Đám cưới, đám hỏi phải làm đơn xin phép xã

NGỌC THÂN |

Mỗi khi làm đám cưới, đám hỏi… người dân phải làm đơn xin phép, được công an xã đóng dấu đồng ý.

Những người dân ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu khi tổ chức đám cưới, đám hỏi… cho con thì phải có đơn xin phép chính quyền địa phương. Mẫu đơn có sẵn ở UBND xã.

Người dân điền thông tin, ngày tháng năm có tổ chức tiệc, mời bao nhiêu khách, đặt bao nhiêu bàn, thủ tục tổ chức như thế nào, cam đoan trong suốt bữa tiệc không có chuyện đáng tiếc xảy ra rồi đi xin ý kiến của trưởng ấp, chữ ký và con dấu của trưởng công an xã.

Đơn này phải được trưởng ấp chấp nhận, phía công an xã đóng dấu đồng ý và phải hoàn tất trước bữa tiệc ít nhất 3-4 ngày.

Bị ướt đơn phải đi làm lại

Nhà ông VTT (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) cách ủy ban xã 30 km. Mỗi khi đến ủy ban xã làm giấy tờ và các thủ tục hành chính ông chỉ biết di chuyển bằng ghe. Việc di chuyển rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Hai ông bà có tất cả tám người con (bốn trai, bốn gái). Lần nào các con đi lấy vợ, lấy chồng, vợ chồng ông đều phải đi làm đơn xin phép xã, từ đám hỏi, lễ vu quy hay lễ thành hôn.

Một lần chỉ còn năm ngày nữa là đến đám cưới con trai mà chưa có đơn xin làm đám cưới dán trước cửa nhà, gia đình ông rất lo lắng.

Nhờ người viết tờ đơn xong, ông chạy xin chữ ký của trưởng ấp rồi đánh ghe lên ủy ban đưa trưởng công an ký và đóng dấu nhưng hôm đó vị này đi công tác.

Phải đánh ghe quay về thì gặp trời mưa, tờ đơn bị ướt, nhòe mực, phải làm lại tờ đơn rồi dán trước cửa nhà trong đám cưới con trai.

Ông T. chia sẻ việc làm đơn dù gia đình thấy rất rắc rối, phiền toái nhưng ông phải tuân theo, bởi khi tổ chức tiệc nếu có làm đơn xin phép, khi có chuyện gì còn nhờ chính quyền can thiệp.

Nếu không có đơn xin phép thì khi có chuyện gì xảy ra tại đám cưới, gia đình phải chịu trách nhiệm.

Một lần luật sư Lâm Quang Quý, Đoàn Luật sư TP.HCM, cùng một thẩm phán xuống Bạc Liêu ăn đám cưới một người bạn. Vừa đến nơi thấy trước cửa nhà chú rể dán một tờ giấy (ngay trung tâm bữa tiệc).

“Lúc đầu tôi nghĩ nhà chú rể có người làm việc ở ủy ban. Đến gần thì thấy dòng chữ: “Đơn xin làm đám cưới”, có chữ ký, con dấu của trưởng công an xã.

Hỏi mấy người xung quanh ai cũng nói đó là thủ tục bắt buộc của người dân địa phương. Tôi thấy lạ, sao lại có một quy định không giống ai như vậy?”.


Được quy định từ trên xuống

Được quy định từ trên xuống

Ông Nguyễn Văn Dự, Trưởng Công an xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, cho biết việc làm đám cưới, đám hỏi phải làm đơn xin phép chính quyền địa phương là để người dân ý thức được việc bảo vệ an ninh tại nơi ở, nhất là trong những khi gia đình có tiệc.

Khi nhà có tiệc, nhiều người đến chung vui trong tiệc rượu dễ có nhiều xích mích. Vì thế, khi tổ chức tiệc, người dân phải báo cho chính quyền để tiện theo dõi. Nếu có xô xát đánh nhau phía công an còn can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, tờ đơn cũng là bằng chứng để chính quyền địa phương theo dõi được việc nam nữ kết hôn có đủ tuổi hay chưa để cho tổ chức đám cưới. Hơn nữa, nó cũng là minh chứng để hai vợ chồng mới cưới đi làm thủ tục đăng ký kết hôn dễ hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Giáp, Chánh Văn phòng UBND huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, việc đám cưới, đám hỏi phải làm đơn xin phép ủy ban là điều đương nhiên, hầu như người dân nào cũng làm đúng theo quy định.

“Quy định này được thực hiện khắp tỉnh Bạc Liêu. Nó có từ xưa đến nay. Gia đình tổ chức tiệc đông người thì phải xin phép. Nếu nội dung xin phép không đúng theo quy định thì không được chấp nhận” - ông Giáp nói.

Ông TRẦN MINH HUẤN, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu:

Giúp dân bớt hoang phí khi tổ chức tiệc

Hiện nay ở nông thôn không ưa nhau tiếng gà gáy, chó sủa thì cũng có chuyện.

Trong tiệc đám cưới cũng thế, có những trường hợp rất đáng buồn, bên này bên kia rầy rà, đánh nhau, nếu chính quyền không biết thì không can thiệp kịp được sẽ ảnh hưởng cho người dân.

Cũng do hiện nay có nhiều phản ảnh về những buổi tiệc, nhất là tiệc đám cưới ở các địa phương là thiếu lành mạnh vì phô diễn âm thanh, ánh sáng, ca múa, tiệc tùng rình rang…

Vì thế, việc làm đơn xin phép là đảm bảo lợi ích cho người dân, bớt hoang phí khi tổ chức tiệc.

Nếu người dân làm tiệc mà không báo cho chính quyền thì sẽ bị nhắc nhở chứ không xử phạt. Trong một bữa tiệc vui của người ta mà mình đi xử phạt là không nên.

____________________________________

Khi đám cưới, đám hỏi người dân phải làm đơn xin phép chính quyền địa phương tại tỉnh Bạc Liêu không nằm trong một văn bản nào của pháp luật.

Nó là một thủ tục gây phiền cho dân, tăng việc cho chính quyền khi mà họ còn quá nhiều việc phải làm.

Luật sư LÂM QUANG QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại