Đã khởi tố 17 doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh trái phép

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - Đó là các doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa qua biên giới Campuchia trái phép…

Con số 17 doanh nghiệp đã bị khởi tố được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn làm ví dụ về việc xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận hoàn thuế trong phần phát biểu của mình về nguyên nhân thâm hụt ngân sách năm 2013 và việc gian lận hoàn thuế, trốn thuế tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 2/10.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng các nguyên nhân gây ra hụt thu ngân sách 2013 chính là do dự toán năm 2013 xây dựng cao so với khả năng thực hiện… và thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: Đức Thanh/baodautu.vn)
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: Đức Thanh/baodautu.vn)

Ngoài ra, còn có các lý do như tăng trưởng kinh tế thì tuy có cao hơn năm 2012 nhưng chưa đạt kế hoạch và thể chế chính sách về thu ngân sách còn có chỗ chưa chặt chẽ cộng với việc quản lý điều hành cũng có lúc chưa hiệu quả cho nên một số đối tượng đã lợi dụng, gian lận và trốn lậu thuế.

Về nợ đọng thuế và giải pháp xử lý, Bộ trưởng Dũng cho hay thực tế số nợ đọng thuế vẫn cao. Nguyên nhân của việc này là hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn dẫn đến một số doanh nghiệp không chấp hành nghiêm nghĩa vụ nộp thuế, một số còn nợ thuế nhưng đã chết, mất tích, phá sản, chưa làm đầy đủ các thủ tục theo quy định nên chưa có đủ cơ sở xem xét xóa nợ thuế.

Ngoài ra còn do cơ chế chính sách và công tác quản lý thu thời gian vừa qua còn có điểm chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số đối tượng cố tình chiếm dụng tiền thuế của nhà nước.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết: “Từ năm 2007 – 2012, đã phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu để tiến hành điều tra, xử lý 14.097 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thuế và đã xử lý hình sự là 218 vụ”.

Về vấn đề nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và phương án xử lý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã chỉ ra 3 nguyên nhân. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng hàng tồn kho còn cao.

Và để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã đưa ra các biện pháp. Đó là việc hoàn thiện về mặt pháp luật với việc vừa qua Chính phủ đã trình với Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

Thêm nữa, Chính phủ đã có nghị quyết rà soát sửa đổi quy định về điều kiện in ấn, sử dụng hóa đơn theo hướng bổ sung các điều kiện được phép sử dụng hóa đơn tự in, tăng cường công tác quản lý ghi chép hóa đơn.

Cuối cùng là hoàn chỉnh cơ chế chính sách, tiếp tục tăng cường quản lý công tác hoàn thuế giá trị gia tăng như rà soát, phân loại các doanh nghiệp rủi ro cao về thuế, doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm sản, hải sản, sử dụng hóa đơn ngoại tỉnh để tập trung kiểm tra, đẩy mạnh việc đối chiếu chéo hóa đơn của các doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền các địa phương, các cơ quan trung ương, đặc biệt là cơ quan công an, cảnh sát điều tra, an ninh điều tra để điều tra, khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận hoàn thuế.

Ông Dũng đưa ra ví dụ: “Từ tháng 6 đến 30/10/2013 đã thực hiện 85 cuộc thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tại Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đã xử lý, truy thu, truy hoàn được 180 tỷ đồng, chuyển 32 hồ sơ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an, đến nay cơ quan công an đã khởi tố 17 doanh nghiệp, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm.

Trong đó có một số vụ việc lớn nổi cộm như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Lộc ở Đồng Nai liên quan đến buôn bán cà phê, nông sản, Công ty Hà Vũ Phát, Công ty Trường Phát Lộc, Công ty Tân Kim Lợi, v.v... ở An Giang có dấu hiệu hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa qua biên giới Campuchia trái phép”...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại