Từ ngày 23-25/5, tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ và những binh phu đã từng ra bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.
Đây là sự kiện để các tăng ni, phật tử cùng với người dân cả nước tri ân các binh phu Hoàng Sa, hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc và gửi đi thông điệp với thế giới về lịch sử chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Đại Đức Thích Tâm Đức, Chủ trì chùa Vĩnh Ân, Trưởng Ban tổ chức đại lễ, cho biết: Lễ cầu siêu nhằm tưởng nhớ đến bậc tiền nhân công đức của huyện đảo, đồng thời cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ và binh phu Hải đội Hoàng Sa cũng như bách tánh chư hưng linh.
Đây là một sự tri ân, thể hiện lòng thành kính của người dân Việt Nam đối với những người đã xả thân cho nền độc lập, tự do của đất nước cũng như những vị binh phu Hoàng Sa đã ra cắm mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã ra Lý Sơn để dự đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ và binh phu Hải đội Hoàng Sa. Nhiều du khách ra dự lễ để thể hiện tấm lòng yêu nước của công dân đối với Tổ quốc, nhất là trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Chiều 23/5, nghi lễ rước linh thần các vị anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc và các hùng binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã được tổ chức trang nghiêm.
Các vị chức sắc Phật giáo cùng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đã tham gia lễ rước và chẩn tế các linh thần có công với Tổ quốc tại đình làng An Vĩnh.
Từ sáng sớm 24 /5 , tại đình làng An Vĩnh tiếp tục diễn ra các nghi lễ như lễ khai kinh, lễ phóng sinh, lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập dân tộc.
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động để du khách thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã có công cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc từ hơn 300 trăm năm trước.