Đại ca giang hồ gác kiếm trả nợ rừng

Sau thời gian tung hoành ngang dọc, nhiều lần vào tù ra khám, trở về nhà thấy ánh mắt đau đáu cùng lời trăng trối của cha, "Lương Lốc" lặng lẽ thay đổi. Anh quyết trồng rừng, phủ xanh đất trống như tâm nguyện của bố.

Sinh ra trong gia đình 5 anh em ở xã nghèo Đồng Thành (Yên Thành, Nghệ An), từ nhỏ Phan Trọng Lương đã trở thành anh cả của nhóm bạn cùng trang lứa. Lương đánh nhau đến bung đầu mẻ trán vì đám trẻ làng bên dám chọc giận trẻ làng mình. Nhiều lần anh bị nhà trường kỷ luật vì bỏ học đi đánh nhau.

Trước khi trở thành ông chủ rừng cây và vườn chim rộng lớn, Phan Trọng Lương từng là đại ca giang hồ có tiếng. Ảnh: N.K.

Học đến lớp 7, nhà nghèo nên Lương phải nghỉ học. Năm 1995, khi mới 20 tuổi, vì xích mích nhỏ trong lúc đi chơi, Phan Trọng Lương đánh một thanh niên nhập viện và phải bóc lịch 9 tháng vì tội Cố ý gây thương tích. Năm 1997, Lương lại gây ra 3 vụ chém nhau, tiếp tục 3 lần ngồi tù.

Sau 4 lần vào tù ra khám, tên tuổi của Lương nổi như cồn trong giới giang hồ vùng Diễn - Yên - Quỳnh của Nghệ An. Nghe tên "Lương Lốc" là nhiều người phải kinh sợ. Dưới trướng có rất nhiều đàn em, Lương sẵn sàng đâm chém bất kỳ ai nếu "thấy ngứa mắt". Chuyện Lương bị bắt rồi ngồi nhà giam xảy ra thường xuyên.

Cuộc đời giang hồ của đại ca "Lương Lốc" bỗng thay đổi từ năm 2007. Đợt đó, đang nhậu cùng đám đệ tử thì nghe tin ông Thọ, bố Lương ốm nặng, khó qua khỏi. Tức tốc chạy về nhà, mọi người nhìn Lương im lặng, chỉ có ông Thọ vừa nhìn Lương vừa trăng trối về cuộc đời làm kinh tế mới và ước mơ làm giàu từ 120 ha rừng mà ông đã dành cả cuộc đời để nuôi trồng.

Cảm nhận được ánh mắt vừa giận hờn, vừa hy vọng của bố, Lương nắm chặt tay ông mà không biết nói gì...

Dưới bàn tay của anh Lương, vùng đồi hoang nước bạc ngày nào giờ là cơ ngơi hàng chục tỷ đồng. Ảnh: N.K.

Sau đám tang bố, người thân bắt đầu thấy Lương thay đổi. Thay vì tụ tập đám đàn em bù khú, mỗi sáng thức dậy, Lương cầm rạ lên rừng, đi theo dấu chân của bố để phát quang, tỉa cành. Vừa làm, anh vừa nhớ lại ngày xưa khi cậu bé Lương mới 10 tuổi loắt choắt theo bố lên rừng. Trưa mệt, hai bố con ăn cơm vắt, ngủ dưới tán rừng.

Thầm hứa sẽ quyết tâm đổi đời, tiếp tục giấc mơ trồng rừng còn dang dở của bố, Lương từ bỏ đám đệ tử, từ bỏ cuộc sống giang hồ để dựng lều trên rừng, phát quang từng vạt đồi trọc, mua giống cây về ươm trồng. Lương làm việc không ngưng nghỉ như để quên đi quá khứ và làm yên lòng những người thân đang nghi ngờ sự phục thiện của anh.

Không chỉ trồng rừng, Lương còn nhận thầu bảo vệ toàn bộ vùng đập Vệ Vừng nơi có con dốc Hủng Trăn ngày xưa Lương và bố từng trở thành nhân vật trong bút ký " Gió từ phía Hủng Trăn" của nhà văn Nguyễn Xuân Phầu.

Đập Vệ Vừng rộng hàng trăm ha, chứa gần 20 triệu khối nước, có nhiệm vụ điều hòa không khí và cung cấp nước cho vùng đất lúa Yên Thành. Khi thấy đập không người quản lý, luôn bị xâm phạm, các đảo trọc lốc, Lương đã xin UBND huyện nhận thầu bảo vệ, trồng rừng và thả cá để giữ đập nước.

"Lúc đó, nhiều cán bộ huyện biết quá khứ của tôi nên tỏ vẻ ngại ngần. Phải mất thời gian thuyết phục tôi mới được nhận thầu", Phan Trọng Lương tâm sự.

Nhờ sự chăm chỉ của đại ca giang hồ năm nào, những quả đồi nhanh chóng được phủ xanh bằng các loại cây như keo, bạch đàn, dẻ, gió trầm. Hiện nay, Lương có 100 ha rừng dẻ thu hoạch hạt mỗi vụ 50-60 triệu đồng, hàng chục con bò nuôi thả trên rừng, nuôi cá dưới đập mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng, chưa tính đến hàng chục ha rừng gió trầm, rừng nguyên liệu. Vợ chồng anh còn tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân với mức lương 3-4 triệu đồng một tháng.

"Nhiều người nhẩm tính tài sản vợ chồng tôi nếu bán đi cũng có mấy chục tỷ đồng nhưng đó là tiền ở trên rừng, dưới nước và là mồ hôi, nước mắt của cả gia đình trong mấy chục năm liền. Cái đó chắc không đo được bằng tiền", anh Lương tâm sự.

Chập tối, hàng chục nghìn con cò bay về đậu kín các đảo nhỏ giữa đập nước. Ảnh: T.V.

Trời chập tối, khi anh Lương kéo xong mẻ lưới thì từ phía xa vang lên âm thanh xào xạc. Trong chốc lát, hàng chục nghìn cò trắng bay về đậu kín hòn đảo giữa hồ. Ánh mắt anh như sáng rực. Viễn cảnh biến đập Vệ Vừng thành khu sinh thái, các đảo nhỏ là nơi chim trú ngụ, dưới tán rừng là đàn trâu bò gặm cỏ... ngày nào giờ đã thành hiện thực.

"Từ khi tôi giữ đập Vệ Vừng, các loại chim bắt đầu bay đến trú ngụ rất nhiều như cò trắng, cói, vạc, diệc mốc, le le, cu ngói. Cứ 6h sáng chúng bay đi kiếm ăn, khoảng 17h chiều lại bay về trú ngụ. Đàn chim trời là thành quả lớn nhất mà không tiền bạc nào mua được", anh Lương tự hào khoe.

Để có được đàn chim ấy, anh Lương và công nhân đã phải ăn gió, nằm sương để canh từng giấc ngủ cho chim. Nhiều đêm đang ngủ bỗng nghe đàn cò nháo nhác, anh bật dậy kiểm tra vì sợ trộm bắn cò. Nhiều hôm rét cắt da cắt thịt, anh vẫn phải dong ca nô ra đảo mật phục và bắt giữ kẻ săn chim. Mùa này, ông chủ đang lo đàn chim thiếu thức ăn, bị khô chân, gầy rộc.

"Với chúng tôi, rừng và đàn chim này là máu thịt, là thành quả của những ngày gian khó vươn lên. Rừng giúp tôi trả được món nợ với cuộc đời, với người thân và quan trọng nhất là thực hiện được ước mơ phủ xanh vùng đất mà hơn 40 năm trước bố tôi từng hăm hở bỏ làng quê lên vùng kinh tế mới để trồng rừng", dứt lời, anh Lương lặng nhìn về phía dốc Hủng Trăn và ngắm nhìn những chú cò trắng lạc đàn đang cố gắng bay về đảo nổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại