Ngày 20/7 vừa qua, đã xảy ra 3 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng vắcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Theo kết quả sơ bộ ban đầu, trẻ tử vong là do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân.
Đến ngày 21/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, báo chí đưa tin nữ Bộ trưởng tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh; thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn... Tuy nhiên, Bộ trưởng Tiến không đến thăm 3 gia đình có các cháu bé tử vong do đã kín lịch.
Ngay lập tức, phát biểu này của Bộ trưởng Tiến đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.
Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiêm Văn phòng Quốc hội
PV: Thưa ông, nếu ở vào vị trí của Bộ trưởng Bộ Y tế, ông có đến thăm gia đình của 3 cháu bé đã tử vong do tiêm vắc xin ở Quảng Trị không?
Ông Trần Quốc Thuận: Theo tôi, Bộ trưởng là tư lệnh ngành, làm chức năng quản lý nhà nước nói chung. Khi xảy ra việc 3 trẻ em tử vong do tiêm vắc xin thì cần có biện pháp gì đấy như việc dừng ngay việc dừng vắc xin đó để kiểm tra, xác minh xem loại thuốc đó có sử dụng được hay không rồi cho điều tra nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Tôi cho rằng không phải ở đâu có vụ việc xảy ra thì nhất thiết Bộ trưởng phải đến nơi đó. Tuy nhiên, tôi rất quan tâm đến việc không biết đến nay Bộ trưởng Tiến đã có quyết định đình chỉ việc sử dụng vắc xin này hay chưa.
PV: Nhưng trong trường hợp Bộ trưởng đã có mặt tại địa phương xảy ra vụ việc gây chú ý đặc biệt của dư luận như vậy thì…
Ông Trần Quốc Thuận: Công việc hàng đầu của một bộ trưởng khi có vụ việc xảy ra là phải có một quyết sách, chủ trương nào đấy. Còn trường hợp Bộ trưởng đang có mặt trên địa bàn mà không quan tâm đến công việc được cho là liên quan đến tâm của một người lãnh đạo thì tôi cho đó là điều đáng tiếc. Về mặt tinh thần, khi các gia đình đang gặp đau thương vì mất con như vậy thì đó là một sự thiếu sót đáng chê trách.
Nếu đã để xảy ra các trường hợp nhiều trẻ em chết do tiêm vắc xin rồi mà vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng này nữa thì cũng phải xem Bộ trưởng trưởng đã xứng đáng ngồi ở vị trí đó chưa.
PV: Phát biểu của Bộ trưởng Tiến vừa qua không phải là lời phát biểu đầu tiên của một vị Bộ trưởng bị phản ứng. Còn nhớ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã từng rơi vào tình huống có nét tương tự như thế này. Theo ông, các tư lệnh ngành nên có phát ngôn và hành động như thế nào để xứng đáng và để nhân dân không phản ứng dữ dội?
Ông Trần Quốc Thuận: Vị trí Bộ trưởng không phải là vị trí để nói một đằng, làm một nẻo, không phải là vị trí hô hào. Là tư lệnh thì phải ra lệnh theo quyền năng của mình, nói đi đôi với làm.
PV: Liên quan đến phát biểu của Bộ trưởng Tiến về việc không thể đến thăm gia đình của 3 cháu bé đã tử vong dù đã ở Quảng Trị, có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế nên nghĩ đến văn hoá từ chức. Ông có cho rằng ý kiến này là quá cực đoan?
Ông Trần Quốc Thuận: Tôi nghĩ rằng hiện tượng nhiều người phản ứng trước hành động không đến thăm gia đình 3 cháu bé tử vong do tiêm vắc xin của Bộ trưởng Tiến mới đây chỉ là “giọt nước tràn ly”. Sự bức xúc này xuất phát từ nhiều việc trong đó có việc bức xúc trước một số phát biểu của vị Bộ trưởng Bộ Y tế này.
Một trong số đó là ngày 27/5 vừa qua, khi trả lời câu hỏi bên ngoài hành lang quốc hội về vấn đề quá tải bệnh viện và việc Bộ Y tế đưa ra thời điểm cụ thể giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Tiến có nói: “Câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị. Chúng tôi rất chia sẻ với cử tri và cảm thấy đau xót vô cùng với những nỗi vất vả mà người dân phải chịu khi nằm ghép, chờ đợi lâu. Nhưng cái chính là đầu tư vì Nhà nước mình còn nghèo. Ðương nhiên, Nhà nước đã cố gắng nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều”.
Sau phát biểu này, nhiều người nghe thấy sốc và đã phản ứng gay gắt bởi họ cho rằng Bộ trưởng Tiến là tư lệnh ngành, chính là “Nhà nước” chứ đâu mà phải hỏi. Tôi thì lại nghĩ khác. Bộ trưởng Tiến là tư lệnh ngành nhưng bà ấy đâu có tiền, mà phải là Chính phủ. Khi một ngành đề xuất ngân sách lên trên mà không được thì có gào lên cũng không ăn thua. Chỉ có con đường là xin tiền tài trợ từ nước ngoài… Tôi cho câu nói đó là xuất phát từ bức xúc của cá nhân Bộ trưởng.
Quay trở về vụ việc liên quan đến cái chết của 3 cháu bé ở Quảng Trị, ngành y tế quản lý ngành nên việc bệnh nhân chết, hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế là đúng nhưng ý kiến cho rằng bà Nguyễn Thị Kim Tiến không xứng đáng với vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế là không nên và hơi cực đoan.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến chia sẻ của ông!