"Đại tướng là người chiến binh thật sự cuối cùng của Việt Nam"

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Ông Ciro Gargiulo, bác sỹ người Ý đang làm việc tại Việt Nam, cho biết: Người dân Ý luôn coi "Đại tướng là người chiến binh thật sự cuối cùng của VN".

“Tôi học được tinh thần trong sạch của Đại tướng”

Là một người Ý nhưng ông Ciro Gargiulo, Chủ tịch phòng khám đa khoa quốc tế Bắc Ái lại là một người rất tôn sùng vị anh hùng của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Ciro đã sưu tập rất nhiều sách và các tài liệu liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông ngưỡng mộ Đại tướng tới mức: ở đâu hay đi tới bất kỳ địa điểm nào, cứ thấy ảnh, sách, di vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp,… ngay lập tức ông không ngần ngại bỏ tiền ra mua.

Ông Ciro tâm sự: “Tôi rất ấn tượng với chiến thắng Điện Biên Phủ và tôi rất ngưỡng mộ Đại tướng. Đặc biệt là tinh thần chiến đấu dũng cảm vì nhân dân, vì đất nước của ông… Tôi nghĩ: Sở dĩ ông Giáp được dân quý, dân yêu, dân tin, khiến lòng dân đoàn kết được như vậy là do cách sống giản dị và chân thật của ông”.

Vị Chủ tịch phòng khám đa khoa quốc tế Bắc Ái này cũng cho biết: Ở đất nước của ông, người Ý luôn luôn nói “Đại tướng là người chiến binh thật sự cuối cùng của Việt Nam”. Những phẩm chất đạo đức của Đại tướng đã ảnh hưởng tới suy nghĩ, cách sống của không ít người Ý. “Như tôi, tôi học được tinh thần trong sạch của Đại tướng” – ông Ciro nói.

Người Ý:

Tôi nghĩ: Sở dĩ ông Giáp được dân quý, dân yêu, dân tin, khiến lòng dân đoàn kết được như vậy là do cách sống giản dị và chân thật của ông” - bác sỹ người Ý Ciro Gargiulo.

Ngoài ra, soi vào tấm gương của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp, ông Ciro còn ngộ ra một điều rằng: “Người nhỏ cũng có thể trở thành vĩ nhân”.

Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông Ciro đang ở nước Ý. “Tôi rất buồn và thương tiếc khi xem tivi bên Ý đưa tin về sự ra đi của Đại tướng. Tôi rất xúc động khi chứng kiến cảnh hàng triệu người dân Việt Nam và quốc tế xếp hàng dài dưới nắng nóng hoặc đội mưa đến viếng đông đúc như vậy. Vì tôi vừa rời Việt Nam cho chuyến công tác nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc Gia Italia, nếu không tôi nhất định sẽ đến đưa tiễn Đại tướng ở Hà Nội” – ông Ciro tâm sự.

Dù không trực tiếp hòa vào dòng người vào viếng Đại tướng nhưng bằng tất cả lòng thành kính của mình, ông Ciro đã ủy thác cho cô Nguyễn Thị Thu (Giám đốc đối ngoại của phòng khám đa khoa quốc tế Bắc Ái, cũng là người có 3 đời thân thiết với gia đình Đại tướng) bắt chuyến bay sớm nhất từ Sài Gòn ra Hà Nội để viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ Quốc gia.

Lưu giữ tấm hình “Đại tướng nằm viện” như báu vật

Tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), vừa đưa cho chúng tôi xem bức ảnh chụp Đại tướng đang nằm trên giường bệnh cách đây 4 – 5 năm – bức ảnh mà cô lưu giữ, trân trọng, coi như kỷ niệm cuối cùng khi được gặp Đại tướng, cô Nguyễn Thị Thu rân rấn nước mắt: “Tôi nhớ bác lắm”.

Cô nghẹn ngào kể, ông nội của cô là em họ của cụ Giáp. Ngày giải phóng, cụ Giáp đã gửi một bức thiệp chúc Tết cho gia đình cô. Đối với cô, có quá nhiều kỷ niệm về vị Đại tướng thân yêu của dân tộc.

Người Ý:

Bức ảnh cuối chụp Đại tướng khi nằm viện luôn được cô Thu lưu giữ như báu vật.

“Tôi có những tấm hình chụp sinh nhật bác năm 90 tuổi mà ông tôi, bố mẹ tôi đã để lại. Trong máy điện thoại cá nhân của tôi cũng vẫn lưu giữ bức hình kỷ niệm khi Đại tướng đang nằm dưỡng bệnh ở bệnh viện 108. Hồi đó là cách đây 4 – 5 năm, nhân chuyến công tác ra Hà Nội, nghe tin bác ốm, tôi đã đến thăm. Khi ấy, bác đã yếu và mọi người xung quanh cứ nghĩ có lẽ là bác không thể qua khỏi. Tuy nhiên, sau đó, Bác đã thọ thêm 4 – 5 năm nữa và đến ngày 4/10/2013, người đã nằm xuống. Tôi luôn tâm niệm và nói với bà tôi rằng: Khi nào bác mất thì con về” – Cô Thu chia sẻ.

Giữ trọn lời hứa với vị anh hùng dân tộc quá cố mà cô coi như người ông, người cha, người bác kính yêu của gia đình mình, cô Thu đã tới Nhà tang lễ Quốc gia thắp hương, để tang tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Tôi vẫn nhớ như in những lời nói ân cần của người. Khi ông cử người vào tìm gia đình chúng tôi ngay sau ngày giải phóng, gặp ông, ông đã vuốt tóc chúng tôi mà bảo: “Các cháu cứ để yên mái tóc nguyên thủy như này đẹp hơn, đừng có đứa nào cắt tóc cái dài, cái ngắn”. Tôi cũng nhớ khi tôi và bác tôi ở Lào Cai ra, ông nhẹ nhàng nói: “Nhà có thêm khách, chỉ thêm mắm, thêm muối thôi”. Rất đời thường như vậy” – Cô Thu bồi hồi nhớ lại ký ức về vị tướng kiệt xuất, thiên tài của dân tộc Việt Nam.

Trực tiếp hòa vào dòng người dài như bất tận để vào thăm viếng các, cô Thu không khỏi xúc động bày tỏ: “Tôi không thể tưởng tượng được dòng người đổ về viếng bác lại đông đến như thế. Nó giúp tôi có lòng tin hơn vào tương lai của đất nước. Tôi hi vọng, sau này, Việt Nam sẽ lại có nhiều những tấm gương vĩ đại như vậy!”.

Người Ý:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình cô Thu (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Người Ý:

“Nhà có thêm khách, chỉ thêm mắm, thêm muối thôi” - Đại tướng rất đời thường như vậy!

Người Ý:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc nào cũng giản dị, gần gũi với các cán bộ, nhân dân.(Ảnh do nhân vật cung cấp).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại