Vào lúc 15h55 ngày 8/1 một số hộ dân thôn Châu Sơn, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã chặn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại lý trình km19, không cho các phương tiện lưu thông trên đường cả hai chiều đi và về. Trong đó, có cả xe của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đi qua cũng bị chặn lại. Lý do là không đồng ý mức hỗ trợ sửa chữa khắc phục các công trình bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công của nhà thầu.
Tổng công ty, Ban QLDA và Công ty vận hành khai thác đã lập tức thông báo với chính quyền địa phương từ UBND xã đến UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay sau đó, Công an huyện Bình Xuyên và Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng phối hợp giải thích và tuyên truyền vận động. Đến 17h người dân đã dừng việc cản trở, tuyến cao tốc đã lưu thông trở lại bình thường.
Nếu không giải quyết sớm, hậu quả... chết người
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, hành vi của một số người dân thôn Châu Sơn đã dùng gỗ, gốc cây chặn toàn bộ giao thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, gây mất trật tự công cộng và ảnh hưởng đến an toàn cho các phương tiện trên đường cao tốc.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm khuyên người dân ở Vĩnh Phúc không nên hành động tự phát, tránh vi phạm pháp luật.
"Căn cứ Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ngày 17/4/2003 hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật hình sư, hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
Như vậy, hành vi tự phát của một số người dân thôn Châu Sơn có dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng. Tội danh và hình phạt được qui định tại khoản 1 điều 245 BLHS.
Tuy nhiên trong vụ án này, cũng cần thiết phải xem xét đến nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh dẫn đến việc một số người dân bức xúc phản đối Ban quản lý dự án (Ban QLDA) trong việc thi công công trình gây ảnh hưởng cho các hộ dân. Có thể do việc giải quyết bồi thường chưa thỏa đáng và sự hiểu biết của người dân về pháp luật còn hạn chế cho nên họ đã bột phát phản ứng bằng cách dùng gỗ, gốc cây... chặn phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường không cho đi qua địa bàn.
Vì thế, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm của các người dân để có thể xử lý theo qui định của pháp luật.
Trong vụ việc này, chưa gây hậu quả thực tế thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông. Để giải quyết triệt để vụ việc, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, ngăn chặn sự việc tái diễn trong tương lai về lâu dài đảm và trên hết là bảo sự an toàn của các phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc thì lần đầu thì có thể xử lý bằng biện pháp xử phạt hành chính theo Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội", luật sư Thơm phân tích.
Bởi nếu không xử lý triệt để, sự việc tái diễn sẽ có hậu quả xấu. Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, ông đã gặp nhiều vụ án chỉ vì không giải quyết triệt để mâu thuẫn nên đã biến 1 chuyện hiểu lầm thành án mạng.
"Pháp luật buộc người dân phải nhận thức được hành vi dùng gậy, gốc cây, rải đinh trên đường cao tốc chặn phương tiện tham gia giao thông một cách trái pháp luật là nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Tuy không mong muốn tước đoạt tính mạng, sức khỏe người khác nhưng vẫn làm bừa thì hậu quả xảy ra đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó.
Hậu quả chết người xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo điều 93 BLHS. Nếu gây tổn hại đến sức khỏe thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác theo điều 104 BLHS. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại cho các phương tiện tham gia giao thông từ 2 triệu đồng trở lên còn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 BLHS", lời luật sư.
Người dân dùng cách phản ứng tiêu cực, cản đường phương tiện trên cao tốc có thể làm hại chính mình vì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Có thể kiện lên tòa án
Nguyên nhân của vụ việc này, theo người dân, họ không đồng ý mức hỗ trợ sửa chữa khắc phục các công trình bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công của nhà thầu. Nếu đúng như vậy, họ phải thông qua chính quyền địa phương đề nghị Ban QLDA giải quyết bồi thường thiệt hại. Nếu người dân vẫn không đồng tình với việc bồi thường của chủ đầu tư thì có thể khởi kiện ra Tòa án dân sự huyện Bình Xuyên để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ban QLDA họ đã mời một Công ty TNHH kiểm toán và định giá VN (VAE) khảo sát đánh giá ký biên bản kiểm tra ảnh hưởng với từng hộ dân; xây dựng dự toán sửa chữa khắc phục, công bố chứng thư làm cơ sở để Ban QLDA, nhà thầu chi trả cho các hộ dân.
Tuy nhiên, nếu người dân không đồng tình với kết quả của VAE thì vẫn có quyền thuê một Công ty thầm định khác để đánh giá mức độ thiệt hại làm căn cứ đàm phán bồi thường với Ban QLDA.
Nếu hai bên không thống nhất về mức độ thiệt hại và mức bồi thường thì khởi kiện ra tòa án. Khi giải quyết tại tòa án nếu hai bên vẫn không nhất trí về mức độ thiệt hại, cũng như mức bồi thường thì tòa án có thể chỉ định một cơ quan giám định có thẩm quyền để đánh giá mức độ thiệt hại làm căn cứ xác định mức bòi thường theo qui định của pháp luật.
Như vậy, việc bức xúc của người dân với Ban QLDA thi công tuyến đường Nội Bài - Lào Cai là có. Để người dân không tự ý hành động trái với quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cũng cần nâng cao vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật để tránh hậu quả đáng tiếc.
Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm