cạnh nó sẽ chết đuối...

Thảm thủy tinh phải dày ít nhất 15 phân

Đã có nhiều ý kiến phản đối liên quan tới bài học về lòng dũng cảm thông qua câu chuyện của bạn An "tự tin đi qua thảm thủy tinh" trong sách "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" của Tâm Việt Group (xuất bản bởi NXB Giáo dục).

Các bậc phụ huynh cũng tỏ ra hoang mang không biết con cái mình sẽ thế nào nếu thực hành theo sách bởi việc giẫm chân lên mảnh thủy tinh là vô cùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Quý, từng là giảng viên của trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng cảm xạ, hiện là Phó GĐ trung tâm huấn luyện cán bộ và dạy nghề thanh niên Hải Phòng lại cho rằng: Việc đi trên thảm thủy tinh rất đơn giản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Quý nói: “Thực ra nó chỉ đánh vào tâm lý thôi chứ có sao đâu… Thảm thủy tinh dày sẽ không bao giờ bị trượt chân. Vấn đề ở đây là mọi người nhìn thấy thủy tinh là hãi. Nhưng chỉ cần bình tĩnh, tự tin là sẽ đi qua được dễ dàng”.

Ông Quý giải thích: Theo nguyên lý, khi mình bước lên, bàn chân nhấc cao, mảnh chai dày, áp lực từ trên áp xuống chải đều ra mảnh chai, thêm vào đó, bàn chân ép xuống tạo nên một mặt bằng.

Việc đi trên thảm thủy tinh chỉ an toàn khi thảm dày và người đi biết cách giữ thăng bằng.

Việc đi trên thảm thủy tinh chỉ an toàn khi thảm dày và người đi biết cách giữ thăng bằng. (Ảnh chụp sách dạy kỹ năng sống của Tâm Việt Group)

“Nếu chỉ để một mảnh chai dưới đất thì đâm vào chân ngay nhưng ở đây, thảm chai dày nên dẫm sẽ không sao. Theo đó, thảm chai phải có độ dày ít nhất 15 phân” - ông Quý lưu ý.

Ngoài ra, theo ông Quý, để thực hiện thành công hành động đi trên thảm thủy tinh vỡ, điều quan trọng nhất là sự thăng bằng và chậm rãi.

“Khi bước, phải đặt cả bàn chân xuống, ép bằng chắc chắn rồi mới đi bước thứ 2, chứ không nên vội vã đi ngay. Cứ chậm rãi đi, đi từng bước một. Trước đây, tôi thường tổ chức cho học viên đi, chưa ai bị chảy máu chân cả” – ông Quý chia sẻ.

Mặc dù vậy, ông Quý cũng khuyến cáo mọi người không nên làm việc này ở nhà nếu không có sự hướng dẫn của người có chuyên môn. Bởi về bản chất, hành động này rất nguy hiểm nếu như thảm thủy tinh không đủ dày và người thực hiện không biết cách đi.

Đặc biệt, ông Quý nhấn mạnh: Đối với học sinh lớp 1 thì không nên dạy điều này.

Ông Quý bày tỏ sự phản đối đối với việc Tâm Việt Group đưa hành động giẫm lên thảm thủy tinh vào chương trình học dù đó là sách dạy thực hành kỹ năng sống.

“Sách lớp 1 ở nước ngoài có dạy những cái ghê gớm thế đâu. Lớp 1 chỉ nên dạy về nhận thức, thế nào là nỗi sợ thôi. Vì các em còn chưa hình dung ra nỗi sợ là như thế nào cả, thậm chí còn sờ vào lửa và nghịch nước nóng cơ mà” – ông Quý nói.

Trước đó, tác giả cuốn sách, tiến sĩ Phan Quốc Việt - người sáng lập Tâm Việt Group đã giải thích: Việc đi trên thủy tinh là an toàn và đôi khi còn êm hơn đi trên sỏi. “Bài tập này chúng tôi đã thực hiện 10 năm nay, thậm chí chúng tôi còn cho trẻ mẫu giáo đi”.

Bởi lẽ, thủy tinh ở đây phải có diện tích 3cm2 (khoảng bằng hộp bao diêm), độ dày của đống thủy tinh tối thiểu 5cm.

Khi mình giẫm lên, về mặt vật lý, mảnh nào nhọn nhô lên trên thì thiết diện bé, áp suất lớn sẽ bị đè xuống dưới. Mảnh nào nằm ngang thiết diện lớn, áp suất bé sẽ nằm lên trên. Như vậy, trẻ đi sẽ không bị đau.

Tuy vậy, khi chúng tôi hỏi một chuyên gia đầu ngành về vật lý, TS.Nguyễn Văn Khải (ông già ôzôn) cũng không đồng tình với cách dạy này.

Vì về mặt vật lý có thể sẽ không có chuyện gì xảy ra nhưng nên nhớ rằng, chân trẻ con không phải ai cũng như nhau, đứa chân chữ bát, đứa chân thẳng và khi giẫm lên, bàn chân có thể sẽ lệch.

Thậm chí, cùng 1 đứa trẻ, bước đi lần thứ nhất sẽ khác lần thứ 2.

Hơn nữa, vị trí mảnh thủy tinh nằm dưới đất, nằm ngang, nằm xiên, nằm chéo rất ngẫu nhiên, không thể đi đo cặn kẽ từng cm của mảnh thủy tinh. Và TS. Khải cũng tin rằng: Khi đổ ra 1.000 lần thì 1.000 lần không giống nhau.

Ngoài ra chưa nói tới việc, kỹ năng của mọi người khác nhau, chỉ cần đi nhanh hay bất ngờ trượt mạnh một cái là sẽ bị thủy tinh sắc nhọn đâm vào chân gây thương tích.

Dạy cách đi trên thủy tinh vỡ tại lớp học kỹ năng sống.
Dạy cách đi trên thủy tinh vỡ tại lớp học kỹ năng sống.

“Tôi là một nhà vật lý, tôi sẽ không cho con hay cháu tôi đi như vậy, tôi cũng không rèn luyện cho con cháu tôi lòng dũng cảm theo kiểu ấy.

Với học trò của tôi, tôi cũng không dạy kiểu điên rồ như vậy nhất là đối với học sinh lớp 1” – TS. Khải quả quyết.

Cũng theo TS. Khải: “Sách giáo khoa là cái mà tất cả mọi người phải học nhưng việc đi qua thủy tinh vỡ thì không phải ai cũng nên theo. Do vậy, nếu đây là một bài học thì tôi cho rằng rất phản cảm”.

TS. Phan Quốc Việt: “Không có chuyện trẻ con tự đập vỡ chai mà đi”

Biết về ông Phan Quốc Việt và những công việc mà vị Tiến sỹ này theo đuổi và tâm huyết suốt 20 năm nay, ông Đỗ, một chuyên gia về marketing cho rằng: Việc có một bài thực hành đi trên thủy tinh với kinh nghiệm và sự giám sát chu đáo, tin chắc là không có vấn đề gì.

Chỉ có điều nếu in ra thành sách mà lọt vào tay trẻ, những đứa hiếu động (tự mày mò thực thi mà không có giám sát, để chúng biểu diễn cho nhau) thì đây là một màn nguy hiểm do các yếu tố khó lường.

“Vậy vấn đề ở đây chính là bài thực hành không có gì sai, nhưng nếu là phương pháp phổ biến bằng sách thì nó thiếu những hướng dẫn cần thiết để đảm bảo an toàn.

Và quan trọng hơn là sách dành cho ai, nếu sách trực tiếp cho trẻ lớp 1 đọc và học thì có lẽ chưa phù hợp lắm”- ông Đỗ nêu quan điểm.

Phản bác lại những điều này, trao đổi với chúng tôi, TS. Phan Quốc Việt cho rằng: Bản năng con người không ai tự lao vào nguy hiểm cả.

“Nếu cứ lo sợ như vậy thì cũng không khác nào cấm trẻ con học bơi, lo không có người lớn ở cạnh nó sẽ chết đuối. Cũng không nên cho con học võ vì nó sẽ tự đấm vào mặt nhau” – ông Việt nói.

Ông Việt khẳng định: “Đây là một bài học cũng như dạy toán, dạy văn, đều có giáo viên hướng dẫn cả, chứ không có chuyện trẻ con tự đập vỡ chai mà đi, không ai tự đấm vào mặt mình cả, cũng không ai tự gây thương tích cho mình. Chúng ta phải hiểu sâu sắc như thế!”

Với câu hỏi “Sách có nên thêm phần hướng dẫn và cảnh báo để đảm bảo an toàn cho trẻ không?”, ông Việt trả lời: “Đây là bài tập tại lớp học và cảnh báo là việc của cô giáo. Sách không thể nêu hết ra được.

Cũng như khi dạy võ, thầy giáo sẽ dạy phải đấm vào đâu để an toàn. Nên nếu cứ suy như vậy thì không dạy các con được điều gì cả”.

Chủ tịch Tâm Việt Group
TS. Phan Quốc Việt
Bộ GD & ĐT chưa hỏi tôi, Bộ mới chỉ hỏi Nhà xuất bản Giáo dục. Tôi thì đã trả lời các báo rồi. Quyển sách đó từ năm 2011 – 2013, lúc này chưa có khuyến cáo nào bảo việc này nguy hiểm cả. Năm nay đổi mới, cuốn tái bản năm 2015 đã không còn bài này nữa. Không có gì sai nhưng thông tư 30 của Bộ GD, 3 năng lực, 4 phẩm chất, họ lại định hướng khác nên phải đổi mới theo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại