Đánh bắt "lộc biển" nhỏ xíu, bỏ túi cả chục triệu mỗi đêm

B. Bình |

Những đêm "trúng đậm", có những hộ gia đình đắt bắt được cả trăm con tôm nhí đem lại thu nhập cả chục triệu đồng.

Nghề đánh bắt tôm hùm giống (tôm nhí) những năm gần đây được biết đến là một trong những nghề có thu nhập "khủng" của ngư dân vùng biển trong đó có người dân Tịnh Kỳ (T.P Quảng Ngãi), Bình Châu (Bình Sơn), Phổ Quang (Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi.

Mùa tôm nhí bắt đầu từ khoảng tháng 10 âm lịch đến tháng 3 năm sau.

Lão ngư Ngô Thanh Bình (55 tuổi) ở thôn An Vĩnh chia sẻ trên báo Quảng Ngãi: "Nghề săn bắt tôm hùm giống cũng là thử thách với ngư dân.

Ra biển có những lúc mưa to, gió lớn, sóng cao, lại đánh bắt chủ yếu vào ban đêm nên nếu không cẩn trọng, tàu thuyền khai thác tôm nhí dễ bị sóng đánh va vào đá hoặc bị đánh chìm xuống dòng nước lạnh giữa biển đêm ".

Cũng theo miêu tả trên báo Quảng Ngãi, dựa vào tập tính sinh sống của tôm nhí thường xuất hiện ở bãi rạn, gành đá... mà ngư dân có các phương thức khai thác khác nhau.

Hiện nay, trong ngư dân có ba hình thức đánh bắt chủ yếu là chong mành, bẫy nhử và lặn bắt. Trong đó, hình thức đánh bắt chong mành được đánh giá là hiệu quả nhất.

Việc đánh tôm nhí bằng lưới mành thường bắt đầu từ khoảng 15 giờ. Sau khi thả lưới xong đến tối thì chong đèn điện để dụ tôm nhí đến và cứ 2-3 giờ là kéo lưới 1 lần để kiểm tra. Việc đánh bắt kết thúc vào khoảng 4-5 giờ sáng hôm sau.

Với kinh nghiệm của những ngư dân, ngoài việc chọn được vị trí hứa hẹn, ngư dân phải chọn được hướng gió và định hướng được con nước để mành lưới giăng đúng hướng di chuyển của tôm.

Những chiếc neo phải “buộc” được con tàu đứng vào đúng vị trí trung tâm của mành lưới để có thể đón được tôm cả 2 bên mành, không để tôm lọt ra ngoài vùng mành kiểm soát. 

Ngoài cách giăng lưới trên rạng (đá ngầm), nhiều ngư dân sử dụng bình hơi để lặn xuống, rồi dùng tay để bắt; cách bắt tôm con kiểu này đòi hỏi ngư dân phải có sức khỏe tốt, kinh nghiệm và nhiều nguy hiểm đến tính mạng.

Thông thường mỗi tàu thuyền có từ 4 - 5 thợ để thay nhau lặn, thời gian lặn mỗi lần từ 30 - 50 phút. Việc đánh bắt tôm hùm con của ngư dân theo cách này diễn ra gần như quanh năm (trừ những khi biển động, nước quá đục).

Lưới mành đánh bắt tôm nhí dày đặc trên biển. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Lưới mành đánh bắt tôm nhí dày đặc trên biển. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Theo ghi nhận trên báo Nông nghiệp Việt Nam, vào đầu năm nay, nhiều hộ gia đình ngư dân ven biển Quảng Ngãi đánh bắt mỗi đêm được cả trăm con, thu hàng chục triệu đồng. Mỗi con được bán với giá dao động khoảng 300 nghìn đồng/con.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến, xác nhận trên tờ này: Vào đầu năm 2015, hơn 350 ngư dân địa phương có thu nhập cao nhờ đánh bắt tôm hùm nhí ở vùng biển gần bờ.

Nhiều hộ gia đình đánh bắt đến hơn 100 con mỗi đêm. Hai tuần qua, bà con ngư dân địa phương có tổng thu nhập trên 3 tỷ đồng nhờ đánh bắt tôm hùm nhí.

Trong thời gian này, người dân ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa lại bắt đầu bước vào vụ đánh bắt tôm nhí.

Theo phản ánh trên báo Công an nhân dân, dù sản lượng đầu vụ tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước song ngư dân hành nghề khai thác tôm hùm giống trên địa bàn các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát hay TP Quy Nhơn (Bình Định) vẫn vui mừng.

Giá thu mua tôm nhí ở thời điểm này đang dao động ở mức cao, bình quân 325 - 330.000 đồng/con.

Trung bình mỗi đêm đánh bắt, một thuyền có thể bắt được 12 - 15 con tôm nhí. Trừ chi phí, một thuyền có thể thu nhập 5 - 8 triệu đồng.

Tôm hùm giống. Ảnh: Công an nhân dân
Tôm hùm giống. Ảnh: Công an nhân dân

Do việc nhân giống tôm hùm nhân tạo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn nên hầu hết chủ trại ở khu vực miền Trung đã thu mua hùm nhí ngoài tự nhiên về nuôi.

Sau khi nuôi khoảng 8 tháng, chủ trại xuất bán tôm hùm trưởng thành cho các nhà hàng hoặc xuất khẩu với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg.

Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại