Đa số không đồng ý đổi Pháp lệnh CSCĐ thành Pháp lệnh cảnh sát vũ trang

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Đa số ý kiến không đồng ý Tờ trình của Chính phủ đề nghị thay đổi tên gọi của dự án “Pháp lệnh cảnh sát cơ động” thành “Pháp lệnh cảnh sát vũ trang”.

Ngày 15/7/2013, Chính phủ đã có Tờ trình số 257/TTr-CP về dự án Pháp lệnh cảnh sát cơ động trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý, Tờ trình này viết: “Theo Nghị quyết số 07/2011/QH13 ngày 06/8/2011 của Quốc hội khoá XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 thì tên gọi của dự án Pháp lệnh này là "Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động".

Đội hình CSCĐ chuẩn bị cho một buổi đồng diễn võ thuật
Đội hình CSCĐ chuẩn bị cho một buổi đồng diễn võ thuật

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Pháp lệnh, Chính phủ nhận thấy, tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” chỉ phản ánh được một phương thức hoạt động và một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của lực lượng này. Bởi vì, trong cơ cấu tổ chức hiện nay của lực lượng Cảnh sát cơ động bao gồm Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm và các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác.

Do vậy, để bảo đảm tính khái quát và phù hợp với tính chất hoạt động cũng như tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát vũ trang, đồng thời thể hiện chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là trực tiếp tiến hành biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tham khảo tên gọi và mô hình tổ chức Cảnh sát vũ trang của nhiều nước, Chính phủ đề nghị thay tên gọi dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” cho phù hợp”.

Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra "Dự án Pháp lệnh Cảnh sát cơ động", Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ngày 9/8/2013 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho biết: “Đa số ý kiến không đồng ý Tờ trình của Chính phủ đề nghị thay đổi tên gọi của Dự án Pháp lệnh vì một số lý do”.

Theo Uỷ ban này, vũ trang là tính chất hoạt động được xác định cho 3 lực lượng gồm quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ trong đó công an nhân dân gồm lực lượng an ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân. Nếu sử dụng tên gọi Cảnh sát vũ trang sẽ dẫn đến cách hiểu không thống nhất về lực lượng vũ trang, và cho rằng các lực lượng cảnh sát khác trong Công an nhân dân là phi vũ trang.

Lý do thứ hai được Uỷ ban này đưa ra là: dùng tên gọi “Cảnh sát vũ trang” chưa thể hiện đầy đủ tính chất, phương thức hoạt động, biện pháp công tác của lực lượng, chưa phải là tiêu chí để phân biệt lực lượng này với lực lượng khác trong Công an nhân dân, vì thực tế hoạt động, không chỉ lực lượng này mà lực lượng khác cũng sử dụng biện pháp vũ trang trong khi thi hành công vụ. Mặt khác, tên gọi Cảnh sát cơ động đã được sử dụng phổ biến và được quy định trong nhiều văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Lý do cuối cùng được đưa ra là tên gọi Cảnh sát vũ trang mang tính nhạy cảm, không có lợi trong vấn đề đối nội và đối ngoại, khi lực lượng này được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ việc mà đối tượng trực tiếp đấu tranh lại là người dân vi phạm pháp luật trong đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đồng thời, việc giải quyết, xử lý của lực lượng này có liên quan nhiều đến quyền cơ bản của công dân.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến nhất trí việc đổi tên. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu và đề nghị đổi tên: “Pháp lệnh cảnh sát dã chiến”, “Pháp lệnh lực lượng tác chiến cơ động”, “Pháp lệnh cảnh sát bảo vệ và cơ động”.

Qua thảo luận, đa số ý kiến của UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội  đề nghị giữ nguyên tên gọi như Nghị quyết của Quốc hội đã xác định là “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại