Cựu thí sinh Olympia bị tố nói xấu trường: Hiệu trưởng lên tiếng

Mai Quốc Ấn |

“Anh Đăng nằm trong diện quy hoạch Phó hiệu trưởng nhưng anh ấy đã xin ra khỏi quy hoạch, xin ra khỏi Đảng và bây giờ là vụ việc thế này. Chúng tôi thực sự tiếc...”

Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ Dương Thái Công đã chia sẻ về vụ việc ông Doãn Minh Đăng, một giáo viên của trường (cựu thí sinh đường lên đỉnh Olympia), đã tố cáo ông và trường lên mạng xã hội những ngày qua.


Hiệu trưởng Dương Thái Công

Hiệu trưởng Dương Thái Công

Đến cả mẹ Đăng cũng không thuyết phục được Đăng

Thưa ông, ông Doãn Minh Đăng đã đưa thông tin về mâu thuẫn giữa ông Đăng và ông - hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ - Kỹ thuật Cần Thơ. Ông ứng xử thế nào trước thông tin này?

Sự việc anh Đăng đưa thông tin lên Facebook rộng rãi về nhà trường là một vấn đề nghiêm trọng và đáng tiếc. Tôi nghĩ không phải mâu thuẫn gì mà là các vấn đề của anh Đăng trong công tác quản lý cán bộ.

Tôi và ban giám hiệu thống nhất sẽ có một cuộc họp báo để làm rõ trắng đen vấn đề này và phải xin phép UBND thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo thành ủy, Sở Thông tin truyền thông Cần Thơ.

Khi ấy, tôi mong muốn mời anh Đăng và các đơn vị liên quan như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Thanh tra thành phố Cần Thơ,... đến để cùng lắng nghe và tìm hiểu sự việc cho đúng bản chất.

Ông Doãn Minh Đăng trong đánh giá của ông như thế nào, thưa ông?

Trước đây tôi công tác tại Đại học Cần Thơ, làm trưởng khoa Công nghệ. Đến 2010, Thành ủy và Đại học Cần Thơ thống nhất chuyển tôi qua để xây dựng trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ mà tiền thân là trường Đại học tại chức Cần Thơ.

Từ khi anh Đăng về trường, tôi thấy anh ấy là một cán bộ nhiệt tình, có năng lực khi cùng xây dựng cho khoa, cho trường và luôn đảm bảo kế hoạch về thời gian.

Trước đây, anh Đăng được thành phố cho đi học theo đề án Cần Thơ 150, Mekong 1000 và sau đó được học bổng Hà Lan.

Trường đã đề xuất ủy ban thành phố Cần Thơ tạo điều kiện cho anh Đăng học cao hơn nữa và đến 2012, anh Đăng về trường công tác đến nay.

Ban Giám hiệu đã có họp quy hoạch và thành lập các khoa thì đề bạt anh Đăng là phó khoa Điện- Điện tử- Viễn thông kiêm nhiệm trưởng bộ môn Tự động hóa (do trưởng khoa phải là tiến sĩ).

Vì anh Đăng còn trẻ và thiếu kinh nghiệm nên chúng tôi nhờ ĐH Bách Khoa chi viện trưởng khoa Điện - Điện tử - Viễn Thông là anh Trần Hoàng Lĩnh.

Tôi và anh Nguyễn Văn Ấu (hiệu phó trường) khi anh ấy còn là bí thư trường đã quy hoạch anh Đăng làm hiệu phó trường.

Chị Sắc, mẹ anh Đăng là cán bộ quản lý chức vụ phó giám đốc của Trung tâm Đại học tại chức, là tiền thân trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ hiện nay, nên chúng tôi rất quan tâm bồi dưỡng để phát triển anh Đăng.

Cuối năm 2014, không biết có tư tưởng ra sao mà anh Đăng đưa đơn xin ra khỏi quy hoạch ban giám hiệu.

Đây là quy hoạch mà Đảng ủy trường phải xin phép thành ủy nên chúng tôi đã nhiều lần thuyết phục anh Đăng suy nghĩ lại nhưng anh ấy vẫn dứt khoát xin ra khỏi quy hoạch.

Vì vậy, chúng tôi phải gửi văn bản xin báo cáo Ban tổ chức Thành ủy về vấn đề này.

Sau đó là một chuyển biến lớn nữa khi anh Đăng xin ra khỏi Đảng vào đầu năm 2015.

Đây là trường hợp đặc biệt vì anh Đăng là Đảng viên được kết nạp khi đang du học tại Hà Lan và là một cán bộ được đánh giá cao để quy hoạch làm cán bộ quản lý.

Mẹ của anh Đăng đã nhờ tôi để thuyết phục Đăng rút lại quyết định nhưng anh Đăng vẫn nhất quyết phải ra khỏi Đảng. Anh Đăng trả lời anh ấy là nhà khoa học, muốn làm chuyên môn thôi.

Tôi lấy làm đáng tiếc khi anh Đăng rời bỏ những cơ hội lớn của mình. Nhưng tôi nghĩ dù ai có tài đến đâu cũng nên khiêm tốn thay vì thể hiện cái tôi quá lớn.

Ở Việt Nam, dù một nhà khoa học giỏi, chân chính cũng chưa ai tự cho mình là một nhà khoa học hàng đầu nhưng tôi có cảm giác anh Đăng coi mình cao quá nên dẫn đến những góc nhìn, những ứng xử khác đi.

Ứng xử khác đi? Xin ông nói rõ thêm được không ạ?

Anh Đăng có những phát biểu và cách làm không giống một cán bộ bình thường. Tôi nghĩ anh ấy có vấn đề về tâm lý và nên kiểm tra, điều trị để nhà trường không mất một Đảng viên, không mất một cán bộ, không mất một nhà khoa học.

Khi đọc nhiều mail của Đăng tôi cảm thấy vấn đề tâm lý bất thường khi có những ngôn từ thiếu tôn trọng đồng nghiệp, lãnh đạo.

Ngay cả anh Lĩnh cũng cho rằng đây là chuyện không bình thường, thậm chí có cảm giác anh Đăng bị bệnh thần kinh.

Chúng tôi đã thảo luận rằng phòng Tài chính cần hỗ trợ để anh Đăng có thể đi khám sức khỏe và chữa trị kịp thời nếu có bệnh.

Khoảng cuối tháng 6, tôi đã gặp một đồng chí bên Khối dân chính Đảng và anh ấy tưởng tôi sẽ thúc đẩy việc Đăng ra khỏi Đảng nhưng không phải.

Tôi thuyết phục anh ấy nói chuyện với Đăng để Đăng bình tĩnh lại, suy nghĩ lại về quyết định đó. Đồng chí ấy hứa với tôi và đến tận nhà Đăng để thuyết phục nhưng Đăng vẫn không đổi ý.

Tôi khẳng định lãnh đạo trường và cá nhân tôi không mâu thuẫn gì với anh Đăng và mong muốn sử dụng anh Đăng như là nguồn lực kiến thức cao.

Nhưng không có nghĩa là chúng tôi phải chấp nhận mọi giá và chúng tôi phải có những điều chỉnh về việc xử lý trường hợp anh Đăng để không loại bỏ một người tài.

Càng về sau anh Đăng càng có những biểu hiện nặng nề hơn. Khối dân chính Đảng đã ra quyết định cho anh Đăng rời khỏi Đảng.

Chúng tôi tạm ngừng vị trí phó khoa Điện- Điện tử- Viễn thông của anh Đăng để theo dõi, xem xét chứ chưa bao giờ ra quyết định cách chức Đăng cả.

Anh Đăng đã từng chỉ mặt tôi với thái độ không phải của một người làm về giáo dục trong một cuộc họp có nhiều người chứng kiến.

Anh Đăng chê thầy Ấu là thiếu trình độ, gọi thanh tra là cái loa không có não, cho rằng công đoàn nhà trường như một tổ chức bù nhìn, chỉ biết nghe theo chủ...

Cách ăn nói đó rất phản văn hóa, phản sư phạm khác với truyền thống tôn sư trọng đạo người Á Đông. Sử dụng ngôn từ như vậy không nghĩ rằng đó lại được phát ra từ một giảng viên như Đăng.


Thầy Doãn Minh Đăng được vị hiệu trưởng đánh giá rất cao về chuyên môn

Thầy Doãn Minh Đăng được vị hiệu trưởng đánh giá rất cao về chuyên môn

Chúng tôi làm đúng quy trình

Thưa ông, ông Đăng cho rằng ông đã “làm khó dễ” để đạt được mục đích cuối cùng là cho ông Đăng nghỉ việc. Ông nghĩ mình làm đúng quy trình chứ?

Tháng 3/2015 anh Đăng có dự một hội nghị 5 ngày tại Hà Nội nhưng không có báo cáo trường. Một đơn vị nhà nước thì phải có báo cáo rõ ràng khi vắng mặt.

Khi tôi hỏi anh Trần Hoàng Lĩnh thì được biết anh Đăng chỉ viết một email cho anh Lĩnh nhờ họp giao ban. Khi anh Lĩnh xuống dự thì mới biết anh Đăng nghỉ không có sự cho phép nhà trường.

Trước đó, anh Đăng dự cuộc họp nào cũng có xin phép trường nhưng lần này anh Đăng cho rằng mình đi bằng kinh phí cá nhân nên không cần báo cáo trường. Trường yêu cầu anh Đăng xác nhận từ ban tổ chức và anh ấy cảm thấy sốc.

Anh Đăng gửi mail cho ban tổ chức vào ngày 1/4/2015 kèm email các thành viên ban giám hiệu trường cho ban tổ chức và bảo rằng đây không phải là yêu cầu “cá tháng Tư” và kèm file pdf nội dung cuộc họp nội bộ nhà trường.

Chúng tôi thấy đây là vấn đề nghiêm trọng nên yêu cầu ngưng chức vụ phó khoa do cảm thấy anh Đăng có thể có những hành vi gây tổn hại uy tín nhà trường và xem xét cho anh Đăng ra khỏi Đảng.

Những điều này đều có sự thống nhất của ban giám hiệu vì nội dung cuộc họp nội bộ của trường không phải là thứ tùy tiện để phổ biến.

Trước đây trường cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề trong nội bộ về anh Đăng nhưng đến tối 19/11 anh Đăng có đưa các nội dung lên một đường link và Facebook để bôi nhọ nhà trường. Tôi đã có thông báo đây là một việc làm không thể chấp nhận.

Quan điểm về đấu tranh là cần thiết nhưng không thể vì sự bất đồng với một lãnh đạo hay một số lãnh đạo mà đả phá làm mất uy tín cả trường.

Có những lời bình cho rằng nếu đất nước như vậy sao ai dám quay về làm việc. Tôi thấy đó là sự hiểu lầm đáng tiếc và cần cho công luận hiểu rõ sự việc.

Tôi cũng rất mệt mỏi vì rất nhiều phóng viên hay nhưng người bạn, đồng nghiệp quan tâm hỏi về việc này rất nhiều. Tôi mệt mỏi từ cuối năm 2014 đến giờ vì mong muốn giữ lại một cán bộ giỏi nên mới kéo dài như vậy.

Nhà trường xem xét kỷ luật anh Đăng nghỉ việc vì trước đó anh Đăng nghỉ việc không phép. Anh ấy đưa một email xin nghỉ không lương một tháng để chăm vợ sinh con.

Nhà trường gọi điện không bắt máy, công đoàn gọi không bắt máy, khoa gọi không bắt máy, email của trường không thèm xem rằng chúng tôi có đồng ý không.

Như vậy là một cán bộ vô kỷ luật, theo nghị định 27 thì chúng tôi đã thực hiện đúng.

Còn các nội dung mà ông Doãn Minh Đăng đã tố cáo đích danh ông, thưa ông?

Anh Đăng làm đơn tố cáo tôi với UBND thành phố Cần Thơ về vấn đề công khai tài chính và bóp méo sự thật.

Tôi lại cho rằng anh Đăng đã bóp méo sự thật vì đoàn thanh tra đã đến xác minh và anh Đăng cảm thấy rằng các nội dung tố cao không có cơ sở nên đã rút đơn tố cáo lại.

Tôi đã trình bày với UBND thành phố Cần Thơ và Sở Nội vụ về quyền tự do dân chủ, quyền khiếu nại tố cáo là quyền của công dân nhưng vì không thích ai mà tùy tiện tố cáo rồi rút đơn lại thì ảnh hưởng uy tín cá nhân người tố cáo rất nhiều.

Từ 2010 đến nay tôi đã cùng ban giám hiệu và các phòng ban xây dựng quy chế dân chủ, quy chế thu chi và được UBND thành phố khen thưởng.

Anh Đăng không nắm rõ rằng các vấn đề về thu chi tài chính đều được niêm yết công khai tại phòng Tài chính- Kế toán, phòng Tổ chức- Hành chính thì niêm yết rõ ràng về các quyết định, khen thưởng.

Theo ông, trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ có ảnh hưởng gì khi các thông tin ông Đăng đưa lên hay không?

Chúng tôi có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho trường theo đề án 2011-2020.

Việc anh Đăng đưa thông tin không chính xác lên mạng chắc chắn có ảnh hưởng đến tâm lý của các cán bộ của trường lẫn các cán bộ có thể về trường làm việc hay học viên.

Đó là lý do tôi muốn có một cuộc họp báo để minh bạch tất cả các vấn đề, tránh bị dư luận hiểu lầm.

Còn điều gì ông muốn nói qua vụ việc này không?

Điều cuối cùng muốn chia sẻ của tôi là tôi cảm giác mình gặp tai nạn nghề nghiệp.

Tôi từng phát biểu nhiều lần trong các cuộc họp lớn của thành phố hay của trường về việc chúng ta cần có một cách giáo dục mới cho thế hệ trẻ từ cấp độ cơ sở trở lên.

Đó là ý thức công dân về việc học để làm gì, phục vụ cho điều gì chứ không chỉ là cung cấp kiến thức.

Ngoài kiến thức cần cả đạo đức, ý thức công dân đối với cộng đồng, quốc gia nếu không thì có nhiều kiến thức mà mơ hồ về ý thức, sai lầm về đạo đức thì rất nguy hiểm.

Tôi còn 2 năm nữa là về hưu rồi, tôi chỉ mong chúng ta hãy nhìn ra xung quanh thế giới để thấy các nước khác phát triển con người cả về kiến thức lẫn ý thức cho thế hệ trẻ, ví dụ như người Nhật.

Nếu không làm như vậy thì không biết đất nước sẽ đi về đâu?

Xin cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn!

Ông Dương Thái Công cũng cho biết vào ngày 6/9/2015 (trước thời điểm trường Đại học Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ khai giảng năm học 2015-2016) ông đã nhận được một tin nhắn đe dọa với nội dung: “Tuần này tao sẽ xử mày. Cẩn thận”.

Đến ngày 8/9/2015 ông Công lại nhận được một tin nhắn có nội dung hết sức tục tĩu xúc phạm ông.

Ông Công đã báo với lực lượng PA83 để đảm bảo an toàn cho bản thân và đảm bảo buổi lễ khai giảng vào ngày 9/9/2015 được diễn ra suôn sẻ.

 

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại