Đại biểu "bắt bệnh" thu không đủ chi vẫn xây công trình ngàn tỷ

Hoàng Đan |

Đại biểu Bùi Đức Thụ nhìn nhận, thực tế, một số tỉnh vẫn phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, nhưng đầu tư vào các trụ sở, công trình như tượng đài, quảng trường quá lớn.

Bệnh "ngàn tỷ"

Trong khi vấn đề nợ công đang rất đáng lo ngại thì hàng loạt các công trình ngàn tỷ, trăm tỷ vẫn đang được các tỉnh "xin" Chính phủ cho phép thực hiện.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (Đại biểu QH đoàn Lai Châu).

PV: Thưa ông, vừa qua, Chính phủ vừa trình Quốc hội Báo cáo về tình kinh tế- xã hội năm 2015. Qua đây cho thấy tình hình nợ công đang là vấn đề lo ngại.

Tuy nhiên, hàng loạt các tỉnh đua nhau xin xây những công trình nghìn tỷ như quảng trường, mới đây Nghệ An, Khánh Hòa xin xây Trung tâm hành chính hay mới đây nhất Cần Thơ xin 188 tỷ để xây tượng đài thanh niên xung phong.

Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Bùi Đức Thụ: Phải nói rằng trong bối cảnh kinh tế xã hội và ngân sách trong những năm gần đây, kể cả trong vài năm tới, tôi cho rằng cân đối ngân sách là hết sức khó khăn.

Nợ công của chúng ta đang cao. Đến cuối năm 2015, nợ công đã lên đến 61,3% GDP, cuối năm 2016, dự kiến lên đến 63,2% GDP, ngấp nghé với trần cho phép là 65% GDP.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, cần phải thực thi chính sách tài khóa thắt chặt, tăng cường kỷ luật tài chính, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết, chưa thật cấp bách, những khoản chi kém hiệu quả.

Những khoản chi về khánh tiết lễ hội, xây dụng trụ sở, mua sắm xe công để kiểm soát chi ở mức độ cho phép. Đó là vấn đề cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, có một số tỉnh xây dựng trụ sở mà tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo quy định ngân sách, giao cho các tỉnh quản lý, sử dụng, phân bổ nguồn ngân sách của mình.

Vì vậy, tôi đề nghị trong bối cảnh chung cảu đất nước như vậy cần phải cân nhắc, rà soát, các danh mục đầu tư, quyết định đầu tư một cách hợp lý, phù hợp với tính hình chung.

Không nên đầu tư những cái chưa cần thiết ảnh hưởng đến an ninh tài chính Quốc gia, đến việc gia tăng nợ công của đất nước.

PV: Thưa ông, qua đối chiếu tình hình thu chi ngân sách mà các tỉnh công bố, nhiều tỉnh “mong muốn xây trụ sở nghìn tỷ” lại có một thực tế thu không đủ bù chi?

Ông Bùi Đức Thụ: Có một số tỉnh vẫn phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, nhưng đầu tư vào các trụ sở, công trình như tượng đài, quảng trường quá lớn, tôi cho đó là không hợp lý.

Vấn đề đặt ra, Chính phủ cần phải có hướng dẫn và có quản lý đối với nguồn ngân sách địa phương đã phân cấp nhưng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Trên tinh thần phải triệt để tiết kiệm, dám giảm nhưng khoản chi không cần thiết, để từng bước làm lành mạnh hóa nền tài chính công.

Giải pháp nào?

PV: Vậy theo ông, cần phải có biện pháp như thế nào đề “kéo giãn” tình trạng các tỉnh đua nhau xây dựng trụ sở hàng ghìn tỉ, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: Theo quy định của Luật quản lý đầu tư công, việc quyết định đầu tư phải có nguồn đảm bảo, như chỉ thị 1792 cũng được đưa vào trong lĩnh vực đầu tư công. Quy trình thẩm tra, quyết định, triển khai dự án đã rất rõ.

Tôi cho rằng, hơn lúc nào hết, các bộ ngành, các địa phương, các cơ sở, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm các quy định quản lý nợ công, cũng như luật ngân sách nhà nước, các luật khác có liên quan. cách chắn tình trạng đầu tư xa hoa sẽ được ngăn chặn.

PV: Thưa ông, có ý kiến lại ủng hộ việc này, cho rằng việc đưa các trụ sở về một khu sẽ dễ dàng cho sự phát triển của địa phương, ông nghĩ sao?

Ông Bùi Đức Thụ: Theo tôi việc đầu tư một trụ sở hành chính để gom các cơ quan, có địa điểm tiếp công dân, một cửa, để giải quyết các vấn đề là tốt.

Tuy nhiên, phải cân nhắc thời điểm nào, quy mô nào cần phải tính toán phải cân nhắc, phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công.

Phải đảm bào quản lý sử dụng hiệu quả, theo đúng tiêu chuẩn, định mức mà được Bộ Tài chính quy định...

PV: Một số tỉnh còn lấy lý do sẽ bán tài sản công là những trụ sở cũ để bù vào xây dựng, ông đánh giá vấn đề này thế nào?

Ông Bùi Đức Thụ: Một dự án được khởi công phải đảm bảo đủ nguồn vốn trong quá trình xây dựng, theo Luật đầu tư công. Đây mới chỉ là có thể, kể cả cân đối được nguồn vốn cũng phải xem xét tính cấp bách của vấn đề.

Hiện tại có nhiều địa phương, nhu cầu đầu tư hạ tầng tương đối lớn. Nhu cầu xây dựng công trình hạ tầng, xóa đói giảm nghèo cũng rất cấp bách.

Cần phải có lộ trình cho phù hợp, những cái chưa thực cấp bách, liên quan đến ốn định đời sống của bà con nông dân. Đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo vẫn còn chậm thì điều đó chưa phải là hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

 
Đại biểu lê nam (thanh hóa)
Vừa qua Chính phủ đã cho làm nhiều tượng đài và quảng trường rất hoành tráng, tốn kém, nay đang còn dự kiến làm thêm. Trong khi ngân sách ngày càng khó, còn nhiều người thất học, người nghèo, còn thiếu tiền để làm nhà cho các gia đình chính sách. Chính phủ cần báo cáo việc này với Quốc hội và sớm chấn chỉnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại