LTS: Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời nhưng nhiều năm nay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mến ở thôn Đại Lãm (Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang) đã âm thầm làm một việc rất đỗi lạ lùng ấy là dựng nghĩa trang để an táng những hài nhi bị vứt bỏ.
Nghĩa trang hài nhi ấy nằm ở giữa đồng, trên thuở đất vốn là “bờ sôi ruộng mật” của gia đình.
Vợ chồng lão nông nghèo khó và 6000 hài nhi xấu số
Chúng tôi đến Đại Lãm vào lúc chiều muộn. Lần hồi mãi thì cũng tìm được nhà người đàn bà vốn nổi tiếng trong xóm bởi việc làm khác thường trên.
So với những ngôi nhà trong xóm, nhà bà Mến có phần tuềnh toàng, xập xệ. Cố ý tìm đến khi chiều muộn mà vợ chồng bà Mến vẫn chưa có mặt ở nhà. Đứa cháu nhỏ đang lúi húi nấu cơm bảo, chắc bà đang ở ngoài nghĩa trang.
“Ngày nào bà cháu chẳng ở ngoài đó đến tối mới về”, đứa cháu nhỏ cho biết.
Vòng ra đồng thì đúng là bà Mến đang ở nghĩa trang thật. Giữa cánh đồng bạt ngàn hành, ớt, cây thánh giá vươn lên trơ trụi. Dưới gốc thánh giá, bên những nấm mồ trắng phau, bà Mến đang hí hoáy làm cỏ.
Bà Mến năm nay 65 tuổi, mặt phúc hậu, hiền lành. Bà bảo, việc bà làm xuất phát từ cái tâm, không có gì đáng nói cả.
“Tôi thấy các cháu ấy tội thì bàn với chồng đưa về chôn cất thôi”, bà Mến thủng thẳng nói.
Chỉ trong 5 năm, nghĩa trang của vợ chồng bà Mến đã đón chừng 6000 hài nhi xấu số.
Theo bà Mến, nghĩa trang nhỏ xinh này được vợ chồng bà làm từ năm 2010. Và, nghĩa trang này ra đời từ ý tưởng của cô con gái thứ hai của bà, đó là sơ Anna Nguyễn Thị Hồng Nhung, hiện đang tu tập ở mãi Nha Trang (Khánh Hòa).
Năm ấy, về thăm quê, Anna Hồng Nhung bảo: “Nhà mình nghèo, không có kinh tế để làm việc thiện, bố mẹ cũng già rồi, không còn sức nữa. Con thấy bây giờ người ta nạo phá thai nhiều quá, hài nhi toàn bị vứt lẫn trong uế tạp thôi, tội lắm.
Nhà mình có đất, bố mẹ nên làm nghĩa trang để đón các em ấy về, xem đó như là việc thiện”.
Nghe lời con gái, vợ chồng bà Mến mới ớ người. Ở quê, quanh năm đầu tắt mặt tối, vợ chồng bà chẳng đi đến đâu mà biết chuyện thiên hạ… phá thai.
Mấy hôm sau, liên hệ với một người quen đang làm tại Bệnh viện Bắc Giang, bà mới biết chuyện con gái nói là có thật. Vậy là chẳng nghĩ ngợi nhiều, vợ chồng bà quyết định cắt đất ruộng nhà mình để làm nơi an nghỉ cho những hài nhi xấu số.
Thời gian đó, vợ chồng bà Mến cắt đất làm nghĩa trang để đón những “linh hồn không quen biết” là động trời, người trong xóm ngoài làng không ngớt lời bàn tán.
“Nhiều người nói nọ nói kia lắm, nhưng không biết thì thôi, biết thì phải làm thôi. Các cháu không được một lần gọi mẹ, gọi cha đã tội lắm rồi”, bà Mến xúc động.
Ban đầu, vợ chồng bà Mến chỉ nghĩ chỉ cần vài chục mét vuông đất là các hài nhi đã có một chỗ ở khang trang, thoáng mát. Thế nhưng, chỉ trong mấy năm nghĩa trang đã phải mấy lần mở rộng, cơi nới.
“Tôi chẳng ghi chép gì đâu nhưng giờ đã có chừng 6000 cháu được đưa về đây chôn cất rồi đấy”, bà Mến nói giọng buồn buồn.
Những sinh linh vô tội được giấu trong hộp quà về nơi an nghỉ bằng xe buýt
Theo lời kể của bà Mến, khi xây dựng nghĩa trang xong, bà đã liên hệ với người quen ở bệnh viện tỉnh để đón các hài nhi về. Là người bạo dạn, anh Nguyễn Văn Nhâm, con trai cả của bà được cắt cử làm việc đó.
Ngày nào cũng vậy, cứ chừng 3 giờ chiều là anh Nhâm phóng xe ra bệnh viện tỉnh để đón các linh hồn vô tội. Bà Mến bảo, lần nào vợ chồng bà cũng mong con về tay trắng. Nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra.
Thời điểm đó, bởi chưa có tủ cấp đông nên cứ khi anh con cả đem hài nhi về thì ngay lập tức vợ chồng bà phải tiến hành các thủ tục để chôn cất.
Việc đầu tiên là tắm rửa, làm vệ sinh cho các em. Sau khi gói ghém cẩn thận, vợ chồng bà đặt các em vào những chiếc hộp sữa xin được từ các hộ dân trong vùng.
Những huyệt mộ tập thể vợ chồng bà Mến đào sẵn để đón những sinh linh vô tội.
Đón các hài nhi xấu số về đây cũng là hành trình gian nan. Giúp bố mẹ được hơn năm thì anh con cả đi xuất khẩu lao động. Không còn “người vận chuyển” nên vợ chồng bà đành tính liều, đón các em về bằng đường… xe buýt.
Bà Mến bảo, làm việc này bà cũng rất áy náy với những người đi xe buýt và cả cánh lái xe trên tuyến chạy qua thị trấn gần nơi bà ở. “Lái xe họ kiêng chở những thứ đó lắm, nhưng tôi cũng vì cực chẳng đã mới làm vậy thôi”, bà Mến bộc bạch.
Bàn với người quen ở viện, người vẫn thường thu gom hài nhi ở đó để chuyển cho vợ chồng bà là đóng các hài nhi vào hộp giấy rồi dán kín lại hệt như người ta vẫn gửi hàng, gửi quà cho nhau.
Sợ cánh lái xe buýt nghi ngờ nên cô y tá làm việc thiện trên đã phải liên tục thay đổi địa điểm “gửi quà”. Hộp giấy chứa các hài nhi được bọc kín và luôn được ngụy trang khéo léo trông bắt mắt như những hộp quà mà người ta vẫn gửi tặng cho nhau.
Xe buýt trả “hàng” ở thị trấn, tại một nhà mà bà quen biết. Cứ độ 5 giờ chiều thì vợ chồng bà ra đó lấy “quà” về. Nhưng rồi cũng chỉ nửa năm sau, bí mật về những thùng quà đó đã bị cánh xe buýt phát hiện.
“Có lần bởi gói không kỹ nên hộp giấy bị bục ra. Thấy có mùi lạ, mấy anh xe buýt đã kiểm tra và phát hiện việc trên. Biết việc làm của tôi họ không nỡ trách nhưng nhất quyết không chở nữa”, bà Mến nhớ lại.
Bà Mến bảo, những hài nhi đang yên nghỉ ở nghĩa trang vợ chồng bà chỉ… nhặt nhạnh trong tỉnh. Hơn năm nay, bởi anh con trai cả đi làm xa, xe buýt từ chối chở nên vợ chồng bà cũng chẳng còn cách nào để chủ động đi gom.
Tuy nhiên, những hài nhi vô tội vẫn như… có chân, tự tìm đến và vợ chồng bà vẫn đều đặn an táng chúng hàng tuần.
Trước nhà bà Mến có gốc bàng. Biết vợ chồng bà làm việc nghĩa nên người ta cứ đem hài nhi đến rồi treo lủng lẳng trên cây bàng ấy. Bà Mến bảo, sáng ra khi vừa tỉnh dậy, việc đầu tiên vợ chồng bà làm là ngó ra gốc bàng xem có “tặng quà” không.
“Nói gì thì nói chứ nạo phá thai tuy diễn ra nhiều nhưng người ta vẫn còn ngại lộ danh tính lắm. Cứ đêm đến hoặc khi mình không có nhà là người ta đem đến đó để”, bà Mến cho biết.
Nhiều hôm nắng dựng cây sào, mệt mỏi từ ngoài đồng về tới nhà thì thấy sộc lên mùi khó chịu. Ngửi đã quen nên vợ chồng bà biết mùi ấy bốc ra từ đâu. Vậy là lại lục tục đi tìm, rồi quên cả cơm nước để đưa hài nhi đó ra đồng.
Căn hầm không dành cho người yếu bóng vía
Chồng bà Mến, ông Nguyễn Văn Việt tướng khắc khổ. Nhưng giống như vợ mình, khuôn mặt ông toát lên nét phúc hậu, nhân từ. Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo, ban đầu, nhìn những em bé thân thể be bét máu, hình hài bị vằm nát ông cũng thấy sợ.
Tuy nhiên, nghĩ đơn giản, những hài nhi đó cũng là người dù biện minh thế nào thì chúng cũng chỉ là nạn nhận của cuộc đời vốn nhiều cay nghiệt. Bứt ra khỏi bụng mẹ, chúng không được thấy ánh sáng mặt trời nhưng chúng cũng có quyền được yên giấc ngàn thu.
Nghĩ thế nên ông quên đi nỗi sợ.
“Mình không chôn cất thì người ta cũng bỏ ở nơi khác thôi! Như thế thì tội lắm! Đau đớn nhất là an táng cho những em đã có đủ hình hài. Cứ khi nào gặp những em ấy là y rằng đêm mất ngủ ngay”, ông Việt chia sẻ.
Nửa năm trước, thấy vợ chồng bà cứ phải an táng ngay những hài nhi vừa được người ta “gửi tặng”, một nhóm thiện nguyện đã tặng vợ chồng bà chiếc tủ lạnh để bảo quản.
“Có tủ cấp đông rồi nên giờ cứ độ gần chục ngày thì vợ chồng tôi mới đưa các cháu ra đồng”, bà Mến cho biết.
Chiếc tủ lạnh chứa hài nhi đó được vợ chồng bà Mến gửi bên nhà thờ của giáo xứ cách nhà mấy bước chân. Trời nhập nhoạng, bà Mến bước thấp bước cao dẫn tôi ra nhà thờ để thực mục sở thị chiếc tủ lạnh chứa đầy nỗi ám ảnh đó.
Căn hầm nơi vợ chồng bà Mến để tủ lạnh chứa hài nhi.
Chiếc tủ được đặt dưới chân tượng Ki- tô vua, trong căn hầm tối như hũ nút. Dù đã bật điện sáng choang nhưng phải mấy lần lấy can đảm tôi mới dám bước vào căn hầm ấy.
“Hôm rồi vợ chồng tôi nhặt được một hài nhi người ta vứt ở chợ xã, trông cháu đẹp lắm nhưng không hiểu thế nào người ta lại bỏ đi”, vừa dẫn tôi vào hầm bà Mến vừa thủng thẳng kể.
Chiếc tủ lạnh nằm trong góc hầm, giữa bốn bề lặng ngắt. Không muốn làm các hài nhi giật mình, tôi đã kéo bà Mến quay ra.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Mến bảo, từ ngày dựng nghĩa trang đón các hài nhi xấu số về, vợ chồng bà thấy tâm nhàn, người khỏe. “Không biết các cháu có phù hộ không nhưng mấy năm nay vợ chồng tôi chẳng ốm đau gì”, bà Mến kể.
Vợ chồng bà Mến chẳng tin chuyện huyễn hoặc, hoang đường. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, có một chuyện lạ mà đến giờ vợ chồng bà cũng không biết lý giải thế nào. Đó là chuyện hài nhi sau 2 năm chôn cất đã… tìm về với mẹ.
“Chuyện này nếu không được chứng kiến thì chẳng mấy ai tin nhưng ở xóm này ai cũng biết đấy”, bà Mến bảo.
(Còn nữa)