Cái tin Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh sẽ rời Đà Nẵng để đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Nội chính TƯ khiến người dân, dư luận chộn rộn. Vui mừng, nuối tiếc lẫn lộn, bởi lẽ dấu ấn của ông với thành phố biển này khó có người dân nào lại không biết đến, trân trọng.
Nếu dành những từ ngữ cô đọng nhất để nói về vị Bí thư thành ủy Đà Nẵng có lẽ phải thừa nhận một điều rằng ông Nguyễn Bá Thanh quyết đoán, quyết đoán một cách quyết đoán, thẳng đắn. Nhưng như thế sẽ còn thiếu nếu không có hai từ “nhân văn” bên cạnh sự quyết đoán này.
Sự quyết đoán của ông Nguyễn Bá Thanh rất nhân văn.
Ngày 15-1, cái tin BV Ung thư Đà Nẵng chính thức mở cửa đón bệnh nhân ung thư trên cả nước đến điều trị. Cũng như bao nhiêu bệnh viện khác, nhưng điều làm cho cơ sở này nổi tiếng bởi chính sách miễn phí cho bệnh nhân nghèo, có BHYT, trước hết là bệnh nhân ung thư trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh lân cận miền Trung.
Công trình được khởi công từ năm 2009, với tổng số vốn đầu tư, trang thiết bị lên đến hơn 1.300 tỉ đồng. Cái lạ, nó chỉ “ngốn” ngân sách TƯ viện trợ hơn 220 tỉ đồng. Còn lại chủ yếu từ tiền xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay góp sức từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm gần xa.
Đơn vị triển khai dự án này là Hội bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng, và người khởi xướng công trình bệnh viện với chức năng khám, điều trị ưu việt, nhân văn này không ai khác chính là vị bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với tư cách là Chủ tịch Hội.
Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng tâm sự: "Dù bận trăm công ngàn việc với sự nghiệp phát triển thành phố, nhưng đồng chí Thanh đã làm việc gì là làm tới cùng, quyết tâm, quyết đoán và đầy nhiệt huyết.
Ở đâu, gặp gỡ những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, có điều kiện là ông ngỏ ý “xin tiền” cho công trình bệnh viện ung thư".
Cái cách ông thành lập hội này cũng “độc”, hiếm có. Số là, năm 2002, có một phụ nữ dắt con nhỏ trọng bệnh đến gõ cửa nhà ông Thanh lúc nửa đêm để cầu cứu, xin tiền mổ tim.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của người phụ nữ bất hạnh, bởi lẽ chị vừa mất 1 đứa con trai có dấu hiệu bệnh tim giống hệt đứa chị dắt đến tìm ông Thanh lúc đó vì không có tiền phẫu thuật. Ông Thanh đã giúp tiền để chị cứu sống được đứa con còn lại.
Câu chuyện xúc động này được ông kể nhiều lần trong các cuộc họp để rồi sau đó một hội chuyên về giúp đỡ trẻ em phụ nữ bất hạnh ra đời. Từ "Hội bảo trợ trẻ em nghèo bất hạnh", hội mở rộng thêm đối tượng phụ nữ thành "Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh" hoạt động ổn định từ năm 2008 đến nay.
Cơ sở bệnh viện Ung thư, một địa chỉ nhân văn ghi dấu ấn ông Thanh.
Bà Lan kể: "Mới đây tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội, đồng chí Thanh trực tiếp quyết định cấp căn hộ chung cư cho cháu Phạm Thục Trinh bị bệnh tim bẩm sinh.
Cháu Trinh được Hội tài trợ phẫu thuật miễn phí nhưng thấy gia đình cháu quá nghèo, đang phải ở nhà thuê, ông Thanh trực tiếp ra quyết định này.
Từ cái nhìn nhân văn, ông Thanh chỉ đạo Hội hỗ trợ mỗi gia đình trẻ em nghèo đã mổ tim 1 triệu đồng/1 hộ".
Theo bà Lan: "Nhiều lần trực tiếp làm việc với đồng chí Thanh, đội ngũ cán bộ chúng tôi nhận thấy một thái độ làm việc thắng thắn, bộc trực, quyết đoán và cả tính nhân văn.
Như chuyện xây bệnh viện ung thư, sau khi đi thăm quan cơ sở bệnh viện ung thư ở TP.Hồ Chí Minh, đồng chí Thanh thấy người nhà phải nằm chờ, chăm sóc bệnh nhân la liệt ngoài hành lang.
Ai cũng thấy hình ảnh này mỗi ngày nhưng có lẽ chỉ đồng chí Thanh là người duy nhất cả nước đưa ra chủ trương xây thêm khu Kí túc xá ăn và ở miễn phí cho cả người nhà bệnh nhân ung thư tại BV Ung thư Đà Nẵng."
Nhìn dãy nhà KTX khang trang trong khuôn viên BV Ung thư vừa triển khai đón tiếp, điều trị bệnh nhân, ai cũng ấm lòng. Nỗi lo lắng về chi phí điều trị được san sẻ bởi cơ sở bệnh viện như một chiếc phao cứu sinh những người bệnh nơi “cận tử”.