Dân Nghệ An quay cuồng vì băng tuyết, nhiệt độ giảm tới -8 độ C

Ngọc Tú |

Sau 3 ngày xảy ra đợt rét kỷ lục, có lúc nhiệt độ giảm tới -8 độ C, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 161 con trâu bò, lợn, dê bị chết vì băng tuyết, giá rét.

Chiều 27/1, trao đổi với PV, ông Lưu Công Hòa - Trưởng phòng chăn nuôi Sở NN và PTNT Nghệ An cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Nghệ An đã thiệt hại gần 300 con trâu, bò, dê sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài hơn 3 ngày vừa qua.

Trong số đó, huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn… là những địa phương có thiệt hại lớn về trâu bò, các loại gia súc, gia cầm và hoa màu.

Theo ông Hòa, từ đầu tháng 10/2015 phía Sở đã có những văn bản hướng dẫn cách phòng tránh đói rét, dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm cho người dân. Tuy nhiên, đợt rét vừa qua đến bất thường kèm theo băng tuyết nên số lượng gia súc, gia cầm cũng thiệt hại rất lớn.

Nhiều huyện miền núi ở Nghệ An bị tuyết phủ trắng xóa trong đợt rét kỷ lục vừa qua.
Nhiều huyện miền núi ở Nghệ An bị tuyết phủ trắng xóa trong đợt rét kỷ lục vừa qua.

Trao đổi với PV vào chiều cùng ngày, ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, tính đến hết ngày 26/1, trên địa bàn huyện đã có 120 con trâu, bò bị chết trong 3 ngày xảy ra rét kỷ lục.

Tuy nhiên, con số thiệt hại này hiện vẫn chưa đầy đủ và có thể lớn hơn.

Theo ông Giáp, trong 3 ngày qua, nhiệt độ trên địa bàn huyện bất ngờ giảm sâu xuống thấp nhất chưa từng có trong hàng chục năm qua. Trong đó có nơi nhiệt độ xuống 0 độ C và xuất hiện tình trạng tuyết rơi, băng giá.

Băng tuyết và giá rét không chỉ gây thiệt hại về vật nuôi cây trồng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân trên địa bàn.

Để phòng tránh và giảm bớt thiệt hại do băng tuyết, giá rét gây ra, nhiều ngày qua phía huyện Quế Phong đã trực tiếp tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách phòng chống rét cho người và đốt lửa sưởi ấm đàn trâu bò, gia súc.


Đợt rét đã khiến gần 300 con trâu bò, dê bị chết, gây thiệt hại lớn cho cuộc sống người dân. (Ảnh: N. D.)

Đợt rét đã khiến gần 300 con trâu bò, dê bị chết, gây thiệt hại lớn cho cuộc sống người dân. (Ảnh: N. D.)

Hiện các địa phương trong huyện vẫn tiếp tục bám cơ sở để hướng dẫn người dân cách phòng tránh rét và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Bên cạnh đó cũng thống kê toàn bộ thiệt hại để có hướng hỗ trợ giúp người dân vực lại sau đợt rét kỷ lục này.

Trong khi đó, tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, đợt rét kỷ lục vừa qua nhiệt độ giảm sâu, có lúc đến -8 độ C khiến người dân quay cuồng với cái giá lạnh.

Đợt rét kỷ lục kéo dài hơn 2 ngày qua đã khiến 27 con trâu, bò chết trên địa bàn toàn huyện. Không những thế, nhiều diện tích rau màu cũng bị thiệt hại do băng tuyết phủ.

Băng tuyết mấy ngày qua cũng làm sạt lở núi, đoạn đường qua cổng trời Mường Lống vào UBND xã bị đất đá vùi lấp khiến phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Hiện chính quyền địa phương vẫn đang thống kê thiệt hại của người dân sau đợt rét để xin ý kiến hỗ trợ”, ông Và Nỏ Vừ - Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn) chia sẻ.


Người dân bọc ni lông tránh rét cho lúa mạ.(Ảnh: Cảnh Huệ).

Người dân bọc ni lông tránh rét cho lúa mạ.(Ảnh: Cảnh Huệ).

Tại huyện Tương Dương (Nghệ An), để chủ động phòng tránh rét cho đàn trâu bò, gia súc, huyện đã thành lập 4 đoàn công tác với gần 20 người xuống địa bàn cơ sở để hướng dẫn người dân.

Đến thời điểm này ở huyện Tương Dương đã có 10 con dê, 2 con bê và 2 con lợn bị chết do trời quá rét. Do người dân có thói quen chăn nuôi trâu bò trong rừng sâu nên khi rét đột ngột đã không kịp phòng tránh cho vật nuôi, gây thiệt hại lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại