Thưa ông, có một bài viết trên blog khá nhiều người xem nói rằng, hồi học Đại học, ông cố tình ở lại năm thứ 3 để tránh phải đi bộ đội trong lúc cả nước đang tổng động viên vì bọn bành trướng xâm lược ở biên giới phía Bắc? Điều này có thật không?
Ồ, nói thật với anh, nếu giai đoạn đó tôi có đăng ký xung phong đi bộ đội thì cũng chẳng được vì tôi lúc ấy rất ốm yếu, mắt bị cận nặng, quân đội không bao giờ chấp nhận được thể trạng và mắt kém như thế!
Tôi học Đại học khóa đầu tiên sau ngày giải phóng. Lúc đó, có 2 khóa đầu nhập lại thành một lớp đầu tiên. Hoàn cảnh ngày mới giải phóng là thời điểm giao thời nên chưa được bài bản bình thường đâu. Rất nhiều trường hợp phải học trộn chung như tôi chứ không phải chỉ mình tôi.
Việc nói tôi cố tình để tránh đi bộ đội là suy diễn, bịa đặt đấy. Tôi còn giữ học bạ mà.
Cũng trong bài viết nói trên, tác giả còn nói thêm nữa rằng, trong kỳ thi tốt nghiệp Đại học, ông bị rớt một môn chính. Ông đã đến nhà cô giáo "xin" điểm.
Xin không được, ông đã dọa tự tử tại nhà khiến cô giáo hoảng hồn hoảng vía, phải gọi điện lên phường và trường, công an và bạn học phải đến "lôi" ông về?
À, chuyện này thì tôi có nghe rồi. Hồi năm 2011, trong một kỳ họp Quốc hội, anh Đặng Thành Tâm mở xem báo mạng trên điện thoại, đọc thấy bài đó, liền đưa tôi xem.
Sau đó tôi đã có viết bài về cô giáo của tôi tên Trương Tuyết Anh trên blog. Cô rất quý tôi và đã có những nhận xét rất tốt trong học bạ của tôi khi tốt nghiệp. Tôi sẽ gửi cho anh xem bảng điểm học và nhận xét của nhà trường về tôi ở Đại học.
Tôi đã bị đe dọa, vu cáo như thế nhiều lắm.
Có những chuyện ông đã làm khiến nhiều người ngạc nhiên, thán phục nhưng ngược lại, có không ít người bảo anh là... không bình thường!
Trước hết là việc anh viết thư xung phong làm quân sư cho cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein bày kế liên hoành để ngăn chặn Mỹ và liên quân tấn công. Đầu đuôi chuyện này là thế nào? Sao ông lại lấy tên là Lăng Tần để gửi thư cho ông Saddam Husein?
Tôi là người tu theo Phật, thường hay đọc kinh. Trong kinh Lăng Nghiêm có dịch từ chữ Phạn, có con chim ngậm xâu chuỗi bay là là theo Đức Phật tên là Ca Lăng Tần Già. Tôi lấy 2 chữ giữa là Lăng Tần làm bút hiệu, muốn thể hiện cái tâm hướng thượng theo Phật và những gì tốt đẹp của thế gian.
Nếu trường hợp bãi miễn xảy ra, tôi sẽ luôn chứng minh tôi luôn là công dân tốt, gương mẫu. Ảnh: Tá Lâm
Tôi dùng bút hiệu Lăng Tần Hoàng Hữu Phước viết thư cho Saddam Husein hiến kế liên hoành với mục đích tránh chiến tranh. Giờ tôi vẫn còn giữ các hóa đơn của bưu điện tiền gửi thư qua Iraq cho tổng thống Saddam.
Theo đó, tôi đề nghị Saddam cử tôi làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền để đi công du ở các nước, tạo thế chân vạc liên hoành giữ cho Mỹ không thể gây chiến tranh, giữ hòa bình thế giới. Điều đó không chỉ có lợi cho nhân dân Iraq mà còn có lợi cho chính nước Mỹ, Việt Nam ta và thế giới...
Tổng thống Saddam Hussein có phúc đáp lại không? Đại sứ Iraq tại Việt Nam có liên lạc trao đổi gì về lá thư đó?
Không!
Còn người Mỹ?
Không! Chẳng ai nói gì với tôi cả vì thư tôi gửi được một tháng thì chiến tranh đã nổ ra. Liên quân Mỹ - Anh nhanh chóng đánh bại quân đội của Saddam Husein. Ông ta bị bắt và bị treo cổ. Âu cũng là mệnh trời!
Ông làm việc này thực sự nghiêm túc, đã có suy nghĩ chín chắn chưa?
Rất nghiêm túc, rất chín chắn! Lúc ấy tôi là công dân bình thường nhưng có điều kiện để thực hiện nếu được ông Saddam Husein đồng ý.
Mục đích rất rõ, góp phần ngăn cản chiến tranh. Điều đó có lợi cho thế giới, cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tiếc rằng, chiến tranh diễn ra quá nhanh.
Hình như hồi còn sinh viên, ông đã từng có việc làm "khác người", như viết thư cho TBT Đảng Cộng sản Mỹ?
Chẳng có gì khác người đâu, tôi viết thư cho Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mỹ với mục đích tìm hiểu của người Cộng sản ở đất nước tư bản như Mỹ. Thư gửi đi, 3 tháng sau tôi nhận được thư trả lời của ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Mỹ. Họ rất lịch sự, đàng hoàng.
Trở lại vấn đề đang nổi đình nổi đám hiện nay, qua báo chí, được biết ông Dương Trung Quốc đã chấp nhận lời xin lỗi của ông. Tuy nhiên, dư luận và cử tri có vẻ chưa thực sự hài lòng. Ông có muốn nói thêm điều gì?
Tôi là người Việt và luôn đối xử với những người quanh tôi bằng tình tương thân, tương trợ, thông cảm, hiểu biết, nâng đỡ, động viên. Những khi họ phạm lỗi, tôi phải tự đặt câu hỏi cho chính mình là liệu mình có đang "bao che" hay không.
Chính vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu dư luận và cử tri nhận xét con người phạm lỗi quanh họ cũng với sự hiểu biết, cảm thông, và nâng đỡ, v.v. trên tinh thần Việt như thế.
Các luật lệ được đặt ra là do con người không hoàn hảo lý tưởng một cách tuyệt đối. Chuyện ngụ ngôn khi vua Solomon bảo chỉ những người nào tuyệt hảo không tì vết mới được ném đá xử tử người phạm lỗi luôn là nội dung được nhắc đến và hầu như người tốt và người tốt hơn là nằm trong đa số nhân loại.
Mỗi việc đều có một thang điểm đánh giá riêng hay cách xử lý riêng. Có người phạm tội mà dư luận muốn án nặng nhất nhưng luật pháp không thể áp dụng do người đó ở tuổi vị thành niên.
Tôi có niềm tin rằng dư luận công chính và cử tri công tâm nước Việt mong muốn điều lớn lao nhất là Đại biểu Quốc hội phải có đủ tài để xây dựng đất nước hùng cường.
Việc một đại biểu thóa mạ một đại biểu khác sẽ chịu sự chế tài của các quy định hiện hành ngoài việc chủ động giải quyết ổn thỏa với đại biểu bị thóa mạ. Tôi cho rằng đó là cách xử lý vụ việc theo hướng tích cực.
Ông có dự kiến tình huống xấu nhất xảy ra (ví dụ như bị bãi miễn...). Nếu xảy ra thì ông sẽ như thế nào?
Tôi luôn tôn trọng luật pháp quốc gia. (Điều này không có nghĩa tôi chưa bao giờ bị phạt vi phạm luật giao thông đường bộ).
Thượng tôn luật pháp là tính văn minh của một công dân yêu nước, nghĩa là cố gắng tuân thủ luật pháp trong việc tránh vi phạm và trong việc chấp hành các xử lý. Tuân thủ luật đi đường nghĩa là khi vi phạm không được gây sự với công an viên làm rối loạn trật tự nơi công cộng.
Nếu trường hợp bãi miễn xảy ra, tôi sẽ luôn chứng minh tôi luôn là công dân tốt, gương mẫu, qua việc dù trước khi vào Quốc hội, trong thời gian ở Quốc hội, và trong thời gian trở về đời sống dân sự tôi sẽ luôn nói về, viết về lòng yêu nước, lòng tin vào Đảng Cộng Sản, và sự tôn trọng Nhà nước và Chính phủ, cũng như không ngừng đóng góp ý kiến xây dựng cho Đảng và Nhà Nước, điều mà tôi đã luôn thực hiện từ lúc còn là một giáo viên trẻ.
Như vậy, việc nghiêm túc chấp hành quyết định của quốc hội cũng chính là dịp nêu gương của người đại biểu Quốc hội.