Đà Nẵng vận động dân không cho tiền, quà người xin ăn

"Để đợt ra quân đạt hiệu quả, trước hết từng cơ quan, đơn vị cần vận động cán bộ, nhân viên và người dân không cho tiền, quà cho người xin ăn, không mua bán hàng rong ở những nơi quy định cấm".

Chiều 2/7, trong ngày đầu tiên ra quân ngăn chặn, xử lý tình trạng ăn xin biến tướng, lang thang đánh giày, bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách, các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã phát hiện 45 trường hợp vi phạm.

Đây là các trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, sử dụng người khuyết tật để bán hàng, bán kẹo cao su có biểu hiện xin ăn… Các tổ công tác đã ghi tên, chụp ảnh và cho làm cam kết buộc trở về địa phương. Trong đó đã tiến hành đưa 1 cá nhân ăn xin biến tướng vào trung tâm bảo trợ xã hội. Đồng thời thu hồi tang vật của 2 người bán hàng rong dùng loa phóng thanh gây tiếng ồn.

Đà Nẵng vận động dân không cho tiền, quà người xin ăn
Các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý một đối tượng bán hàng rong không đúng nơi quy định trên đường du lịch Hoàng Sa chạy dọc ven biển.

Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho hay, trong đợt này các địa phương đồng loạt ra quân mở đợt cao điểm tuyên truyền và tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý những người vi phạm trên các tuyến đường du lịch ven biển như Hoàng Sa, Trường Sa, hai tuyến đường Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng chạy dọc hai bờ Đông - Tây sông Hàn và các tuyến đường trọng điểm khác như Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành, Phạm Hồng Thái, 2/9, 3/2, Trần Phú, Lê Duẩn…

Mỗi quận, huyện, xã, phường đều cử 1 tổ gồm đội quy tắc đô thị, công an, lao động, thương binh-xã hội cùng tham gia xử lý. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cử 30 cán bộ xuống phối hợp với các cơ sở; thành Đoàn Đà Nẵng cử 20 cán bộ, đoàn viên tham gia phối hợp với các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà kiểm tra, theo dõi, phát hiện để thông tin cho các lực lượng chức năng. Công an thành phố cũng cử 4 cán bộ chiến sĩ tham gia cùng tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn và tâm thần phân liệt của thành phố.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục vận động các cơ sở tôn giáo, kinh doanh dịch vụ, khu danh lam thắng cảnh, bệnh viện… lắp đặt biển cấm xin ăn, bán hàng rong, lang thang đánh giày, bán sách báo, vé số dạo và chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với các trường hợp trẻ em, người khuyết tật nặng, người cao tuổi không còn thân nhân có đủ điều kiện theo quy định thì lập hồ sơ đưa vào nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

"Để đợt ra quân đạt hiệu quả, trước hết từng cơ quan, đơn vị cần vận động cán bộ, nhân viên và người dân không cho tiền, quà cho người xin ăn, không mua bán hàng rong ở những nơi quy định cấm. Khi phát hiện có đối tượng xin ăn, xin ăn biến tượng, bán hàng rong, lang thang đánh giày ở các khu vực cấm thì phải báo ngay cho cơ quan công an, UBND xã, phường, hoặc điện thoại đến đường dây nóng số 0511.3550550; 0903.550.770 để xử lý" - ông Nguyễn Hùng Hiệp nói.

Ông cũng cho rằng để tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm thực hiện có kết quả chủ trương ngăn chặn, xử lý tình trạng xin ăn biến tướng, lang thang đánh giày, bán hàng rong , đeo bám, chèo kéo khách trên địa bàn TP, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp xã hội, nhằm tạo điều cho đối tượng này được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản học nghề, hỗ trợ vốn tạo việc làm, hỗ trợ phương tiện làm ăn….

Được biết, đợt ra quân cao điểm ngăn chặn, xử lý tình trạng ăn xin biến tướng, lang thang đánh giày, bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách trên địa bàn Đà Nẵng sẽ được thực hiện từ nay đến ngày 10/7. Sau đó các địa phương sẽ tiếp tục duy trì việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, không để tái diễn nạn ăn xin biến tướng như trong thời gian qua.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại