Chuyện khủng khiếp ít biết về cuộc đời của những người vô gia cư trên đất Hà thành
Mùa đông, có người phụ nữ phải tắm truồng ở bãi chợ Long Biên, bên sự che chắn của các cỗ xe tải. Có người vì bị hãm hiếp tập thể mà dính đủ các bệnh xã hội rồi phải làm điếm. Có bà cụ nhiều năm nay phải trùm chăn, quây áo mưa ở góc phố, đi vệ sinh vào túi nilon rồi ném vào thùng rác. Ban ngày thì “đi tiểu” ở bất cứ góc khuất có thể của Hà thành, lúc có đồng bạc lẻ của bố thí thì mới dám đi “vệ sinh” ở nhà vệ sinh công cộng. Chiều đến lại vào một góc vỉa hè tắm rửa bằng can nước nhỏ.
Thế giới người vô gia cư trên đất Thủ đô, chứa đầy nước mắt và sự tủi nhục và chứa cả chút trăn trở buốt lòng của những người chăn ấm đệm êm, ăn sung mặc sướng khác. Tôi viết bài này trong một đêm bão về, mưa ngập đường phố Hà Nội, và tự hỏi: hàng trăm người vô gia cư đó, bây giờ chạy đi tá túc ở đâu?
Ngủ vỉa hè góc phố, sống bằng của bố thí cho đến… lúc chết
Hoàn cảnh của cụ Nguyễn Thị Loan năm nay đã 80 tuổi quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương vô cùng éo le. Trước đây, vì giận người con trai bất hiếu đã cướp sổ đỏ của gia đình, cụ cùng chồng bỏ xứ lên Hà Nội, sống kiếp của những người vô gia cư, lấy hè phố làm nhà. Từ khi cụ ông qua đời, chỉ còn một mình bà cụ đêm cũng như ngày lang thang đơn độc ở khu vực Bốt Hàng Đậu - chỗ đầu đường Quán Thánh - Hàng Than, Hà Nội.
Ông bà giận con cháu vì bị họ đánh đuổi cướp mất cả sổ đỏ nhà cửa (như bà nói), nên dắt díu nhau lên Hà Nội tìm kế sinh nhai. Bà hơn ông dăm tuổi, ông là cựu binh đánh Pháp ở Điện Biên Phủ, bà cũng từng đi dân công hỏa tuyến, họ lên Hà Nội lấy vỉa hè làm nhà, lấy tiền bố thí của người đời làm “kế” sinh nhai.
Bà kể: “Trước lúc khóc ròng, bỏ quê Tứ Kỳ lên Hà Nội, ông bảo bà: 'Một là bà chọn thằng con nghiện hút hư hỏng, bà ở lại quê; hai là bà chọn tôi, đi theo tôi lang thang cho bõ uất hận. Bà chọn đằng nào tôi cũng chiều'. Bấy giờ tôi vừa đi chợ về, nghe ông nói thế hoảng quá, nhưng tôi nói ngay: tôi đi với ông... Trước khi ông bỏ nhà đi, thằng ấy có đá ông mấy cái, cướp cả sổ đỏ của ông…”
“Lên đây, ông là người tư cách lắm, không ăn xin của ai bao giờ, nay ông ấy chết, tôi cũng chả ăn xin. Mình khổ thế nào thì người ta trông thấy rồi, mình ở đâu thì chỗ đó sạch sẽ, mình có đạo đức, ai thương thì bố thí thôi”, bà Loan nói.
Bà Nguyễn Thị Loan thắp nhang, bày hoa quả “cúng ông ấy nhà tôi” ở ngay Bốt Hàng Đậu
Đang “cắm chốt” ở Chợ Đồng Xuân thì ông Phạm Chí Th. (chồng bà Loan) ngã bệnh. Bấy giờ ông đã ở tuổi ngoài 80. Ông kêu đau đầu hai ngày thì bà cho ông về quê dưỡng bệnh. Ở quê, ông bà có nếp nhà cấp bốn ở quê, dù bị tranh chấp, nhưng vẫn ở được. Trước khi chết, bà vẫn đút cháo đút cơm cho ông ăn được từng chút một.
Đến hôm bà mang cả lon bia về cho ông, truyền cả nước cho ông, mà ông vẫn không chịu trò chuyện, bà biết là ông sắp “đi” rồi. Trước khi chết, uất hận vì đứa con bất hiếu, ông Th. nói lại với bà Loan là “không cho cái thằng giời đánh ấy chống gậy chịu tang, không… liên quan gì cả”.
Chưa đoạn tang chồng, lồng cái ảnh thờ của ông vào trong khung kính, đặt trong cái làn nhựa màu đỏ, bà Loan lại tấp tểnh lên Hà Nội lang thang. Thỉnh thoảng nhớ ông, thấy góc phố nào đẹp đẹp, bà lại dựng ảnh chồng… trong làn nhựa, cắm mấy que nhang, đốt lên để “trò chuyện” với ông cho đỡ nhớ.
Có lần tôi qua Bốt Hàng Đậu, còn thấy bà Loan thắp nhang, cúng ông vài quả xoài chín vàng ươm, bỗng dưng thấy lòng rưng rưng vì cái tình của người tận khổ với nhau. Bà nhỏ nhẹ: “Chỗ này sạch sẽ, cho ông ăn một tí. Chứ dựng ảnh ông ở chỗ rãnh bẩn ngoài kia, thối tha, xót xa lắm. Ông sống thì ông cũng vẫn lang thang phố xá bụi bặm, ngủ vật vạ xó xỉnh cùng tôi thôi, nhưng ông chết rồi, tôi cứ tha lôi ông đi thế này, tội nghiệp lắm. Sớm về quê thôi, cua cáy tự nuôi mình, cho ông ấy mát mẻ”.
Nói rồi bà Loan hồi tưởng xa xăm: “Hồi xưa tôi với ông ấy cưới nhau ở chiến trường, có mỗi cái tăng võng căng ra quanh cái thùng nước quân dụng làm phòng hợp hôn. Thêm vài điếu thuốc, vài cái kẹo và một tràng pháo tay, là xong! Ông nhà tôi phúc hậu lắm cơ!”.
Chúng tôi biếu 100 nghìn đồng, bà Loan giơ hai tay đỡ lấy, cứ xuýt xoa: “Ôi, sao cho bà nhiều thế này! Mai bà đi tàu về quê Tứ Kỳ, ở hẳn quê, không lên đây nữa đâu. Đi hết 37 nghìn tiền tàu hỏa, 20km từ tỉnh về xã lại một chặng ô tô nữa.”
Ngày hôm sau, tôi ra Bốt Hàng Đậu và cả nhiều ngày sau đó nữa, thì vẫn thấy… bà Loan ngồi đó. Có thể vì một lý do nào đó, bà chưa thể về quê, cũng có thể và nói dối tôi. Cuộc sống “đầu đường góc phố” năm này qua năm khác đã dạy cho bà những cái gì đó ngoài sự phúc hậu của một người già mà tôi vẫn hằng tin tưởng?
Tắm giặt và nấu nướng vỉa hè; trùm chăn, phóng uế vào… túi nilon
Bà Loan quả là người biết thu vén gia đình và cuộc sống ở cái nơi mà người ta nói “sảy nhà ra thất nghiệp”. Bà nhét tư trang vật dụng trong một cái làn, áo mưa, ô dù, các hộp nhựa túi nilon đựng đồ ăn… trong cái làn khác. Miếng khoai để vào cái bát rồi bỏ trong âu nhựa, chút xôi để trong cặp lồng.
Lúc nào cũng gọn ghẽ, sạch sẽ. Ảnh thờ của ông thì bà trang trọng bọc giấy báo, đóng khung cẩn thận, thỉnh thoảng lại đem ra lau bụi, bà cứ thế tha lôi ông đi. Tiện đâu thì dùng bật lửa ga, châm vào vài que nhang mang theo, thêm cái ống bơ hoen gỉ cắm nhang nữa, thế là thờ ông ở đó.
Những người quản lý đô thị sợ cảnh nhếch nhác ấy, nhưng ở góc độ tình người, đôi khi việc làm của bà Loan già nua lọm khọm, rung rung mái đầu bạc khóc chồng giữa phố xá ồn ào khiến người ta xúc động.
Sợ kẻ trộm lấy mất đồ đạc, cái lũ nghiện thì nó tha cái gì bao giờ. Nên bà Loan hay chọn mái hiên ở các công an phường để tá túc. “Phường H. thì các chú ấy biết tôi lâu năm rồi, chả nỡ đuổi. Dạo này sang bên phường Q., phải trình bày, phải cho xem ảnh thờ chồng, phải hứa quét tước sạch sẽ tinh tươm, 6h sáng phải rời chỗ “làm ổ vỉa hè” cho công sở nhà nước hoạt động… thì họ mới cho ở nhờ. Ở chỗ công an thì yên tâm tuyệt đối, khỏi lo mất trộm nhé”, bà Loan kể.
Cuộc sống “cơm niêu nước lọ” đi lang thang “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” của bà Loan, thật khó mà biết hết ngóc ngách được. Xin độc giả hình dung cụ thể nhất những chi tiết của “đời du mục già nua” ấy qua nội dung các cuộc trò chuyện của PV TTĐS với bà:
PV: Thế bây giờ mà trời đổ mưa thì bà căng cái bạt lên à?
Bà Loan: Không, chả căng. Mặc áo mưa mà ngủ thôi, nóng tí cũng phải chịu. Khổ nó quen rồi.
PV: Mấy giờ bà mới sang bên mái hiên nhà bán mũ bảo hiểm kia để ngủ?
Bà Loan: Phải 11 - 12 giờ, giờ ấy họ mới đóng cửa, mới dọn hết hàng vào.
PV: Thế thì bà tắm rửa, giặt giũ ở đâu ạ?
Bà Loan: Bà mua 5 nghìn 1 can nước, giặt bộ quần áo với lau người thì 2 can là 10 nghìn, 1 ngày 2 bịch trà đá cũng là 10 nghìn. Khoai lang thì ăn vài miếng, vẫn còn bỏ trong kia kìa. Mà hôm nay mưa, bà chả tắm, tắm hôm qua rồi còn gì, mai kia tắm luôn thể.
PV: Giữa phố thế này, nhà cửa không có, nhờ đợ không có ai, bà tắm kiểu gì?
Bà Loan: Tắm thì tối người ta về, có cái cô bán nước chè vỉa hè, từ tối đến 4 giờ sáng góc kia kìa. Bà vào đấy tắm nhờ. Ngày xưa ông chồng bà còn sống, cô ấy còn nấu cả cháo gà để mang cho ông đấy, thương ông lắm. Bà tắm xong bà giặt quần áo, phơi lên cái xe máy dọc đường. Nó cứ để ở đây thì mình cứ phơi, sạch sẽ. Mày xem, bà rất sạch sẽ mà.
PV: Bà ăn uống thế này thì không đủ chất đâu!
Bà Loan: Bà thề với chúng bay từ ngày lên đây bà chưa biết bát phở là cái gì. Sáng ra bà mua hai nắm cơm 10 nghìn thì ăn cả ngày, muốn ăn rau gì thì mua rồi tự nấu lấy.
PV: Bà nấu ở đâu ạ?
Bà Loan: Bà bắc hai hòn gạch ở đây (gần vườn hoa Hàng Đậu). Muốn đun chỗ nào thì đun. Bà mua 10 nghìn thịt rang khô nó lên ăn 2-3 ngày, mua 10 nghìn mỡ để rán, phải tận dụng chứ. Bà chả biết bát phở là cái gì. 25 - 30 nghìn bát phở thì tiền đâu ra mà ăn.
PV: Bà đi vệ sinh ở đâu?
Bà Loan: Kia, đái kia, ở bốt điện kia kìa, tất cả mọi người ở xe ôm đều đái ở đấy. Còn đi “đồng” (đại tiện) thì đi vào cái túi nilon, buộc lại rồi vứt. Bà ngủ bên kia, sáng sớm dậy thì bà đi đồng vào túi nilon rồi vứt đống rác.