Bệnh nhân cận kề cái chết
Ngày 26/2, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, bệnh nhân tên Lương Minh Kỷ, 64 tuổi, đến từ Hải Dương.
Bệnh nhân Kỷ có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường (những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim). Trước đó, bệnh nhân đã vào bệnh viện Hải Dương điều trị khi bị nhồi máu cơ tim cấp khiến tim ngừng đập. Sau khi được cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, ông Kỷ được đưa ngay lên bệnh viện Tim Hà Nội.
Lúc này dù vẫn tỉnh táo song kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trên diện rộng, huyết áp thấp. Bệnh nhân được truyền dịch, truyền thuốc vận mạch và theo dõi chặt.
Tuy nhiên, 20 giờ sau khi nhập viện, huyết áp bệnh nhân sụt mạnh. Các bác sỹ bệnh viện tim Hà Nội tiến hành siêu âm ngay tại giường, phát hiện xung quanh quả tim toàn máu nên chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ tim.
Ngay lập tức các phương tiện cấp cứu và các kíp phục vụ cuộc mổ được chuẩn bị. Chỉ 3 phút sau khi phát hiện bị vỡ tim thì tim bệnh đã ngừng đập. Các bác sỹ lập tức hồi sức ép tim để bảo đảm huyết áp tối thiểu nuôi não.
Vì thời gian quá gấp gáp nên các bác sỹ đã không kịp giải thích với gia đình hay ký cam kết theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ngay cả buồng bệnh nơi bệnh nhân nằm dù không đảm bảo điều kiện tuyệt đối vô khuẩn trong phẫu thuật tim mở nhưng vẫn được biến thành phòng mổ dã chiến để thực hiện cuộc cấp cứu.
Khi mổ ra, máu ào ra, phát hiện vết nứt vỡ ở vùng mỏm của thất phải, ngay lập tức bác sỹ phẫu thuật chỉ kịp lấy cồn dội vào tay (bình thường phải sát trùng rất kỹ) rồi mặc áo đi găng vô khuẩn để mổ tima.
“Bác sỹ lúc đó chỉ khâu ngay tạm thời vết nứt vỡ để cho quả tim tương đối lành, sau đó dùng tay bóp tim để đưa máu nuôi não trong khi chờ bác sỹ gây mê khiêng máy tim phổi nhân tạo đến để đưa vào, duy trì huyết áp, nuôi các cơ quan như não, gan, thận”, ông Nguyễn Quang Tuấn thuật lại.
Sau khi đã chạy được hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể để đảm bảo sự sống cho các cơ quan thì bác sỹ cho quả tim ngừng đập để phẫu tích cẩn thận, hoàn thiện lại vết nứt vỡ. Ca phẫu thuật hoàn thành trong khoảng 150 phút.
Sau khi hoàn thành ca mổ, các bác sỹ quyết định đặt thêm dụng cụ trợ tim (bóng đối xung) ở trong động mạch chủ để quả tim được nghỉ ngơi nhiều hơn, chóng hồi phục hơn.
“Chỉ nghĩ bằng mọi giá phải cứu bệnh nhân”
Theo ông Tuấn, điều lo sợ nhất của kíp cấp cứu là trong lúc bóp tim, ép tim, chạy máy có khâu nào sơ sẩy gây tổn thương thì rất nguy hiểm. Nhưng rất may là bệnh nhân sau đó tỉnh táo hoàn toàn, não không có di chứng.
Ông Tuấn nhận định đây là ca cấp cứu vô cùng hy hữu và các bác sỹ “mổ trong tuyệt vọng vì hi vọng bệnh nhân qua khỏi là quá ít”. “Tuy nhiên điều kỳ diệu là sau khi mổ, huyết áp bệnh nhân ổn định dần, thuốc vận mạch giảm dần, hơn 1 ngày sau thì bỏ máy trợ tim”, ông Tuấn cho biết.
Nhận định cấp cứu là phải chạy đua với thời gian, đặc biệt là trong lĩnh vực tim mạch nhưng sau khi ca mổ hoàn thành, các bác sỹ mới thấy mình “sai kinh khủng về quy chế chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế” vì trước khi mổ chưa giải thích cho gia đình, chưa ký giấy cam đoan, mổ ngay tại phòng bệnh nhân không đảm bảo điều kiện tuyệt đối vô khuẩn trong phẫu thuật tim mở.
“Nhưng thực sự lúc đó các bác sỹ chỉ nghĩ bằng mọi giá mọi cách phải cứu bệnh nhân, chấp nhận bị phạt, kiện tụng, kỷ luật. Giờ phút ấy không cho phép mình suy nghĩ, nó như một phản xạ tự nhiên của người thầy thuốc chứ không phải vì mình ghê gớm hay thần thánh gì”, bác sỹ Tuấn chia sẻ.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân Kỷ rất tốt, nhịp tim 80 lần/phút, huyết áp 120/80, đi lại ăn uống bình thường. Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong 2-3 ngày tới.
Khi đến thăm và chúc mừng bệnh viện Tim Hà Nội nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam vào ngày 25/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao bằng khen vì thành tích cấp cứu kịp thời bệnh nhân nguy kịch ngay tại giường điều trị cho tập thể bác sỹ của bệnh viện.