Nam sinh viên lỡ dở việc học hành vì ngồi tù oan 2 năm
Chiều 12/3/2013, Chánh án TAND huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã chính thức có lời công khai xin lỗi anh Trương Hoàng Hiếu (SN 1983, trú tại xã Hồ Đắc Kiện) cùng gia đình. Vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra vào năm 2007 tại ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện (huyện Mỹ Tú, nay là huyện Châu Thành), nạn nhân là anh Chiêm Hoàng Nhanh. Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan CSĐT huyện Mỹ Tú đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam anh Hiếu. Viện KSND đã ra quyết định truy tố và TAND huyện đã xét xử, tuyên án anh Hiếu 5 năm tù giam. Bị kết án oan sai, anh Hiếu dở dang chuyện học hành, kết quả gần 4 năm đại học bị hủy.
Liệt nửa người vì bị án oan
Câu chuyện đau lòng xảy ra với bà Trần Thị Tiểu Minh (Giám đốc DNTN vàng bạc Ý Nhật ở tiểu khu 2, P.Hải Đình, Đồng Hới, Quảng Bình). Ngày 9/4/2012, bà Minh gặp bà Mai Thị Lâm đối chiếu nợ nhưng bà Lâm không đồng ý mà bỏ đi. Bà Minh gọi điện cho một người nữa đến và yêu cầu bà này viết giấy ghi nợ mình 17,5 tỉ đồng. Bà Lâm viết giấy vay nợ trước sự chứng kiến của nhiều người.
Hai tháng sau, trên cơ sở đơn tố cáo của bà Mai Thị Lâm về việc viết giấy chốt nợ với chị Minh, CQĐT tỉnh Quảng Bình đã thụ lý, ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Trần Thị Tiểu Minh về tội cưỡng đoạt tài sản đồng thời ra lệnh bắt tạm giam.
Bà Trần Thị Tiểu Minh (Ảnh NĐT)
Do bị bệnh xoang trán mãn tính, u nang buồng trứng và có một khối u nhỏ ở tử cung, lại sốc với quyết định phi lý trên, bà Minh suy sụp tinh thần, bị đột quỵ, tai biến mạch máu não và liệt nửa người nên được cho tại ngoại. Đến ngày 17/4//2013, VKSND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức công khai xin lỗi bà Minh về việc ra quyết định khởi tố vụ án, điều tra bị can, bắt tạm giam oan sai đối với bà.
9 thanh niên khốn đốn vì oan sai
Cuối 2008, đầu 2009, cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú (Bình Phước) bắt giam 9 thanh niên về tội cướp tài sản và cướp giật tài sản. Theo kết luận điều tra, 9 bị can nêu trên đã gây ra 11 vụ cướp giật tài sản. Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra này này có tới 8 vụ cướp giật tài sản không có bị hại. Mãi đến tháng 8/2011 vụ án mới được đình chỉ, những thanh niên này được giải quyết bồi thường thiệt hại. Thế nhưng, việc chịu án oan sai khiến người mất việc, người bỏ học, tương lai mù mịt.
Được rửa oan sau 2 lần bị tuyên án tử hình
Anh Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, ấp Tân Tiến, Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh) cũng đã được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 19/11/2008 và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.
Trước đó, năm 2003, khi vừa chở vợ đi thăm em gái về đến cây xăng gần nhà thì anh Hùng bị bắt. Anh bị buộc tội về hành vi vận chuyển 25 bánh heroin và bị tuyên án tử hình. Đến năm 2006, án sơ thẩm lần hai của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình. Sau đó, người cầm đầu đường dây ma túy nhận tội và khẳng định trước đó đã vu khống Hùng thì anh mới được tha.
Án oan cổ vật ở Bắc Giang
Nhiều vụ trộm cắp tượng, cổ vật xảy ra ở nhiều đình, chùa tại tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6/2001 đến tháng 7/2003. cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang cáo buộc ông Dương Phúc Thịnh (Q.Long Biên, Hà Nội) cùng 7 người khác gây ra những vụ trộm trên.
Ông Dương Phúc Thịnh (Ảnh NLĐ)
Trải qua 3 phiên tòa, các Hội đồng xét xử vẫn không thể buộc tội 8 người này vì thiếu chứng cứ. Tại phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6/2006, TAND tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại tòa. Trước đó, ông Phan Hữu Hường đã chết bất thường trong trại tạm giam Kế với kết luận bị bệnh.
Suýt bị tử hình vì án oan hiếp dâm
Thi thể một cô gái trong tình trạng phần áo bị dồn lên ngực, quần bị tụt được phát hiện ở vườn điều của một người dân ấp Bến Cam, xã Phước Thiền (Nhơn Trạch - Đồng Nai) vào tháng 1/1998. Nạn nhân là chị Trần thị Thanh M. (SN 1967).
Cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Nai sau đó đã bắt và khám xét khẩn cấp ông Bùi Minh Hải (khi đó là cán bộ thống kê xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) với lý do có người báo thấy ông Hải tìm chiếc đồng hồ ở gần hiện trường vụ việc.
Ông Bùi Minh Hải với tập hồ sơ kêu oan (Ảnh Tuổi trẻ)
Đúng hôm xảy ra án mạng thì ông Hải đi nhậu về qua và ngã ở gần hiện trường, sáng hôm sau ông quay lại khu vực đó tìm đồng hồ. Khi ấy, bản thân ông Hải không hề biết chuyện chị M. bị giết. Ông Hải bị truy tố về tội giết người, cướp tài sản công dân và hiếp dâm. Ngày 23/11/1998, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án và tuyên phạt ông Hải mức án tù chung thân. Lúc đầu, VKSND tỉnh Đồng Nai đề nghị tuyên phạt ông mức án tử hình song sau đó đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Từ khi ông vướng vào vòng lao lý, vợ con bị xóm giềng xa lánh, các con lần lượt bỏ học, gia đình tan nát. 4 tháng sau, 1 đối tượng bị bắt tại cơ quan điều tra khai đã giết chị M. nên ông Hải được trả tự do và được bồi thường 59,9 triệu đồng.
9 người trong 1 gia đình được bồi thường gần 1 tỷ đồng
Giữa tháng 5/1993, thi thể nạn nhân Dương Thị Mỹ được phát hiện trong vườn điều của ông Hai Hoàng (Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận).
Quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn. 5 năm sau, 9 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Lâm bị bắt để điều tra về hành vi giết bà Mỹ. Vụ án qua 4 lần xét xử. Tại phiên xét xử thứ tư, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao đã phải tuyên hủy án sơ thẩm, đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc.
Năm 2006, các bị cáo được trả tự do tại tòa, đồng thời cơ quan công tố phải công khai xin lỗi và bồi thường oan sai với tổng số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng. Hung thủ thực sự của vụ án vẫn chưa tìm ra.
Người cha mang án oan giết con
Chuyện éo le xảy ra với gia đình ông Phạm Văn Thành (thường gọi là Ba Thành, SN 1946) ở ấp Hòa Ninh, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang. Năm 1989, con trai ông là Phạm Thanh Tuyền (16 tuổi) biệt tăm, vợ chồng ông Thành tìm không được nên báo công an. Đột nhiên, ông Ba Thành bị bắt giữ vì tội danh giết con đẻ giấu xác. Công an triển khai đào bới khắp khu vườn của ông để tìm thi thể Tuyền nhưng không thấy.
Ông Thành đã bị giam giữ 18 tháng 10 ngày thì được tại ngoại. Chỉ đến năm 2004, Tuyền trở về mang theo vợ con thì Công an tỉnh Tiền Giang mới công khai xin lỗi ông và bồi thường hơn 80 triệu đồng.
Éo le cảnh không giết người cũng phải nhận
Ngày 28 Tết năm 1983, trên đường đi trả nồi nấu bánh cho hàng xóm trở về, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (Tam Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An) cầm đèn pin soi trúng mặt hai anh em Bùi Văn Vinh và Bùi Văn Lai (ở cùng huyện) khi họ đi chơi về.
Cho rằng ông Huỳnh cố ý, anh em Lai lao tới đánh tới tấp. Nghe tiếng bố kêu la, 4 người con ông Huỳnh chạy ra. Lai chạy biến, Vinh nấp bụi cây ven đường. Lát sau, Vinh chạy theo Lai nhưng Lai tưởng bố con ông Huỳnh nên rút dao đâm trúng. Đau đớn vì giết nhầm em, Lai đã ném một quả lựu đạn vào nhà ông Huỳnh. 4 cha con ông Huỳnh bị bắt tạm giam vì bị tình nghi gây ra cái chết của Vinh.
Thương cha và các em, người anh cả Nguyễn Sỹ Lý (khi đó đang là giảng viên đại học) đã nhắm mắt thừa nhận chính mình là người đã ra tay giết Vinh để người thân thoát được cảnh tù đày. Lý bị tuyên 17 năm tù giam về tội Giết người. Sau hơn 5 năm ngồi tù thì Lý được trả tự do vì Lai đã ra đầu thú.
Ra tù, giảng viên ngày nào đã thành thất nghiệp, đôi chân bị bại liệt.
Biết thủ phạm là ai mà vẫn phải ngồi tù hơn 16 năm
Đang ở bên nhà người thân, ông Trần Văn Chiến (Tiền Giang) nghe tiếng kêu thất thanh rồi thấy Trần Văn U chạy qua nói gấp: "Tao vừa giết thằng Sên". 2 ngày sau, ông Chiến cùng một số người khác trong xóm bị bắt với cáo buộc phạm tội giết người. Vụ việc xảy ra vào tháng 5/1979. Ông Chiến không nhận tội và khẳng định hung thủ của vụ án chính là Trần Văn U nhưng vẫn bị toà tuyên án chung thân.
Do thời gian chấp hành hình phạt tù ông Chiến cải tạo tốt nên được thả tự do ngày 21/8/1995. Năm 1997, Trần Văn U bị bắt. Cuối năm 2004, ông Chiến được TAND tỉnh Tiền Giang đền bù oan sai 252 triệu đồng, đồng thời xin lỗi công khai.
(Tổng hợp)