Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về những chuyện lùm xùm xung quanh dự án đường Trường Chinh bị bẻ cong né nhà quan chức. Trước những ý kiến gay gắt của dư luận, chiều 8/4, trong cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã trần tình về vấn đề này.
Theo đó, ông Dương Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, thực chất đường Trường Chinh không đến mức “Cong như ghi-đông xe đạp” như báo chí phản ánh, mà đó chỉ là “một đường cong mềm mại”.
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thì quá trình lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường là "hoàn toàn phù hợp với quy định". Phương án chỉ giới đường đỏ xác định phạm vi mở đường Trường Chinh đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 19/2008/QD-UBND ngày 31/3/2008 là thống nhất phù hợp với các đồ án Quy hoạch chi tiết của khu vực đã được UBND Thành phố phê duyệt, phù hợp với quá trình quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng trong nhiều năm.
“Việc thực hiện đầu tư xây dựng đường Vành đai II (đường Trường Chinh) theo hồ sơ chỉ giới đường đỏ đã được UBND Thành phố phê duyệt là phương án đảm bảo hài hòa các lợi ích về sử dụng đất an ninh quốc phòng, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân và vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường.” – Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định.
Trước thông tin này, nhiều người dân vẫn tỏ ra vô cùng bức xúc và cho biết, lý giải như lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc là hoàn toàn không thỏa đáng.
Đại tá Nguyễn Tâm Trinh:Tôi ức phát khóc vì “đường cong mềm mại".
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Tâm Trinh - nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Rada – Quân chủng PK-KQ (hiện là tổ trưởng tổ 40, phường Khương Thượng Đống Đa, Hà Nội) là người có nhà nằm trong diện bị thu hồi để giải phóng mặt bằng tỏ thái độ rất bức xúc về “đường cong mềm mại” của đường Trường Chinh hiện nay.
Đại tá Trinh từng là cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia bộ đội từ trước năm 1945, trải qua cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cả chiến tranh biên giới.
Đến năm 1987, ông được nhà nước cấp cho ngôi nhà số 10 ngõ 150 Trường Chinh để ở. Sau đó, ông đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để mua căn nhà theo quy định của nhà nước và làm đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhớ lại thời điểm được nhận nhà, ông trầm ngâm: “Khi tôi nhận nhà, Tư lệnh Phòng không – Trung tướng Trần Nhẫn còn nói là “nhà nước giao đất cho bác, bác được ở đây ổn định, lâu dài, an cư lạc nghiệp. Nếu có mở đường thì sẽ mở về phía nam, đất của quân chủng, không lấy đất của cán bộ, bộ đội bên này. Cho đến nay đã gần 30 năm tôi gắn bó với ngôi nhà nơi đây. Đối với tôi, nó không chỉ là nơi sinh sống, mà còn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm không thể nào quên. Gần 90 tuổi đời, tôi cứ nghĩ sẽ được tận hưởng những ngày còn lại trong ngôi nhà thân yêu, vậy mà có lẽ sắp tới đây sẽ chẳng biết sẽ phải đi về đâu”.
Đường Trường Chinh có thực sự chỉ là một đường cong mềm mại như Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định?
Liên quan đến việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng đường Trường Chinh cong mềm mại, đại tá Nguyễn Tâm Trinh bức xúc: “Như thế nào mà gọi là mềm mại? Con đường đang thẳng bỗng bẻ quặt vào 15m mà gọi là mềm mại sao? Vì cái mềm mại đó mà nhiều người khổ sở, bức xúc lắm. Còn chuyện các ông cho rằng việc bẻ cong con đường là vì nhân dân, để tiết kiệm chi phí thì là điều hoàn toàn vô lý”.
“Thậm chí giờ đây, cứ nghĩ đến chuyện con đường đang thẳng bỗng bị bẻ cong, lại còn “cong mềm mại”, tôi rất uất ức. Thật không thể chấp nhận nổi việc họ bẻ cong con đường một cách trắng trợn như thế. Hàng đêm, cứ nghĩ đến chuyện này là tôi lại khóc. Khóc vì uất ức, và khóc vì thấy thật bất công. Trải qua bao cuộc kháng chiến ác liệt, tôi chưa bao giờ run sợ trước quân thù, thế nhưng giờ đây, tôi lại phải khóc vì sự bất công trên chính đất nước của mình” – đại tá Trinh tâm sự.
Về việc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, con đường đang thẳng được làm cong sẽ tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng. Ông Trinh phản bác: "Nếu theo quy hoạch ban đầu thì TP Hà Nội chỉ phải bồi thường cho diện tích 6m tính từ mép đường cho người dân. Nhưng nay, nếu mở rộng về phía Bắc theo đường cong mềm mại của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thì ít nhất có 26 ngôi nhà phải phá bỏ hoàn toàn, mỗi căn nhà có diện tích cũng phải 100m2 và Nhà nước phải đền bù toàn bộ diện tích thu hồi đó. Như vậy, tôi không hiểu Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nói sẽ tiết kiệm được gần 300 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng nếu làm cong con đường là ở đâu ?".
Trên bản vẽ, đường Trường Chinh thẳng chứ không hề "cong bất thường" như con đường sau quy hoạch.
Đồng quân điểm đó, ông Nguyễn Quang Minh - Nguyên Vụ phó Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, nếu bẻ cong con đường thì chuyện tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi, theo bản đồ quy hoạch chi tiết dự án thì phía bắc đường Trường Chinh có 461 hộ dân và 10 cơ quan, phía nam có 188 hộ và 12 cơ quan, trong đó đất của Quân chủng Phòng không - Không quân chiếm gần 2/3. Tính trung bình mỗi hộ dân giải tỏa, nhà nước phải trả tối thiểu 3 tỷ đồng (giá đất hiện tại ở đường Trường Chinh được tính từ 35-40 triệu đồng/m2), nhưng nếu mở rộng về phía nam và làm theo thiết kế ban đầu (đường thẳng) thì sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ bức đồng.
Trước những bức xúc ấy, nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Rada – Quân chủng PK – KQ cũng cho biết, ông đã gửi đi khoảng 30 lá đơn để kiến nghị về vấn đề này trong suốt hơn 1 năm qua nhưng cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời thỏa đáng nào từ phía các cơ quan chức năng.