Sau khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện các biện pháp chăm sóc khôi phục sức khỏe ban đầu cho cá thể voọc non này và nhanh chóng lập thủ tục chuyển giao cho đơn vị Thảo Cầm viên Sài Gòn để tiếp tục nuôi dưỡng, nhân giống, bảo tồn gene theo quy định của pháp luật.
Đây là cá thể voọc sơ sinh thứ hai (có xuất xứ từ Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa, xã Hòa Bắc, huyện Hoà Vang) được Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng chuyển giao cho Thảo Cầm viên Sài Gòn để cứu hộ (sau cá thể đầu tiên có xuất xứ từ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, trong năm 2010).
Thảo Cầm viên Sài Gòn cho biết đã bố trí một kỹ thuật viên phụ trách chăm sóc voọc với một chế độ đặc biệt.
Đến nay sau 5 năm sinh sống tại Thảo Cầm viên, cá thể voọc thứ nhất bây giờ đã là một cá thể đực trưởng thành, mạnh khỏe và đủ điều kiện để ghép đôi nhân giống trong môi trường nuôi sinh sản có kiểm soát.
Hiện sau 2 tuần được chăm sóc, nuôi dưỡng, cá thể voọc con thứ hai đã được khôi phục sức khỏe và tập tính, thích nghi tốt với môi trường nuôi sinh trưởng bán hoang dã.
Loài voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương. Với bộ lông 5 màu nổi bật, loài này được mệnh danh là "nữ hoàng" trong thế giới các loài linh trưởng.
Hiện nay, tại Đà Nẵng chỉ còn khoảng 300 cá thể - chiếm 80% số lượng cá thể loài này còn tồn tại trên thế giới.
Đây là loài động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo pháp luật của Việt Nam và Công ước Quốc tế CITES.
Mọi vi phạm liên quan đến loài này và các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ khác đều phải truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.