Ngày 15/10, Báo điện tử Trí Thức Trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến quốc tế "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bài học lòng dân". Có hàng trăm câu hỏi bạn đọc gửi về cho ông Võ Đại Hàm, người đang lưu giữ ngôi nhà của Đại tướng ở quê nhà. Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn:
- Thưa ông Võ Đại Hàm, ông có thể kể lại kỷ niệm sâu sắc nhất về Đại tướng và cây khế của người? Phan Việt Hằng - Thanh Hóa.
- Chúng tôi được nghe kể rằng, ở góc nhà cụ có một cây khế. Cây khế này có từ lúc ông sinh ra, là nơi gắn bó với các trò chơi đánh đáo, chơi bi, chơi khăng…rồi cụ thường xuyên mang sách ra đây đọc, học dưới gốc khế.
Khi được cụ Giáp giao nhiệm vụ trông coi ngôi nhà, tôi mới biết, cây khế đối với cụ Giáp rất quan trọng, là nơi ghi dấu thời thơ ấu của cụ. Tôi có trọng trách giữ gìn làm sao cây khế, ngôi nhà còn mãi mãi vì đó là dấu ấn của tuổi thơ của cụ, cũng là kỷ vật duy nhất gắn liền với Đại tướng từ nhỏ.
Khi sức khoẻ của cụ yếu, không về thăm quê được nhưng cụ vẫn thường gọi điện về hỏi thăm nhà mình thế nào, dân mình ra sao khi trời mưa bão. Câu mà tôi không quên được là: “Cây khế mình vẫn tốt chứ?”.
Ngôi nhà này vẫn lưu giữ hình bóng của Đại tướng!
- Điều gì ở Đại tướng khiến ông yêu mến nhất? Vũ Hoàng, Hà Tĩnh.
- Đại tướng đối với nhân dân, chiến sỹ, đó là một vị tướng nhân văn.
Đối với gia đình, điều ghi đậm trong lòng tôi nhất là hình ảnh một người cụ, người ông, người cha rất đỗi yêu thương của cả gia đình. Cụ quan tâm đến hết thảy mọi người trong gia đình từ những việc rất nhỏ như ăn mặc, sinh hoạt đi lại.
Tôi là người giữ nhà cho Đại tướng đã lâu, nhiều dịp tiếp xúc với cụ thì cảm thấy sự nhân văn của cụ tăng thêm sức mạnh cho mình. Trong những lúc khó khăn chỉ cần nghĩ đến Đại tướng, tôi cảm thấy sức mạnh của mình tăng lên rất lớn và có thể hoàn thành các nhiệm vụ.
Tâm niệm sâu sắc của bản thân tôi đối với cụ, cụ đã trùm lên tất cả cuộc sống của con cháu một lòng nhân ái đồng thời đó là hướng để con cháu đi theo con đường mà cụ đã chọn, không hổ thẹn với tấm lòng cao cả của cụ.
- Khoảnh khắc đưa linh cữu Đại tướng xuống lòng đất mẹ, cảm xúc của ông thế nào? Nguyễn An Khánh - Đông Anh - Hà Nội.
- Ngồi trên xe tang từ nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông về Đồng Hới. Rồi từ Đồng Hới đi Vũng Chùa, tôi thấy hai bên đường chỗ nào cũng có người dân, chỗ nào cũng có di ảnh của Đại tướng. Họ tự nguyện đứng hai bên đường để tiễn biệt Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Là một người con, một người cháu của Đại tướng, tôi đã tưởng tượng ra sẽ có những cảnh tượng như thế nhưng không thể ngờ được sự nhiệt tâm và đông đảo của người dân với ông tôi đến thế. Tôi nghĩ rằng Đại tướng đã vì dân nên được dân luôn yêu mến. Việc này đã thức tỉnh mỗi chúng ta lời dạy của Bác Hồ: có dân là có tất cả, không có dân thì không làm được gì.
Lúc sinh thời, Đại tướng hết sức gắn bó với quê hương. Mỗi năm ông đau đáu nỗi niềm được về sống với đất mẹ. Đến khi mất, tâm niệm của Đại tướng là về Quảng Bình và được sự nhất trí của Bộ Chính trị thì Đại tướng đã về Quảng Bình. Khung cảnh đưa Đại tướng đến nơi an nghỉ cuối cùng như một biển người như thế ai cũng muốn nhìn thấy khoảnh khắc cuối cùng của Đại tướng trên mặt đất nhưng do điều kiện nên chỉ một số người toại nguyện. Điều đó thể hiện tấm lòng của nhân dân hết sức tràn đầy và chân thành, muốn Đại tướng về với quê hương. Lúc đó, cảm xúc của tôi khó tả lắm. Lúc đó tôi không cầm được nước mắt, vừa thương tiếc vị Đại tướng nhưng cũng vừa tự hào, ngưỡng mộ về người ông của mình. (Ông Hàm khóc)
- Là người được giao trọng trách trông coi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ấn tượng nhất với kỷ vật nào của người? Jennifer Ngo Y Lan - Nữ 29 tuổi - Việt kiều tại Mỹ.
Ông Võ Đại Hàm (70 tuổi), cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông.
- Trong khu nhà lưu niệm của Đại tướng hầu như không còn một kỷ vật nào vì đã bị Thực dân Pháp đốt từ năm 1947. Nhưng trong khuôn viên còn một kỷ vật gắn bó với Đại tướng là cây khế hơn 100 năm tuổi.
Trong suốt thời kì chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Việt Nam không chỉ sẵn sàng nhập ngũ, chiến đấu giành độc lập mà còn luôn đồng lòng, nhất trí, ủng hộ quân đội Việt Nam và người anh cả của Quân đội - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo ông, điều gì ở Đại tướng đã khiến người nhận được sự ủng hộ và yêu mến của người dân tới vậy? Vũ Văn Huynh - Hà Nội
Đến bây giờ, tất cả mọi người đều có một nhận thức thống nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đại tướng của nhân dân. Từ lúc ông chưa là Đại tướng cho đến khi làm Đại tướng ông luôn quan tâm đến mọi người, cùng chia sẻ với chiến sỹ những đau buồn, no đói có nhau nên ông đã gây dựng được trong lòng dân cho nên những kế hoạch và phương châm của ông đều được ủng hộ nhiệt tình, hết sức hết lòng để thực hiện được ý đồ chiến lược của ông.
Ông không những là một Võ tướng mà ông còn là một người hết sức nhân văn và chính sự nhân văn ấy đã thu hút mọi người đến với ông. Và ông đã tập hợp được những người cùng chí hướng với ông, dưới sự lãnh đạo của ông làm tròn sứ mệnh cách mạng.
- Thưa ông Hàm, Đại tướng là người không bao giờ mưu cầu bất cứ lợi ích gì chi cá nhân, gia đình, các con... Ông có thể chia sẻ về điều này? Lê Thị Thanh Hải - Giáo viên.
- Đại tướng là một con người suốt đời đi theo Bác Hồ và vinh dự theo Bác Hồ lâu nhất. Trong gia đình, đối với con cháu, tôi nhớ lần cụ về quê khi ngồi ăn cơm họ hàng, cụ nói: “Ngày xưa người ta nói một người làm quan, cả họ được nhờ, giờ tôi làm quan mà bà con không được nhờ gì. Bà con làm cái gì đúng pháp luật, nhà nước cho phép, chứ không phải tôi như thế này mà làm điều không hay”.
Các gia đình trong dòng họ của Đại tướng đều là người có công với cách mạng, nhưng cụ dặn dò: “Nhà nước mình còn nghèo, mình phải làm giàu như thế nào cho tốt”.
Có lần, tôi nghe người dân Lệ Thuỷ nói, ở Mỹ Đức (Sơn Thuỷ) xây dựng nhà thờ nhưng thiếu đất và nhờ cụ Giáp. Nhưng cụ nói: “Nói về đất đai là tôi không can thiệp được, Nhà nước cho đất như thế nào thì làm thế ấy, cho làm chỗ nào thì làm chỗ ấy. Còn để làm nhà thờ, bản thân tôi cũng như gia đình tôi đóng góp theo quy định của dòng họ”.
Những câu chuyện mà tôi nghe được cho thấy Đại tướng lúc nào cũng nghĩ đến mọi người, con cháu, họ hàng nhưng không có chuyện chạy quyền chạy thế.
- Thưa ông, khi Đại tướng còn sống, lời răn dạy nào của Đại tướng khiến ông nhớ mãi cho tới bây giờ? Lê Mạnh Hùng - Quốc Oai - Hà Tây.
- Đại tướng không chỉ có tầm nhìn chiến lược trong quân đội mà trong gia đình, cụ có tầm nhìn xa. Tôi nhớ như in lời cụ dặn tôi: “Cháu giữ nhà cho ông, tất cả mọi thông tin về gia đình, về ngôi nhà cháu cần thông tin cho ông. Cháu phải đọc sách, đọc tài liệu, trên thông tin đại chúng rồi trả lời”.
Lời căn dặn đơn giản nhưng hết sức sâu sắc. Khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm nhà cụ, trước lúc chia tay nói: “Trách nhiệm quá lớn, nhà của ông anh nhưng anh đang giữ báu vật của Quốc gia”.
Từ đó tôi cảm thấy rằng trách nhiệm của mình lớn quá! Hàng ngày tôi cũng cố gắng phấn đấu để đáp ứng mong mỏi của khách thập phương đến thăm ngôi nhà của Đại tướng.
Xem chi tiết buổi giao lưu trực tuyến quốc tế tại đây.