Việc trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng khởi kiện 7 người tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) ra tòa dân sự và thắng kiện, buộc những người vi phạm hợp đồng phải hoàn trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho thành phố được dư luận đồng tình và đánh giá cao.
Bởi lẽ từ lâu việc chảy máu chất xám, câu chuyện người có năng lực ở lại nước ngoài mà không muốn về nước làm việc đã trở thành vấn đề nóng không chỉ của riêng Đà Nẵng mà còn trên phạm vi cả nước.
Nhằm cung cấp thông tin cụ thể và đa chiều về vụ việc, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao và luật sư Nguyễn Doãn Hồng – Đoàn LS TP Đà Nẵng về vấn đề trên.
Luật sư Lê Cao khẳng định việc khởi kiện của trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng là đúng luật.
“Nếu các bên trong giao kết hợp đồng vi phạm thì thành phố Đà Nẵng hoàn toàn có thể khởi kiện để tránh thất thu nguồn ngân sách bởi đây là nguồn tiền do người dân đóng thuế bỏ ra, sự lãng phí cho sai lầm về chính sách hay do các vi phạm của các cá nhân phải được khắc phục”.
Về việc Đà Nẵng đã thắng kiện 7 cá nhân phá vở hợp đồng và toà tuyên các “nhân tài” phải bồi thường thiệt hại, luật sư Lê Cao cho rằng cơ quan quản lý nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi nguồn vốn.
“Tôi rất lo lắng về vấn đề này. Bởi lẽ hiện nay các ứng viên đều đang ở nước ngoài, không có mặt tại Việt Nam.
Nếu họ có tài sản ở Việt Nam thì cơ quan thi hành án có thể kê biên, cưỡng chế để xử lý trong trường hợp bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành.
Trường hợp rủi ro rất lớn nếu các bên thua kiện không tự nguyện thi hành mà họ không có tài sản ở Việt Nam thì việc uyên cầu thi hành án, thực hiện việc ủy thác thu hồi tài sản ở nước ngoài chẳng hạn vô cùng gian nan”.
Mặc dù Đà Nẵng đã thắng kiện 7 cá nhân phá vở hợp đồng theo đề án 922 nhưng theo nhận định của các luật sư thì việc thu hồi nguồn vốn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Doãn Hồng thông tin thêm: “Theo quy định thì khi các ứng viên tham gia đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đều phải ký các cam kết và có sự bảo lãnh từ phía gia đình, người thân.
Trong trường hợp các ứng viên ở nước ngoài thì gia đình phải có trách nhiệm chi trả, bồi thường các khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên theo như thông tin tôi nắm được thì gia đình các ứng viên đều rất khó khăn, việc chi trả một số tiền hàng tỷ đồng dường như nằm ngoài khả năng”.
Luật sư Nguyễn Doãn Hồng cho rằng, việc Đà Nẵng kiện “nhân tài” là sự việc cực chẳng đã.
“Từ năm 2013 đã có nhiều nhân tài bội tín không quay về nước làm việc như cam kết nhưng thành phố chưa khởi kiện, mà vẫn tích cực vận động, tuyên truyền để ứng viên thay đổi suy nghĩ, về nước làm việc.
Tuy nhiên vì nhiều vấn đề mà thành phố đã quyết định khởi kiện các ứng viên.
Tuy có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nguồn vốn, nhưng động thái tích cực này của Đà Nẵng cũng là tiếng chuông cảnh báo cho những ứng viên đang đi du học bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Khi đã ký kết hợp đồng, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ với đơn vị chủ quản”. Luật sư Hồng khẳng định.
Lý giải về nguyên nhân Đà Nẵng dù có nhiều chính sách thu hút nhân tài nhưng nhiều người vẫn vi phạm hợp đồng, ở lại nước ngoài làm việc, luật sư Lê Cao thẳng thắng:
“Đà Nẵng đã nổ lực xây dựng được hạ tầng khá tốt, đường rộng, thành phố thông thoáng, sạch đẹp. Nhưng nếu chỉ như thế thì chưa đủ.
Không tập đoàn kinh tế lớn, không có viện nghiên cứu khoa học lớn; có khu công nghiệp, khu công nghệ cao nhưng không có những dự án lớn.
Để giữ chân được người tài không phải chỉ ở số tiền bỏ ra đào tạo hay hỗ trợ họ cái nhà chung cư để họ ở.
Tôi nghĩ đã là những người tài thực sự, thì ngoài chuyện kinh tế, họ còn khao khát được hỗ trợ môi trường làm việc phù hợp, điều kiện để cống hiến và cơ hội thăng tiến, phát triển bình đẳng”.