Công việc chính của các công chức này trong đám tang được phân công cụ thể là tiếp nước, lau chùi ly chén, dọn vệ sinh… tại đám tang. Thuở còn đương chức, vị cán bộ lãnh đạo hưu trí này được anh chị em CBCC yêu quý vì tác phong gần gũi và có năng lực công tác...
Tuy vậy, việc điều động hành chính hơn 60 cán bộ, công chức của Văn phòng UBND thành phố lần lượt phục vụ đám tang một cá nhân, bỏ bê công vụ cũng đã gây bức xúc ngay trong chính bản thân các CBCC được phân công; đồng thời ảnh hưởng đến công việc điều hành chung, tiếp dân của chính quyền thành phố trong các ngày này.
Sáng nay (18/06), PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Chánh, Phó Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng - ông Nguyễn Văn Cán và ông Mai Tài về thông tin nói trên.
Theo đại diện Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trong thực tế, tuy số lượng cán bộ công chức (CBCC) phục vụ lễ tang có số lượng nói trên, nhưng mỗi buổi chỉ có 5-6 người tham gia và Văn phòng UB cũng đã có chủ ý điều hầu hết là CBCC khối phục vụ hậu cần nội bộ để không ảnh hưởng đến công vụ hoặc ách tắc công tác tiếp dân.
Ông Cán cho biết thêm, việc điều người phục vụ tại đám tang đối với các cán bộ lãnh đạo (đương chức cũng như hưu trí) là trong quy chế, vả lại đây là vấn đề nghĩa tử, nghĩa tận nên thường với những lễ tang như vậy, văn phòng vẫn cử người phục vụ, đặc biệt đối với trường hợp nói trên, gia đình khá neo đơn. Ngoài ra, ông Mai Tài cũng thừa nhận, lẽ ra xuất phát từ quy chế và tấm lòng yêu quý đạo đức và năng lực người lãnh đạo cũ, lãnh đạo văn phòng có thể động viên, cắt cử nhân viên văn phòng đến giúp việc tang gia, tuy vậy việc ban hành bảng phân công mang tính hành chính như vậy chưa chuẩn và gây ra dư luận không thuận.
Qua cuộc trao đổi, Văn phòng UBND TP đề nghị báo Lao Động chia sẻ thông tin thêm để bạn đọc hiểu đầy đủ sự kiện. Về vấn đề này, trên trang điện tử Lao Động và một số trang tin điện tử khác, bạn đọc cũng đã bình luận theo hai hướng khác nhau. Trong đó, có ý kiến ủng hộ việc làm tình nghĩa của Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng; đồng thời, cũng nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành một văn bản hành chính cử CBCC phục vụ tại một lễ tang là việc không nên, vì cần phân định rõ ràng giữa tình cảm đối với người lãnh đạo đã khuất với chức trách công vụ của người cán bộ công chức.
Quan điểm của Báo Lao Động hết sức chia sẻ với cách hành xử của lãnh đạo Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng đối với sự kiện nói trên, đặc biệt trong trường hợp này, người quá cố nguyên là một lãnh đạo có lối sống, quá trình cống hiến đáng kính trọng và đóng góp nhiều cho xã hội kể cả sau khi về hưu trí.
Tháng 12.2012, Chính phủ cũng như Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành văn bản pháp quy và quy định về “Tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức”. Nội dung văn bản quy định chi tiết hình thức, nội dung cử hành tang lễ. Tuy vậy, các văn bản này đã không quy định phải cử CBCC trực làm những công việc như Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu đối với cán bộ thuộc quyền của mình, trong trường hợp này.
“Nghĩa tử, nghĩa tận” là phong tục truyền thống tốt đẹp và cần phải được hiểu và hành xử đúng, như cách nhiều người hay nói là thấu tình, đạt lý. Phạm trù lý ở đây là các quy định mang tính pháp quy và bản thân các quy định pháp luật bao giờ cũng đặt trên nền tảng đạo đức, luân lý. Hay nói cách khác, pháp luật đã bao hàm cả cái tình trong đó.
Trong trường hợp này, việc Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cử CBCC phục vụ lễ tang một cán bộ hưu trí, xét về khía cạnh nào đó là một nghĩa cử, có trước có sau. Thế nhưng, không nên tạo tiền lệ trong việc hành chính hóa việc cử CBCC phục vụ trong hoan-hôn, tang-tế lãnh đạo như vài địa phương đã từng thực hiện.