Đà Lạt xác xơ: Tiếc cho “miền đất lạnh”

Giờ đây, con người đang phải gánh chịu những hậu quả từ hành động chặt phá thông. Một Đà Lạt thơ mộng được ví như tiểu Paris đang mất dần bản sắc.

Trận mưa đá chiều 7-5 ở Đà Lạt làm thiệt hại nặng hoa màu của người dân. Ảnh: PHÙ DUNG

Nhiệt độ “nhảy múa”

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, nhiệt độ trung bình năm từ 2003 - 2012 của TP Đà Lạt dao động từ 17,7 - 18,6oC. Trong bảng thống kê nhiệt độ 10 năm này, chúng tôi nhận thấy nhiệt độ trung bình mỗi năm lên - xuống trong khoảng 0,2oC, riêng năm 2004 - 2005, 2009 - 2010 và 2011 - 2012 nhiệt độ trung bình năm chênh nhau 0,4oC.

Điều đáng chú ý là từ năm 2009 đến 2012, nhiệt độ trung bình năm tăng, giảm khá thất thường. Cụ thể, năm 2009, nhiệt độ nằm ở mức 18,2oC, đến năm 2010 tăng lên 18,6oC và sụt xuống 18,1oC trong năm 2011, đến năm 2012 lại nhảy vọt lên 18,5oC. Điều này cho thấy sự tăng giảm thất thường và biên độ dao động của nhiệt độ trung bình giữa các năm ngày càng tăng.

TS Lê Phát Quới, Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐH Quốc gia TPHCM), nhận xét nhiệt độ trung bình năm tăng lên 0,6 độ trong một thập kỷ là con số đáng suy ngẫm (17,9oC năm 2003 và 18,5oC năm 2012).

Theo phân tích của TS Quới, nhiệt độ trung bình năm mà chúng tôi có được là “số liệu tinh”. Nhiệt độ trung bình năm là trung bình cộng của nhiệt độ tại các trạm quan trắc nằm trong TP Đà Lạt, cả nội ô lẫn ngoại ô.

TS Quới cho rằng đối với TP Đà Lạt, nhiệt độ ở ngoại ô sẽ thấp hơn nhiệt độ ở nội ô. Vì vậy, bằng chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp, ông cho rằng số liệu thô về nhiệt độ trung bình năm ở nội ô TP Đà Lạt sẽ cao hơn số liệu Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng công bố. Theo đó, nhiệt độ trung bình năm trong 1 thập kỷ qua ở nội ô TP Đà Lạt có thể tăng khoảng 0,8 - 1oC.

Cùng với những đợt nóng - lạnh bất thường trong những năm qua, trận mưa đá  kèm lốc xoáy vào ngày 7-5 cho thấy sự bất ổn thực sự đối với khí hậu TP Đà Lạt. Ông Trương Tấn Minh (55 tuổi, ngụ đường Trần Quang Khải, phường 8, TP Đà Lạt) cho biết đã nhìn thấy mưa đá nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên trong đời ông chứng kiến trận mưa đá khủng khiếp như vậy.

Đá rơi trắng trời, xé toạc những tấm màng ni lông các khu nhà kính. Đá bị nước mưa cuốn trôi làm nghẽn cả ống thoát nước mưa.  Điều đáng nói là mưa từ chiều 7-5 nhưng đến sáng 8-5 đá vẫn chưa tan hết. Theo thống kê của cơ quan chức năng TP Đà Lạt, chỉ tính riêng trên địa bàn phường 8, lốc xoáy và trận mưa đá này đã đánh sập, làm tốc mái hơn 20 ha nhà kính và làm thiệt hại trên 10 ha rau, hoa với tổng thiệt hại lên đến gần 6 tỉ đồng.

Tiếp đó, chiều 8-5, trên địa bàn TP Đà Lạt lại tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ (từ 13 giờ đến 14 giờ 30 phút) làm ngập lụt cục bộ dọc theo suối Phan Đình Phùng. Nước mưa còn tràn vào hàng chục nhà dân sống tại khu vực đường Hai Bà Trưng, làm thiệt hại nhiều tài sản và vật dụng trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt.

Vừa bị trận mưa đá vùi dập ngày hôm trước thì ngay hôm sau những vườn bắp cải, cải thảo và hành baro đang chờ thu hoạch của nông dân vùng Đa Thiện lại tiếp tục ngập chìm trong nước.

Sương mù ở Đà Lạt đang ngày càng ít ỏi

Còn đâu tiểu Paris…

TP Đà Lạt từng được ví như một tiểu Paris chìm trong sương mù, trong ngàn thông reo và cái lạnh gai gai da thịt. Thế nhưng, nhà nghiên cứu Lê Phỉ, sống ở Đà Lạt từ năm 1954 đến nay, nhận định hiện khí hậu đang nóng dần, mưa nhiều và dai dẳng hơn xưa.

Mất đi sự ôn hòa của khí hậu, mất cả thông và sương, Đà Lạt trước đây như cô gái dậy thì, nay bỗng già nua phong trần như một vũ nữ xế chiều. Là chuyên gia săn ảnh sương mù Đà Lạt, nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK cho rằng sương mù không mất đi mà chỉ “đi tìm sương cũng khó vì lâu lâu mới có”.

Nghệ sĩ MPK kể: Thuở nhỏ, ngồi trong lớp học lúc 7- 8 giờ phải hà hơi vào lòng bàn tay mới cầm bút được. Sáng sớm sương mù giăng kín, đi cách nhau chừng chục mét là không thấy nhau.

Theo nghệ sĩ MPK, sương mù cũng bắt đầu mỏng đi và ít dần từ năm 1993-1994. “Lúc đó, khí hậu Đà Lạt bắt đầu biến đổi, không còn dễ chịu như xưa. Trước đây, người Đà Lạt chỉ cần nhìn hoa nở là biết mùa gì đang đến. Mai anh đào nở báo hiệu Tết tây, hoa đổng thảo báo mùa mưa đến, hoa quỳ nở mang mùa nắng về.

Từ năm 2000 trở đi, hoa muốn nở lúc nào thì nở. Rất nhiều năm, hoa quỳ nở rồi mà trời vẫn còn mưa. Đầu năm nay, mai anh đào lại nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Các mùa bây giờ sai hết” - nghệ sĩ MPK nói.

GS-TS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, tỏ ra tiếc nuối khi thấy nhan sắc Đà Lạt đang tàn phai, nói khác hơn là Đà Lạt đang đánh mất cái mình đang có. Ông cho  rằng TP Đà Lạt đang lớn mạnh nhưng sẽ trở thành như bất kỳ TP nào ở nước ta, không còn đặc trưng riêng. Mất thông, Đà Lạt không còn là phố trong rừng - rừng trong phố nữa.

Nóng đổ mồ hôi

Người dân Đà Lạt thường có chiếc áo lạnh bên mình. Nay nhiều người già, trung niên chỉ mặc vì quán tính, không ít người mặc áo cộc tay, quần soóc.

Một số quán ăn, nhà hàng còn trang bị quạt máy, máy lạnh để chống nóng cho khách. Ngày trước, hầu như ít ai gọi thức uống có đá thì nay việc này đã trở thành phổ biến.

Trong những ngày qua, nhiều du khách đến TP Đà Lạt cho biết dù chỉ mặc áo thun, khoác thêm áo vest mỏng, đi bộ một vòng quanh khu chợ Hòa Bình lúc 7 - 8 giờ cũng đổ mồ hôi!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại