Xin mời độc giả theo dõi đề thi đáp án môn Văn khối C năm 2013:
Đáp án đề thi môn Văn khối C năm 2013:
A. Gợi ý giải đề môn văn của TS Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết - Giáo viên Ngữ Văn trường THPT Chu Văn An
I. Phần chung cho tất cả thí sinh ( 5đ)
Câu 1: học sinh cần nêu được những nét chính sau đây:
- Tái hiện được những hình ảnh cả Hà Nội hiện lên trong ấn tượng, trong nỗi nhớ nhung, tiếc nhớ của bé Liên
* Khi ngửi thấy mùi phở thơm của bác Siêu, " Liên nhớ lại khi ở Hà Nội, chị được thưởng thức những thức quà ngon, lạ- bấy giờ mẹ Liên nhiều tiền- được đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ...một vùng sáng rực và lấp lánh. HN nhiều đèn quá."
* Khi đoàn tàu đi qua, " Liên lặng người theo mơ tưởng. HN xa xăm, HN sáng rực vui vẻ, huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua"
- Phân tích được ý nghĩa của hình ảnh HN trong đời sống tâm hồn bé Liên:
* HN là hình ảnh đẹp đẽ của quá khứ luôn da diết trong hoài niệm, trong nỗi tiếc nhớ của Liên, một cô bé nghèo phố huyện có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm; HN cũng là hình ảnh gắn liền với những cảm nhận về ánh sáng, âm thanh, mùi vị ...rực rỡ, sống động, ngọt ngào.
* Có thể coi HN là hình ảnh của ước mơ đã từng hiện hữu trong quá khứ, lướt qua hàng đêm trong hình ảnh đoàn tàu của hiện tại, chở tới cho tâm hồn Liên "một chút thế giới khác đi qua", khiến em như được thoát ra khỏi không gian tăm tối, buồn tẻ, nghèo khổ của phố huyện, HN hiện ra qua hình ảnh đoàn tàu cũng đem đến những hiện hữu của thời gian trong tâm tư HĐT, đó là niềm vui trong chốc lát của hiện tại, là những kí ức tuổi thơ êm đẹp trong quá khứ, là mong manh một thoáng mơ ước như mơ hồ chờ đợi một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Như vậy, những ấn tượng về HN đã nuôi dưỡng những hoài niệm, và quan trọng hơn là lay động những khao khát tốt đẹp trong tâm hồn bé Liên, là hình ảnh góp phần thể hiện những nét đặc sắc nhất trong tư tưởng chủ đề của tác phẩm: đó là lòng nhân ái, tình yêu thương con người, niềm tin yêu, quí trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người, sự nâng niu lay trở những mơ ước, khát khao tốt đẹp của con người. Qua tâm trạng của bé Liên khi hằng đêm đợi tàu và mơ tưởng về HN, TL đã thể hiện lòng trắc ẩn, nỗi lo âu, sự băn khoăn, thương xót cho tình trạng sống mòn mỏi, quẩn quanh, vô vọng của những con người nghèo khổ. Ông đã rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh: những con người bất hạnh ấy rất dễ bị vùi lấp, bị lãng quên trong đói nghèo, tăm tối, họ có thể vô danh nhưng tuyệt đối đừng để sự tồn tại của họ trong cuộc đời này trở thành vô nghĩa. Nhà văn cũng phát hiện và trân trọng những khát khao đổi đời chính đáng của con người, nhất là ở những đứa trẻ, những mầm sống nhỏ nhoi đang có nguy cơ bị tàn úa trên mảnh đất cỗi cằn. Nhờ đó, truyện ngắn thức tỉnh ý thức cá nhân trong mỗi con người để họ vươn tới một thế giới khác xứng đáng với Con Người./.
Câu 2: Đây là dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí học sinh cần đáp ứng được những ý chính sau:
- Giải thích các khái niệm: trí tuệ, sự khôn khéo.
- Lí giải vấn đề: câu nói này là một lối sống bao ham fcar yếu tố tích cực và tiêu cực.
* Tích cực: đề cao sự khôn ngoan để luôn có thể tìm cho mình con đường đi, cách xử thế, xử lí tốt nhất trong các tình thế khó khăn, giảm thiểu những hậu quả bất lợi.
* Tiêu cực: phần nào thể hiện cách sống vị kỉ, vụ lợi, nhiều khi còn làm hại cho người khác; thêm nữa, cách sống thủ thế tuy khôn ngoan, có thể tránh những hậu quả đáng tiếc nhưng cũng khó làm con người có thể hòa nhập với cộng đồng, khó phát triển.
- Nêu một số biểu hiện về cách sống trên trong thực tế, chỉ ra sự tích cực, tiêu cực của từng trường hợp cụ thể.
- Nêu quan điểm sống của cá nhân: đây là phần các em nên bày tỏ quan điểm riêng của mình một cách trung thực, chân thành và nhất là tích cực, biết vận dụng trí tuệ thông minh trong việc nhận thức, suy xét, xử lí... các vấn đề trong cuộc sống, nhưng cũng tránh cách sống vị kỉ, vụ lợi...
II. Phần riêng: 5đ
Câu 3.a.
Thí sinh có thể trình bày cảm nhận của mình về vẻ đẹp của người chiến sĩ Tây Tiến, sau đó chỉ ra " dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước" và " vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp"; cũng có thể chỉ ra những nét đặc sắc đó ngay trong quá trình phân tích, cảm nhận. Về cơ bản, cần đảm bảo những ý chính sau đây:
a. Vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp: vẻ đẹp hào hùng bi tráng và hào hoa lãng mạn.
* Vẻ đẹp hào hùng bi tráng: được thể hiện qua sự kiên cường dũng cảm của chiến binh TT khi họ đương đầu với những thử thách- những gian khổ, hi sinh trong cuộc đời lính chiến, với sự hiểm trở khắc nghiệt của thiên nhiên, những núi cao, vực thẳm, sương dày, với cuộc sống kham khổ, thiếu thốn, bệnh tật, ốm đau..., với cuộc chiến đấu cùng những gian khổ, hi sinh. Vẻ đẹp đẹp hào hùng bi tráng không chỉ thể hiện qua dáng vẻ, thái độ, qua bức chân dung ngoại hình với những nét vẽ rắn rỏi gân guốc mà còn thể hiện qua cách các anh bình thản, ngang tàng, mạnh mẽ đối diện với gian khổ, hi sinh, vượt lên mọi gian truân, sẵn sàng hi sinh cho TQ.
* Vẻ đẹp hào hoa lãng mạn: Xuất thân là những chàng trai HN, chiến sĩ TT còn có tâm hồn mộng mơ, những xúc cảm lãng mạn và tư chất nghệ sĩ tinh tế.
+ Trong tâm hồn những các chàng trai giàu xúc cảm, dễ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, núi rừng miền Tây không chỉ hiện ra trong những hiểm trở, những bí ẩn đầy đe dọa mà còn được cảm nhận, chiêm ngưỡng say mê ở những nét đẹp hùng vĩ và thơ mộng.
+ Không chỉ say mê vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của con người , của tình người miền Tây cũng đem đến cho chiến sĩ TT những xúc động, những vương vấn khó quên.
+ Những chàng trai Hà Thành ra đi vì sức vẫy gọi mãnh liệt của lí tưởng song trong lòng vẫn lưu luuyến nhớ nhung về “Hà Nội dáng kiều thơm”. Có thể hiểu người lính miền viễn xứ mơ màng nhớ về HN đẹp như một dáng kiều thơm , càng có thể hiểu theo một cách rất đa tình, lãng mạn, đó là nỗi nhớ của các anh với những thiếu nữ Hà Thành kiều diễm.
b. Chiến sĩ Tây Tiến còn mang "dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước":
* Hình ảnh " Anh bạn dãi dầu không bước nữa- Gục lên súng mũ bỏ quên đời"
+ Hai câu thơ tựa như một bức kí họa đầy ấn tượng về người lính TT.
Có thể hiểu đây là hình ảnh người lính phong trần buông mình vào giấc ngủ hiếm hoi trong phút dừng chân, một giấc ngủ mệt nhọc nhưng vô tư, trẻ trung; cũng có thể hiểu đây là câu thơ miêu tả một thực tế đau xót trên chiến trường khi người lính kiệt sức, gục ngã không thể bước tiếp cùng đồng đội.
Thực tế khắc nghiệt qua cách diễn đạt chủ động của cụm từ không bước nữa và bỏ quên đời đã làm hiện lên sự kiêu bạc, ngang tàng của những người lính dãi dầu mưa nắng. Hiện thực trần trụi của con đường hành quân gian khổ qua cảm nhận của những người lính chiến can trường quả cảm đã được biểu hiện bằng cách nói thật lãng mạn.
Thêm nữa, hình ảnh người lính gục trên súng ...đời không chỉ gợi lên sự mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí không bao giờ thức dậy, mà còn cả nét vô tư lự, trẻ trung của những chàng trai vừa rời ghế nhà trường.
* Những câu thơ về Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc- Quân xanh màu lá dữ oai hùm- Mắt trừng gởi mộng qua biên giới- Đêm mơ HN dáng kiều thơm - Rải rác biên cương mồ viễn xứ- Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh- Áo bào thay chiếu anh về đất- Sông Mã gầm lên khúc độc hành"...đã khắc họa hình ảnh, dáng vẻ, khẩu khí, khí phách của những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, có lí tưởng đẹp đẽ, có khát vọng lớn lao.
Hình tượng thơ đậm chất bi tráng, phảng phất hình ảnh những tráng sĩ xưa Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao, đó là khí phách của những con người dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng gạt tình riêng, ôm chí lớn ra đi không vương thê nhi.
Trong câu thơ nói về cảnh chôn cất tiễn đưa tử sĩ , bút pháp mĩ lệ hóa của cảm hứng lãng mạn đã biến tấm áo quân phục sờn rách của người lính chiến thành tấm áo bào đẹp đẽ, thiêng liêng.
QD có kể lại: “ Khi tử sĩ nằm xuống không đủ manh chiếu để liệm, nói áo bào thay chiếu là mượn cách nói của thơ trước đây để an ủi những người đồng chí vừa ngã xuống”.
Vượt lên trên hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh, trong cảm nhận của QD, những đồng đội thân yêu của ông khi ngã xuống vẫn được khâm liệm trong những tấm áo bào trang trọng vốn chỉ dành cho những tráng sĩ anh hùng xả thân vì đất nước. Hình tượng thơ không chỉ làm dịu vợi nỗi đau trước hiện thực tàn nhẫn của chiến tranh mà còn hàm chứa niềm biết ơn, cảm phục sâu xa với công lao những chiến sĩ anh hùng.
Cũng từ câu nói của QD, hình ảnh áo bào thay chiếu còn gợi liên tưởng đến lí tưởng cao quí của một thời coi việc chết ngoài chiến địa lấy da ngựa bọc thây làm niềm tự hào của đấng trượng phu, coi chí làm trai dặm nghìn da ngựa là tâm nguyện thiêng liêng cao quí của những người trai thời loạn; người lính TT hôm nay cũng xem việc hi sinh nơi chiến trường, được khâm liệm bằng tấm áo của chính mình là niềm vinh quang của những người con sẵn sàng quyết tử cho TQ quyết sinh.
c. Nghệ thuật:
Với sự kết hợp bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, bài thơ đã trở thành khúc ca bi tráng phản ánh chân thực cuộc sống chiến đấu gian khổ, sự hi sinh anh dũng và vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của người chiến sĩ TT, những vẻ đẹp mang " dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước" và " vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp".
Câu 3.b:
a. Giới thiệu được những nét chính về hai tác giả và tác phẩm, hai nhà văn sáng tác ở hai thời kì nhưng tác phẩm của họ đều thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc khi hướng tới xót thương cho số phận con người.
b. Giới thiệu vấn đề: thông qua cảm nhận về hai nhân vật Từ ( Đời thừa - nam Cao) và người đàn bà hàng chài ( Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu), bình luận về ý kiến cho rằng: sự nhẫn nhục của nhân vật Từ không đáng trách, chỉ đáng thương; còn sự nhân nhục của người đàn bà hàng chài thì vừa đnág thương, vừa đáng trách.
c. Tái hiện và phân tích kiến thức làm rõ được số phận bất hạnh và sự nhẫn nhục của hai người đàn bà.
+ Nhân vật Từ: là người phụ nữ đáng thương bởi cảnh ngộ lỡ dở, được Hộ cưu mang, nên coi Hộ là ân nhân với niềm biết ơn sâu nặng.
Dù không hiểu những hoài bão của chồng nhưng Từ vẫn thấu hiểu những cay đắng khổ sở của chồng khi vì gánh nặng áo cơm mà Hộ phải từ bỏ lí tưởng, hoài bão của mình, chính vì thế, Từ luôn dành cho chồng sự biết ơn kính cẩn và cả niềm xót thương vô bờ bến.
Khi trở thành nạn nhân của những cơn say của chồng, bị Hộ đánh đuổi, dằn vặt, đay nghiến, Từ luôn chỉ nhẫn nhục chịu đựng, lặng lẽ chăm sóc chồng cho tới khi anh tỉnh rượu.
Người đàn bà ấy đã thể hiện cả sự bất hạnh đáng thương và sự thấu hiểu đáng kinh ngạc trong chi tiết cuối truyện. Khi Hộ tự kết án mình, vừa khóc vừa nói với vợ: Anh chỉ là một thằng khốn nạn, thì Từ phủ nhận lời kết án ấy, chị nói: Anh chỉ là người khổ sở…
Lời kết án hướng tới nhân cách, lời bào chữa, bênh vực lại xót thương cho số phận. Câu nói của người đàn bà yếu đuối, tội nghiệp ấy cùng sự ám ảnh da diết của lời hát ru cuối truyện Ai làm cho Nam Bắc phân kì- Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân…đã mở ra một lời kết án phẫn uất hơn với xã hội đương thời- một xã hội không dung nạp tài năng và tâm huyết, một xã hội đẩy con người đến bước đường cùng của tha hóa.
+ Người đàn bà hàng chài: Ấn tượng lớn nhất về sự đau khổ bất hạnh mà người đàn bà đưa đến cho người đọc chính là thái độ cam chịu nhẫn nhục đến kì lạ của chị.
* Chi tiết người đàn bà đi thẳng tới bãi xe tăng hỏng, trước lúc đến bên chiếc xe rà phá mìn, chị đứng lại ngước mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng, rồi đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân. Có thể nhận thấy đây là nơi quá quen thuộc với chị, sự quen thuộc ghê sợ, khủng khiếp bởi những trận đòn đã thành lệ của người chồng vũ phu, thô bạo cứ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng.
Vì thế nên dù đã chấp nhận, người đàn bà vẫn không nén nổi cảm giác cay đắng, chị nhìn lại con thuyền dường như để tìm ở các con một chút an ủi ấm áp, mong được tiếp thêm một chút sức lực có thể giúp chị vượt qua nỗi đau khổ nhục nhã sắp tới; cử chỉ đưa một cánh tay lên như vô thức của chị có lẽ muốn tìm đâu đó sự thay đổi hay trì hoãn dù chỉ một thoáng, nhưng rồi cũng hiểu ngay rằng đó là điều không thể, cánh tay chị buông thõng phó mặc, cặp mắt nhìn xuống chân mệt mỏi, chán chường buông xuôi như một kẻ tội đồ nhẫn nhục chờ hình phạt không tránh khỏi.
* Khi bị chồng đánh dã man, chị chịu đòn với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy. Đó là thái độ của một người đang nhẫn nhục thực hiện nghĩa vụ đau khổ của mình - không oán thán, bất bình hay tránh né; cuộc sống đau khổ hình như đã làm mất đi ở người đàn bà kể cả những phản xạ bản năng tối thiểu!
* Khi được Phùng và Đẩu tìm cách cứu giúp, chỉ ra con đường giải thoát khỏi người chồng tàn bạo, người đàn bà đau khổ ấy lại quyết liệt từ chối, chị không hề muốn bỏ người chồng tàn nhẫn, con người bị cầm tù bởi đói nghèo, tăm tối và bạo lực ấy lại tuyệt đối không muốn được giải thoát, thậm chí chị còn khẩn thiết van xin: Quí tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…
d. Bình luận về nhận xét trong đề bài:
- Khẳng định sự đáng thương của hai nhân vật khi đều là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, là nạn nhân đau khổ của những trận đòn hoặc những lời dằn vặt đay nghiến của chồng; và nhất là khi họ đều nhẫn nhục chịu đựng mà tuyệt đối không một lời oán thán, không một hành động phản kháng.
- Chỉ ra sự đáng trách hay không đáng trách của hai nhân vật. ( phần này thí sinh có thể bộc lộ quan điểm riêng của mình, không nhất thiết theo ý kiến đưa ra trong đề bài):
+ Từ có thể không đáng trách khi nhẫn nhục vì chị hiểu những hành động vũ phu của chồng chỉ có khi anh say rượu, khi anh bị mất đi lí trí mà đi ngược lại lẽ sống tình thương của mình; khi tỉnh rượu, anh lại ân hận khổ sở và Từ xót thương vô cùng cho sự ân hận khổ sở ấy, thấy rõ mình là một phần nguyên nhân đưa đến nỗi khổ sở cho chồng. Sự nhẫn nhục của Từ vì thế có thể thấu hiểu.
+ Người đàn bà hàng chài đáng trách vì sự nhẫn nhục triền miên tới phi lí với những trận đòn " ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng"; bất kể lúc nào" thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh..lão đánh tôi như đàn ông thuyền khác uống rượu..". Có thể chị hiểu nỗi khổ sở trong lòng chồng, nhưng người chồng coi việc đánh vợ như một cách giải tỏa nỗi đau khổ, bức bối, bế tắc, dường như không xót thương, không ân hận...đó là điều không thể chấp nhận. Sự nhẫn nhục của chị chính là nuôi dưỡng thói vũ phu độc ác của chồng, tiếp tay cho lão đầu độc cuộc sống gia đình, lấy đi niềm tin của những đứa con vào sự tốt đẹp của cuộc đời.... đó là đáng trách.
+ Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, cả hai nhân vật đều đáng trách vì chính sự nhẫn nhục của họ khi sự nhẫn nhục ấy khiến cuộc sống của họ, của con cái thêm đau khổ, và đè thêm gánh nặng đau đớn cho lương tâm của người chồng.
B. Gợi ý giải đề Ngữ văn của TT hocmai.vn