Ý kiến của nhà văn Trang Hạ nhận rất nhiều đồng tình ủng hộ, nhưng cũng gặp rất ít phản đối, cho rằng chị "đụng chạm" đến tự ái của đàn ông Việt.
Châu Văn Long (28 tuổi, hiện là bếp trưởng của một nhà hàng chuyên nấu đồ ăn cho phụ nữ và những người có nhu cầu giảm cân tại TPHCM cho rằng, đàn ông hãy gạt tự ái qua một bên, cùng người phụ nữ của mình mang đến một cái Tết tuyệt vời.
Anh chàng đầu bếp này đã đăng trên facebook cá nhân một status có tên gọi “Ủng hộ đàn ông ăn tết không vô tâm” sau khi đọc bài viết của Trang Hạ, với 10 điều cụ thể.
Status của anh chàng đầu bếp trẻ này đã nhận được sự ủng hộ và chia sẻ lớn. Nhiều bình luận cho rằng, đàn ông Việt hãy mạnh dạn nhìn vào yếu điểm của mình để cùng vợ làm nên một cái Tết ấm áp, một gia đình hạnh phúc.
Đừng cãi Trang Hạ
Thẳng thắn thì bài viết của chị Trang Hạ là chê đàn ông Việt hiện nay và cảm thán cho nỗi khổ của chị em phụ nữ mỗi dịp tết đến xuân về. Chị đã gặp không ít "gạch đá" phản đối. Còn anh, tại sao lại ủng hộ?
Tất nhiên là chuyện chia sẻ công việc ngày tết với chị em phụ nữ đã có nhiều người đàn ông làm rồi nhưng vẫn có nhiều người không nghĩ tới.
Người ta quên mất những điều mà người ta nên làm. Ngay cả người phụ nữ cũng vậy. Thậm chí có nhiều người phụ nữ quên rằng mình cần và nên chia sẻ những công việc ngày Tết cho đàn ông nữa. Họ cứ ôm đồm vào mà làm.
10 việc mà tôi gạch đầu dòng ra như vậy là muốn nói với chị em rằng, đã đến lúc các chị cần chia sẻ những việc đó để đàn ông phụ. Và đàn ông thì nên chia sẻ những việc đó với chị em phụ nữ.
10 điều tôi viết ra là để khuyến khích mọi người làm theo chứ không phải để chứng minh đàn ông đã và đang làm như vậy. Vì số người đã làm chỉ là số ít thôi.
Thực ra, nhiều người coi những công việc đó rất bình thường mà đàn ông phải làm. Nhưng đối với Việt Nam, với số đông có thể vẫn đúng như chị Trang Hạ nói.
Bạn vừa nói, nhiều người phụ nữ thích ôm đồm. Nói như vậy có oan cho phụ nữ không vì chẳng ai là không muốn đàn ông chia sẻ, không chỉ là công việc mà để họ còn thấy sự ấm áp từ người đàn ông của mình?
Một số người phụ nữ nghĩ rằng, đó là bổn phận của họ trong gia đình, trong ngày Tết nên họ phải làm.
Nếu họ thực sự thích làm, muốn làm thì không sao nhưng có nhiều người cảm thấy điều đó là quá tải nhưng không thể nói, không thể chia sẻ với chồng, với người thân.
Tôi nghĩ trong trường hợp đó, chị em nên chia sẻ chứ không cần gồng người lên và ôm hết việc vào mình, cứ nín nhịn cho khổ.
Nhưng cũng đừng nên nói chung chung là hãy chia sẻ giúp em công việc ngày Tết đi. Vì nói như vậy, bản thân người đàn ông nhiều khi cũng không biết phải làm gì. Hãy chỉ rõ ra rằng, anh có thể làm gìgiúp em.
Vậy, anh thấy quan điểm của Trang Hạ là nhục mạ đàn ông như một số người đang nghĩ, hay là ý kiến xây dựng vì lửa ấm gia đình?
Trước khi đăng quan điểm ủng hộ chị Trang Hạ trên facebook, tôi cũng đã đọc một bài viết chia sẻ của một người bạn cùng giới. Quan điểm của bạn đó đi ngược với quan điểm của chị Trang Hạ.
Tôi nghĩ Trang Hạ đã thấu hiểu được tâm tư của những người phụ nữ nên chị chia sẻ như vậy.
Có thể là Trang Hạ gặp rất nhiều người và họ chia sẻ với chị nhiều chuyện, về những bức xúc và gánh nặng của họ trong việc người đàn ông không chịu làm việc nhà, hoặc gì gì đó.
Và điều mà chị Trang Hạ nói tôi cho là lời nói thẳng thắn và trách nhiệm.
Tôi nghĩ trong chuyện này cần có sự chia sẻ. Thay vì để người phụ nữ chủ động thay đổi, giảm các công việc ngày tết lại thì chính người đàn ông hãy chủ động nói với vợ, với mẹ, với em là Tết này nên đơn giản thôi.
Sẽ cùng nhau liệt kê ra các công việc cần làm, những thứ cần sắm rồi cùng nhau làm. Như vậy, mọi người sẽ đều vui vẻ, không ai phải mệt nhọc gì.
Đàn ông đúng nghĩa sẽ không phản ứng
Là đàn ông, bạn nghĩ thế nào về những người đàn ông bức xúc trước quan điểm của Trang Hạ về tết và về chính họ?
Với những người đàn ông tỏ ra bức xúc về cách nhìn của chị Trang Hạ, tôi nghĩ là do mỗi người có một quan điểm, một cách nhìn cá nhân khác nhau, kinh nghiệm khác nhau sẽ quyết định họ đứng về phía nào.
Những người nghĩ đàn ông không phải như vậy thì họ sẽ phản pháo, sẽ bức xúc. Hoặc những người đàn ông nghĩ họ không việc gì phải làm những việc đó, họ cũng sẽ tỏ ra khó chịu khi nghe Trang Hạ nói vậy.
Nếu đặt mình ở giữa để nhìn về nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm khác nhau, cả của Trang Hạ và của người đàn ông thì sẽ khách quan hơn.
Tất nhiên, cũng sẽ có một số người đàn ông biết mình không nằm trong số đàn ông Trang Hạ nói thì họ sẽ bình tĩnh suy nghĩ và ủng hộ Trang Hạ. Đó là những người đàn ông đúng nghĩa.
"Đừng sợ phụ việc cùng vợ sẽ làm bạn kém nam tính, mà ngược lại"
Chữ “Thị” nghĩa là “chợ”. Tên của hầu hết người phụ nữ Việt đều có chữ “Thị”, như ngầm ám chỉ, ở nhà đó có người đàn bà tên chuyên lo chuyện chợ búa.
Và không ít người đàn ông cho rằng, chuyện chợ búa là chuyện của đàn bà. Đàn ông làm mấy việc đó là “thiếu nam tính”, là “sợ vợ”. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi nghĩ , bản thân người đàn ông cần phải nghĩ thoáng ra, nam nữ làm việc nhà hay làm bếp đều như nhau hết, rất công bằng.
Thứ hai, việc dọn dẹp nhà cửa những ngày Tết rất nặng nhọc chứ không nhẹ nhàng, trong khi nếu để phụ nữ làm hết thì không hay.
Nếu không lo chuyện bếp núc thì đàn ông cũng nên tham gia công việc dọn dẹp để mà chia sẻ công việc với nhau.
Còn chuyện đàn ông sợ điều tiếng chỉ là sợ thôi chứ thật ra, cũng không ai đánh giá rằng, chia sẻ việc nhà với vợ hay tham gia dọn dẹp ngày tết là thiếu nam tính hay nữ hóa, hay sợ vợ cả.
Đó là do người đàn ông sợ thôi. Đàn ông cần phải vượt qua cái nỗi sợ mơ hồ đó để chia sẻ với người phụ nữ của mình, để trở thành mẫu đàn ông tuyệt vời và hợp thời hơn.
Theo bạn, người đàn ông cần làm gì để vượt qua nỗi sợ để chia sẻ với người phụ nữ của mình trong những ngày Tết?
Họ hãy coi đàn ông trên thế giới người ta đang làm cái gì để bản thân không bị bó buộc vào những tư tưởng cổ hủ, lỗi thời rằng, chuyện chợ búa, dọn dẹp nhà cửa là chuyện của chị em phụ nữ, chứ không phải chuyện của đàn ông.
Thực ra, ở các nước phương Tây, đàn ông rất giỏi chuyện nội trợ, người ta thậm chí ủi đồ, nấu ăn. Đàn ông làm việc nhà là chuyện rất đáng tự hào, chẳng có gì phải xấu hổ cả.
Để đi qua nỗi sợ đó, đàn ông nên thử. Phải thử làm mới biết công việc đó cực đến mức nào. Nó không hề nhẹ nhàng như cánh đàn ông nghĩ.
Ngay như tôi, tôi rất thích nấu ăn nhưng tôi rất bừa nên khi có người giúp tôi dọn dẹp tôi rất trân trọng và thực sự mình đỡ mệt hơn rất nhiều.
Còn người phụ nữ, họ cũng làm bấy nhiêu việc, thậm chí nhiều hơn rồi họ lại dọn dẹp một cách sạch sẽ, gọn gàng thì còn cực hơn nhiều.
Theo bạn, sẽ có bao nhiêu % đàn ông ủng hộ quan điểm này của Trang Hạ?
Cũng có nhiều người đàn ông cũng muốn làm như tôi và chị Trang Hạ nhưng lại sợ là bạn bè nói đàn ông thì phải nhậu, gặp bạn thì phải say, phải uống…
Thực ra chuyện từ chối trong việc uống bia rượu, các bạn phải dũng cảm lắm mới từ chối được. Quan trọng là người đàn ông phải quyết tâm.
Và người đàn ông cũng đã đến lúc cần từ chối bia rượu vì nghĩ tới vợ con chứ không chỉ là chỉ vì nghĩ tới sức khỏe của bản thân.
Con số tôi mơ ước tới chắc khoảng dưới 50%. Con số đó thoạt nghe có vẻ hơi nhiều nhưng tôi có lòng tin tưởng vào con số đó.
Cảm ơn anh!